Thứ Bảy, 28/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mạng xã hội trước sự thách thức của giới bán view, like, follower

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mạng xã hội trước sự thách thức của giới bán view, like, follower

Lê Linh

(TBVTSG) – Các dịch vụ bán lượt xem (view) ảo, lượt thích (like) ảo và người quan tâm theo dõi (follower) ngày càng phát triển nở rộ khiến các mạng xã hội lớn như YouTube, Facebook, Twitter đứng trước nguy cơ bị thao túng và tổn thất uy tín.

Martin Vassilev, 32 tuổi, đang kiếm sống tốt nhờ việc kinh doanh các lượt view ảo cho các video đăng trên mạng xã hội chia sẻ video trực tuyến YouTube. Chỉ ngồi làm việc tại nhà riêng ở Ottawa, Canada nhưng anh đã bán được 15 triệu vượt view ảo trong năm nay, kiếm được khoản thu đáng mơ ước 200.000 đô la Mỹ (hơn 46 tỉ đồng).

Mua nhà, xe nhờ bán view ảo

Mạng xã hội trước sự thách thức  của giới bán view, like, follower
View ảo đánh lừa nhiều người tiêu dùng và nhà quảng cáo vì họ tin rằng lượt view đó là thật. Ảnh: youtube.com

Vassilev không tự cung cấp các lượt view ảo này nhưng trang web 500Views.com do anh điều hành, giúp khách hàng kết nối với các dịch vụ cung cấp lượt view ảo, like ảo được tạo ra bởi các chương trình máy tính, chứ không phải con người. “Tôi có thể cung cấp lượng lượt view không hạn chế cho một video. Họ (YouTube) đã cố gắng ngăn chặn điều này trong nhiều năm nhưng không thành vì luôn có cách để luồn lách”.

Nhờ nghề môi giới bán lượt view ảo, chỉ trong vòng 18 tháng, từ chỗ phải sống dựa vào phúc lợi xã hội và tá túc tại nhà của cha mình, Vassilev giờ đây đã mua nhà riêng và tậu chiếc BMW 328i màu trắng cáu cạnh. Vassilev cho biết anh đáp ứng từ 150-200 đơn hàng mỗi ngày và có nguồn thu hơn 30.000 đô la mỗi tháng. “Tôi thực sự không thể tin rằng tôi có thể kiếm nhiều tiền như vậy từ công việc trực tuyến”, anh nói.

Để thực hiện phóng sự, phóng viên của The New York Times đã vào vai một người mua view, đặt mua 25.000 lượt view cho một video trên YouTube qua trang web của Vassilev và đơn hàng được hoàn tất chỉ trong vòng một ngày sau đó. Vassilev từ chối tiết lộ tên của các khách hàng nhưng cho biết phần lớn đơn hàng đến từ các công ty tiếp thị hoặc quan hệ công chúng.

Hiện nay, Vassilev thực hiện các đơn hàng thông qua SMMKings.com, một nhà bán sỉ lượt view được điều hành bởi Sean Tamir, 29 tuổi. Tamir bán 1.000 lượt view cho Vassilev với giá 1 đô la, rồi Vassilev tính phí lại cho khách hàng với giá 13,99 đô la, khuyến mãi thêm 100 lượt like miễn phí.

Lượt view tăng ảo vi phạm điều khoản dịch vụ của YouTube nhưng khi gõ lệnh tìm kiếm trên Google (công ty mẹ của YouTube) để tìm kiếm dịch vụ bán lượt view, kết quả hiển thị hàng trăm trang web cam kết tăng lượt view cho một video thêm 500, 5.000 hay thậm chí là 5 triệu lượt. Các trang web này, chỉ tính giá vài xu Mỹ cho một lượt view ảo, cũng xuất hiện trên mục quảng cáo ở công cụ tìm kiếm Google

Để thực hiện cuộc điều tra các trang web này, phóng viên The New York Times đã đăng các video lên YouTube rồi đặt mua vài ngàn lượt view từ chín công ty. Gần như tất cả các đơn đặt hàng này được hoàn thành chỉ trong vòng hai tuần.

Devumi.com, một trong các công ty nói trên, đã kiếm hơn 1,2 triệu đô la trong vòng ba năm bằng cách bán 196 triệu lượt view ảo cho các video trên YouTube. Hầu như tất cả các lượt view ảo này vẫn còn duy trì cho đến nay.

Một phân tích dữ liệu của Devumi từ năm 2014-2017 cho thấy hầu hết các đơn đặt hàng được hoàn thành trong vòng vài tuần dù những một số đơn hàng lớn mua hàng triệu lượt view mất thời gian lâu hơn để hoàn thành.

Cung cấp lượng lượt view khổng lồ với giá rẻ và nhanh chóng thường là một biểu hiện cho thấy dịch vụ đó không cung cấp lượt view thực.

Gian nan cuộc chiến chống view ảo

Jennifer Flannery O’Connor, Giám đốc quản lý mảng sản phẩm của YouTube, nói rằng các kỹ sư, nhà khoa học dữ liệu, chuyên viên thống kê của YouTube liên tục cải thiện năng lực chống lượt view ảo nhưng các cuộc tấn công vào các lỗ hổng của YouTube ngày càng mạnh mẽ và tinh vi hơn.

Sau khi The New York Times cung cấp cho YouTube đường link các video được mua lượt view, YouTube cho biết các công ty bán lượt view đã khai thác hai lỗ hổng mà họ đã chấn chỉnh. Tuy nhiên, sau đó, phóng viên của tờ báo này tiếp tục mua lượt view từ sáu nhà cung cấp trước đó và lượt view của các video này vẫn tăng lên dù chậm hơn. Hai tuần sau đó, bốn trong số sáu nhà cung cấp đã hoàn thành đơn hàng mua lượt view của phóng viên The New York Times. Cứ vài lần trong năm, YouTube lại nâng cấp hệ thống phát hiện gian lận để chống lượt view ảo. Lần nâng cấp gần đây được thực hiện vào cuối tháng 1-2018 nhưng chỉ vài tuần sau đó, nhiều trang bán lượt view có thể trở lại hoạt động bình thường. Các nhà cung cấp lượt view ảo cho biết họ lòn lách các cập nhật hệ thống của YouTube bằng cách tạo ra các lượt view thật ban đầu từ người dùng, sau đó, mới tạo lượt view ảo.

Carlton E. Bynum II, một người bán lượt view ảo, 24 tuổi, đã mua quảng cáo trên Google để thu hút khách hàng. Anh đã kiếm được 191.100 đô la trong năm 2018 này nhưng phải trả 109.000 đô cho chi phí quảng cáo để dịch vụ của anh được hiển thị lên trang đầu trong kết quả tìm kiếm ở Google. GetLikes.click, trang web mà Bynum điều hành tại nhà riêng ở thành phố Houston, bang Texas (Mỹ), chuyên bán lượt view ảo trên YouTube, bán lượt like ảo trên Facebook cũng như bán lượng người theo dõi (follower) ảo trên các mạng xã hội Instagram và Twitter.

Google không cho phép các quảng cáo có những dòng chữ đại loại như “Mua lượt view YouTube” nhưng Bynum cho biết có cách để lách là viết sai chính tả cụm từ này và đăng ký quảng cáo nhiều lần nếu lần đăng ký đầu tiên bị từ chối.

Các nhà cung cấp dịch vụ view ảo sử dụng các chiến thuật biến hóa liên tục để tạo ra lượt view ảo bao gồm các lượt view do phần mềm tự động tạo ra nhưng YouTube khẳng định công ty này có các quy trình hiệu quả để chống lại các hành động này. “Đây là vấn đề mà chúng tôi đang giải quyết trong nhiều năm qua”, Jennifer Flannery O’Connor, Giám đốc quản lý mảng sản phẩm của YouTube, nói. Bà cho biết các hệ thống của YouTube giám sát liên tục các hoạt động liên quan đến một video và đội ngũ chống gian lận thường xuyên mua lượt view để tìm kiểm các trang web bán lượt view hoạt động như thế nào. Tuy nhiên, các thách thức đặt ra cho YouTube là rất lớn. Đã có lúc vào năm 2013, YouTube phát hiện số lượng lượt view ảo do các phần mềm tự động tạo ra cao ngang bằng số lượng lượt view thật.

YouTube cho biết sở dĩ lượt view ảo tăng mạnh là do nền tảng này bị một vụ tấn công. Sau khi YouTube đã chấn chỉnh những lỗ hổng, lượt view ảo giảm đáng kể. Tuy vậy, cho đến nay, YouTube vẫn đang chật vật với cuộc chiến chống lượt view ảo. Martin Vassilev nói: “Cách duy nhất YouTube có thể tiệt trừ được vấn đề lượt view ảo là họ xóa bỏ hoàn toàn hệ thống đếm lượt view nhưng điều này cũng có nghĩa hủy bỏ mục đích của YouTube”.

Không thể kiểm soát

Tháng 9 năm ngoái, một nhóm nhà nghiên cứu tại trường Đại học Iowa ở Mỹ và trường Đại học Khoa học Quản lý ở Pakistan phát hiện một mạng lưới hơn 50 trang web cung cấp các lượt “like” ảo miễn phí cho các dòng trạng thái của người dùng trên Facebook, đổi lại, những người sử dụng này cho phép những kẻ điều hành các trang web trên tiếp cận tài khoản của họ để “like” các dòng trạng thái khác. Các trang web này thao túng khoảng 1 triệu tài khoản Facebook cả thật lẫn giả để cung cấp đến 100 triệu lượt “like” ảo và “comment” ảo trên Facebook trong hai năm 2015 và 2016. Nhóm nhà nghiên cứu cảnh báo, hình thức “hợp tác” này có thể bị lạm dụng cho các mục đích xấu khác, chẳng hạn, những kẻ tấn công có thể ăn cắp thông tin cá nhân từ các thành viên nằm trong mạng lưới cấu kết này hay dùng hồ sơ mạng xã hội của họ để lây lan các mã độc.

Hồi đầu năm nay, Facebook cho biết khoảng 2-3% tài khoản người dùng của mạng xã hội này là giả và khoảng 6-10% là các tài khoản giống các tài khoản đã có trước đó. Điều này có nghĩa là khoảng 270 triệu trong số 2,1 tỉ tài khoản người dùng của Facebook tính đến đầu năm 2018 là giả hoặc trùng lặp.

Một cuộc nghiên cứu của hai trường đại học Nam California và Indiana ở Mỹ hồi tháng 3 năm ngoái cho biết có đến 15% trong số 48 triệu tài khoản đăng ký ở mạng xã hội Twitter là giả mạo.

Dĩ nhiên, các tài khoản giả như vậy được tạo ra để sử dụng cho các mục đích cung cấp like ảo trên Facebook hoặc người theo đuôi ảo trên Twitter. Các dịch vụ bán like cho các dòng trạng thái ở Facebook xuất hiện nhan nhãn trên mạng với các cam kết chẳng hạn cung cấp 500 like thật với giá chỉ 10 đô nhưng thực tế, các like được bán này thường được tạo ra từ các tài khoản giả mạo.

Khi tìm kiếm trên Google để tìm các dịch vụ bán follower, Devumi thường là một trong những cái tên xuất hiện đầu tiên. Phóng viên The New York Times đã lập một tài khoản trên Twitter mà mua thành công 25.000 follower từ Devumi với giá chỉ 225 đô la, tương đương 1 xu/1 follower. Dĩ nhiên, phần lớn những follower này đều là những tài khoản giả. Điều tra của The New York Times cho thấy Devumi có khoảng 3,5 triệu tài khoản Twitter giả và đã sử dụng chúng để cung cấp dịch vụ bán follower.

Người tiêu dùng và nhà quảng cáo bị đánh lừa

Mạng lưới cung cấp lượt view ảo mà Vassilev là một phần trong đó có thể gây tổn hại đến uy tín của YouTube. Dù YouTube nói rằng lượt view ảo chỉ chiếm một phần rất nhỏ nhưng chúng vẫn tạo ra tác hại lớn bằng cách đánh lừa người tiêu dùng và nhà quảng cáo tin rằng lượt view đó là thật. Người tiêu dùng có thể sẵn sàng bỏ tiền ra để mua các sản phẩm và dịch vụ được quảng bá trên các video ở YouTube nhận được nhiều lượt like dù đó là like ảo. Các nhà quảng cáo có thể lãng phí tiền cho video quảng cáo trên YouTube nếu các lượt view các video đó là ảo.

Ngoài ra, những người mua like ảo, với hy vọng khách hàng sẽ chú ý đến sản phẩm của họ, thường tốn tiền vô ích. Elizabeth Clayton, 77 tuổi, giáo sư tâm lý học về hưu, đã trả cho công ty quảng cáo trực tuyến Hancock Press 8.400 đô la để quảng bá hai video giới thiệu các tập thơ tự phát hành của bà. Sau đó, Hancock Press chỉ trả 270 đô la để mua 55.000 lượt view cho mỗi video này từ nhà cung cấp Devumi. Dù đến nay, lượt view ở mỗi video đã lên 60.000 nhưng doanh số các tập thơ của bà vẫn không tăng. Dữ liệu của Devumi cho thấy Hancock Press đã chi 26.000 đô la trong ba năm qua để mua hơn 5 triệu lượt view cho 75 nhà văn, nhà thơ. Devumi đã đóng cửa trang web do bị nhà chức trách ở hai bang điều tra hồi 1-2018 sau khi The New York Times đăng bài viết phơi bày việc Devumi bán follower ảo trên mạng xã hội Twitter.

YouTube không tiết lộ số lượng lượt view ảo bị chặn mỗi ngày nhưng cho biết đội ngũ chống gian lận của YouTube đang nỗ lực để khống chế lượt view ảo chiếm chưa đến 1% tổng lượt view trên YouTube. Điều này có nghĩa là chắc chắn có vài chục triệu lượt view ảo trong số hàng hàng tỉ lượt view mỗi ngày trên YouTube.

Công ty nghiên cứu mạng xã hội Captiv8 cho biết một số người có tầm ảnh hưởng (influencer) trẻ tuổi với hơn một triệu follower trên mạng xã hội Twitter có thể kiếm được 20.000 đô la Mỹ cho mỗi dòng tweet quảng bá sản phẩm và dịch vụ của các công ty. Tuy nhiên, rất nhiều người ảnh hưởng đang mua follower ảo để kiếm tiền quảng cáo nhiều hơn.

Hồi tháng 6, Keith Weed, Giám đốc tiếp thị của tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng Unilever, tuyên bố “cạch mặt” những người ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) vì đã thổi phồng sức ảnh hưởng của họ bằng cách mua tài khoản follower giả mạo để kiếm thêm tiền từ việc quảng cáo sản phẩm. Ông nói Unilever sẽ chấm dứt việc hợp tác quảng bá sản phẩm với những KOL gian dối. Unilever muốn thấy một sự minh bạch lớn hơn trên thị trường quảng cáo dựa vào KOL vì lo ngại rằng người tiêu dùng có thể không còn tin tưởng vào những KOL cũng như những thương hiệu mà họ hợp tác nữa.

Năm ngoái, Procter & Gamble, một trong những tập đoàn kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh lớn nhất thế giới, đã cắt giảm 200 triệu đô la chi phí quảng cáo trực tuyến sau khi nhận thấy dữ liệu lượt xem quảng cáo của họ từ các công ty công nghệ và truyền thông không nhắm đến khách hàng mục tiêu hiệu quả.

(Theo NY Times, BBC)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới