Tiểu thuyết Kim Dung, hấp dẫn từ giới bình dân tới trí thức
Hà Đình Nguyên
Cố nhà văn Kim Dung. Ảnh: Internet |
(TBKTSG Online) - Vị “minh chủ” của trường phái truyện kiếm hiệp với những tác phẩm có tầm ảnh hưởng như: Lộc đỉnh ký, Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu… vừa từ giã cõi trần vào ngày 30-11 ở tuổi 94, để lại nhiều nỗi tiếc thương và thán phục trong lòng người hâm mộ.
Thời hoàng kim, lúc bút lực của Kim Dung sung mãn nhất, kéo dài trong khoảng 15 năm (1955-1970) với 15 pho tiểu thuyết võ hiệp, mở đầu bằng Thư kiếm ân cừu lục (1955) và “đóng bút” bằng bộ Lộc đỉnh ký (1969-1972).
Truyện Kim Dung hội đủ những yếu tố của một tác phẩm ăn khách: tình tiết ly kỳ, bố cục chặt chẽ, giải quyết hợp lý, chi tiết bất ngờ, cốt truyện không trùng lặp nhau, lại đan xen chuyện tình yêu tay ba tay tư... Một thế giới nhân vật đông đảo với cá tính phức tạp, sinh động, nhân vật trung tâm của ông không phải lúc nào cũng đẹp trai, hào hoa phong nhã giỏi võ công ngay từ đầu mà có khi ngu đần, khù khờ (như Quách Tỉnh), khuyết tật (như Dương Quá), mù chữ, dốt nát (như Vi Tiểu Bảo)… |
Mỗi ngày ông chỉ viết vài ngàn chữ hoặc một chương và đăng trên tờ Minh Báo (Hồng Kông). Báo ra sẽ được gửi máy bay đi khắp nơi, trong đó có Việt Nam.
Trước năm 1963 (thời Ngô Đình Diệm) miền Nam Việt Nam chỉ có 9 tờ báo ngày, nhưng đến tháng 12-1963 có đến 44 tờ và tất cả đều đăng feuilleton (truyện nhiều kỳ) tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, nếu không báo sẽ xuống dốc không phanh ngay lập tức. Báo nào đăng truyện Kim Dung sẽ cháy hàng.
Đội ngũ chuyên dịch truyện Kim Dung lúc đó khá đông, bao gồm: Hàn Giang Nhạn, Tam Khôi, Từ Khánh Phụng, Từ Khánh Vân, Phan Cảnh Trung, Đà Giang Tử, Điền Trung Tử, Tường Anh, Lã Phi Khanh, Vũ Ngọc, Dương Quân, Khưu Văn... Nhiều khi máy bay trục trặc, không đúng giờ thì từ chủ nhiệm, chủ bút các tờ báo, đến các dịch giả như “giẫm phải lửa” còn bạn đọc thì “vò đầu, bứt tai” vì... đang nôn được đọc tiếp. Thế mới biết, chữ nghĩa của Kim Dung có sức hấp dẫn khủng khiếp!
Trong số các dịch giả, người dịch Kim Dung hay nhất là Hàn Giang Nhạn, theo như các bậc đàn anh kể lại thì lúc đó Hàn Giang Nhạn được cả chục tờ báo đặt hàng, cho nên khi cầm được tờ Minh Báo số mới nhất trên tay, ông nửa nằm nửa ngồi trên trường kỷ, mắt đọc, miệng dịch cho người thư ký ngồi bên cạnh ghi lại, quanh đó có đại diện của chục tờ báo ngồi “hóng”.
Bài sách Tiếu ngạo giang hồ. |
Người thư ký viết đè lên chồng giấy, ở giữa mỗi tờ có kẹp thêm một tờ giấy than (carbon), kiểu “photocopy” này chỉ những tờ giấy nằm trên là rõ nét, còn càng ở dưới càng mờ dần, cho nên khi phát cho đại diện các báo thì “may nhờ, rủi chịu”. Báo nào vớ phải tờ dịch chữ mờ thì đoán hoặc “phăng” đại. Cho nên, nhiều khi cùng một người dịch mà mỗi tờ báo đăng một phách. Mà ngay cả Kim Dung vì viết vội nên cũng không tránh được sơ suất chẳng hạn phần trước nhân vật Phí Bân chết, phần sau thấy sống lại; nhân vật Khúc Phi Yên bỗng dưng bị bỏ quên không nhắc đến; nhân vật Lệnh Hồ Xung đã tặng Doanh Doanh bản Tiếu ngạo giang hồ sau đó lại thấy vẫn còn...
Khi Kim Dung vừa “chốt hạ” xong một bộ thì hơn 30 nhà xuất bản (NXB) ở miền Nam lúc bấy giờ nhào vô (thực ra là đã điều đình với các dịch giả từ trước) và làm việc hết công suất để in ra những bộ truyện võ hiệp kỳ tình Kim Dung còn chưa ráo mực (dạo ấy còn in bằng cách sắp chữ khuôn kẽm).
Điểm danh các NXB chuyên in kiếm hiệp gồm có: Thời Đại, Đại Nam, Bừng Sống, Trường Giang, Đông Phương, Đại Hưng, Khai Sáng, Quyền Sống, An Hưng, Sông Xanh, Thành Phương, Trung Thành, Hương Hoa, Tân Thế Kỷ, Tổ Hợp Sống...
Mỗi bộ thường được các NXB chia ra làm nhiều quyển nhỏ trung bình từ 4-6 quyển. Đó là lúc các họa sĩ vẽ bìa ra tay (vẽ 2 mặt: trước và sau). Có nhiều họa sĩ như: Đỗ Phi, Cảnh Thế, Thanh Lan... nhưng họa sĩ Lê Minh (sinh năm 1937, hiện vẫn còn sống ở Sài Gòn) được ưa chuộng hơn cả. Ông chia sẻ: “Bìa truyện kiếm hiệp phải vẽ sao cho độc giả nhìn vào là thấy gay cấn hấp dẫn, do đó cần tuân thủ một số điều kiện bắt buộc: phải có nhân vật nữ, tranh vẽ phải động, bố cục tựa truyện, tên tác giả và người dịch phải cân đối, màu sắc hài hòa không đơn điệu cũng tránh lòe loẹt!”.
Lê Minh kể lại nhiều kỷ niệm khó quên trong 12 năm vẽ bìa truyện chưởng của mình. Một lần, đang vẽ gấp bìa Cô gái Đồ Long nhằm kịp mang ra nhà in “làm bản kẽm” (cliché) thì đột ngột mất điện, phòng làm việc tối om, nóng bức, ngột ngạt, ông chủ NXB Đại Hưng tự tay thắp nến rồi cầm quạt phe phẩy liên tục cho họa sĩ Lê Minh thực hiện nốt hình trang bìa còn dang dở.
Bìa sách Lộc đỉnh ký. |
Một sáng nọ, ông chủ NXB Đại Hưng yêu cầu Lê Minh vẽ bìa Tiếu ngạo giang hồ cảnh một người bị treo cổ lơ lửng trên cành cây. Đọc sơ qua bản dịch của Hàn Giang Nhạn, Lê Minh nghĩ kẻ bị treo cổ là nhân vật phản diện Điền Bá Quang vì thế đã vẽ một gã “râu ria lông ngực” mặt mũi dữ dằn hung tợn, mắt trợn trừng bị treo cổ tòng teng trên cây tùng. Hôm sau bìa truyện in ra, ông chủ NXB Đại Hưng ôm đầu “than trời” bởi Điền Bá Quang là nhân vật có vẻ ngoài trắng trẻo thư sinh, “mày râu nhẵn nhụi” chứ đâu có như hình bìa của Lê Minh!
Ở miền Nam thời ấy hầu như ai cũng đọc chưởng từ học sinh, thợ thuyền đến nhà trí thức, những nhà chính trị... Các quầy cho thuê truyện nhan nhãn ở các thị tứ. Chỉ cần đặt tiền cọc (bằng giá trị mỗi cuốn hoặc cả bộ sách), đọc xong mang trả mà chỉ phải đóng “phí đọc” rất nhỏ, khoảng 10% tiền cọc.
Tính cách của từng nhân vật của Kim Dung cũng được đem ra so sánh với một nhân vật nào đó trong đời thường, chẳng hạn người giả bộ khí khái, trung trực mà lòng dạ tiểu nhân thì bị gọi là Ngụy quân tử (Nhạc Bất Quần trong Tiếu ngạo giang hồ), người gian manh trí trá thì ví là Lục Tiểu Bảo (trong Lộc đỉnh ký), kẻ chuyên bẻ hoa, gặt phấn thì cho là “Điền Bá Quang” (Thiên long bát bộ) v.v...
Tóm lại, các tác phẩm của Kim Dung đã một thời xâm chiếm và khuynh loát xã hội miền Nam trong nhiều lĩnh vực khi ông dẫn dắt người đọc vào một thế giới võ lâm tưởng tượng mà sống động như thật.