Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà ở giá rẻ, vấn đề bức bối trên toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà ở giá rẻ, vấn đề bức bối trên toàn cầu

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Các thành phố trên khắp thế giới từ New York đến London, đang chật vật giải quyết các cuộc khủng hoảng nhà ở giá rẻ vốn đang ngày càng bức bối.

Chuẩn bị kỹ để mua được nhà ở xã hội

Nhà ở xã hội vẫn trong vòng luẩn quẩn

Nhà ở giá rẻ, vấn đề bức bối trên toàn cầu
Công ty kiến trúc Rogers Stirk Harbour + Partners (Anh) đã thử nghiệm kỹ thuật xây dựng mô-đun để xây dựng khu nhà ở xã hội Y:Cube ở London. Ảnh: Rogers Stirk Harbour + Partners

Nhiều đô thị lớn trên thế giới đang chứng kiến tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ trầm trọng dù hàng trăm triệu đô la đã được đầu tư và hàng trăm ngàn đơn vị nhà ở đã được xây dựng mỗi năm. Để giúp người dân có nơi cư trú, một số nước tập trung vào các giải pháp khuyến khích cởi trói thị trường nhà đất trong khi đó, một số nước khác sử dụng các biện pháp kiểm soát giá cho thuê nhà và phụ cấp thuê nhà. Song không có cách tiếp cận nào giải quyết được cuộc khủng hoảng nhà ở giá rẻ.

Theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, có trụ sở ở London, trong năm năm qua, tại 32 thành phố lớn trên thế giới, giá nhà thực tế tăng trung bình 24%, trong khi đó, thu nhập trung bình của người dân ở các thành phố này chỉ tăng trung bình 8%. Điều này khiến giấc mơ sở hữu nhà ở ngày càng xa tầm với của những người dân có thu nhập thấp, đặc biệt là giới trẻ.

“Các thành phố lớn trên toàn cầu đang đau đầu với vấn đề nhà ở giá rẻ một phần là do sự thành công của họ”, Liam Bailey, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của  Knight Frank, nói khi ám chỉ đến sự phồn thịnh của các thành phố nhờ tạo ra nhiều việc làm và thu hút lực lương dân nhập cư khổng lồ từ các miền quê xa xôi.

Giá nhà càng tăng vọt khi nhu cầu của giới đầu tư tăng. Họ là những nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước mua thêm căn nhà thứ hai để bán lại kiếm lời và những nhà đầu tư nước ngoài tận dụng các công nghệ mới và hệ thống tài chính được toàn cầu hóa để thực hiện các giao dịch từ xa.

Trong khi đó, các chính phủ không còn ngân sách để trợ cấp cho các chương trình nhà ở xã hội mới. Hầu hết ngân sách của các nước đang căng cứng bởi nhu cầu đầu tư cho dịch vụ y tế và trả lương hưu cho người già.
Ở nhiều thành phố mà Knight Frank khảo sát, các công ty phát triển nhà ở xây hàng trăm ngàn đơn vị nhà ở mỗi năm nhưng phần lớn chúng nhắm đến những khách hàng và người thuê nhà giàu có, chứ không phải nhắm đến tầng lớp lao động hoặc người có mức thu nhập trung bình.

Để khống chế giá nhà, một số chính quyền thành phố ở Canada và Úc, đã tăng thuế để hạn chế hoạt động đầu cơ của người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc. Cách đây vài năm, giá nhà ở hai thành phố Vancouver và Toronto ở Canada tăng 30% mỗi năm. Tuy nhiên, giá nhà hiện nay ở hai thành phố này gần như đứng yên một phần là nhờ mức thuế giá trị gia tăng cao ngất ngưỡng nhắm vào những nhà đầu tư nước ngoài.

Tương tự, nhờ tăng nhiều loại thuế và áp thêm thuế mới, giá nhà trung bình tại Sydney đã giảm về mức 780.000 đô la hồi cuối năm ngoái, giảm 11% so với mức đỉnh được thiết lập vào năm 2017.

Tuy đã hạ nhiệt nhưng giá nhà ở các thị trường này vẫn quá tầm với ngay cả đối với những gia đình trung lưu. Tại Sydney, mức giá nhà 780.000 đô la vẫn cao hơn 12 lần mức thu nhập trung bình hàng năm của người dân.

Các chính quyền và khu vực tư nhân đang tìm kiếm các giải pháp mới để giải tỏa nhu cầu nhà ở giá rẻ. Các thành phố như London và New York đang quy hoạch lại các khu đất để cho phép xây dựng  nhiều tòa chung cư cao tầng hơn hoặc nới lỏng các quy định để cho phép xây dựng các căn hộ cỡ nhỏ.

Trong 20 năm qua, giá nhà ở San Francisco và New York lần lượt tăng hơn 150% và 100% nhưng giá nhà ở Tokyo đứng yên. Ảnh: WSJ

Một số công ty xây dựng và kiến trúc đang thử áp dụng các kỹ thuật xây dựng mới dựa vào các tiến bộ công nghệ để xây dựng các căn hộ giá rẻ. Chẳng hạn, công ty kiến trúc Rogers Stirk Harbour + Partners (Anh) đang tìm cách triển khai kỹ thuật xây dựng mô-đun ở các khu vực ngoại ô. Công ty này thử nghiệm kỹ thuật này để xây dựng khu nhà ở xã hội Y:Cube ở London. Theo đó, các khối kết cấu (đơn vị căn hộ) 26m2 làm bằng gỗ tái chế sẽ được sản xuất tại nhà máy, sau đó, chúng được vận chuyển đến công trường để lắp ghép thành một khu chung cư hoàn chỉnh.

Trong khi đó, vấn đề nhà ở ngày càng trở nên nóng bỏng trên nghị trường của các chính quyền, chẳng hạn, hai thành phố California (Mỹ), London (Anh) và Đức đang đề xuất  mở rộng các biện pháp kiểm soát giá cho thuê nhà.
Nhà ở giá rẻ cũng là vấn đề lớn trong tổng tuyển cử vào tháng 5 năm tới ở Úc. Công đảng Úc ủng hộ các biện pháp tăng nguồn cung nhà ở và ngăn chặn hoạt động đầu cơ. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cảnh báo các biện pháp như vậy có thể khiến thị trường nhà đất tụt giá mạnh...


Theo The Wall Street Journal

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới