Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Mỹ khởi sắc, 40% người dân vẫn chật vật trả hóa đơn sinh hoạt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Mỹ khởi sắc, 40% người dân vẫn chật vật trả hóa đơn sinh hoạt

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Đà tăng trưởng kinh tế Mỹ đã kéo dài trong thời gian kỷ lục 121 tháng liên tiếp nhưng các lợi ích kinh tế phân bổ không đồng đều khiến gần một nửa dân số Mỹ “làm được đồng nào phải tiêu đồng đó” và dễ rơi vào tình thế bị tổn thương khi gặp phải các biến cố lớn.

Kinh tế Mỹ khởi sắc, 40% người dân vẫn chật vật trả hóa đơn sinh hoạt
Đà tăng trưởng kinh tế Mỹ đã kéo dài trong dài thời kỷ lục 121 tháng liên tiếp. Ảnh: Financial Times

Sommer Johnson là nhân viên bảo hiểm, 39 tuổi, sống ở Douglasville, một vùng ngoại ô của TP Atlanta, bang Georgia, Mỹ. Năm ngoái, chị trải qua nhiều sự kiện và biến cố. Đó là năm chị đính hôn, nhận được công việc toàn thời gian và đón nhận tin mẹ của hôn phu qua đời chỉ một tuần trước ngày cưới của chị. Biến cố này dẫn đến hàng loạt khoản chi tiêu lớn, khiến chị phải chật vật trả các hóa đơn sinh hoạt và đẩy chị đến bên bờ vực phá sản.

“Tôi nghe tin tức báo chí nói rằng nước Mỹ đang chứng kiến một trong những thời kỳ tăng trưởng kinh tế tốt nhất và tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp kỷ lục, đặc biệt là đối với người Mỹ gốc Phi mà tôi là một thành viên trong đó. Tôi nhìn xung quanh và tự hỏi cơn bùng nổ ở đâu? Nhìn ở nơi tôi sống, không có vẻ như là nền kinh tế đang tốt đẹp nhất từ trước đến nay”, chị cho biết.

Hồi đầu tháng 7, Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) ghi nhận tính đến nay, đà tăng trưởng kinh tế Mỹ đã kéo dài 121 tháng liên tục kể từ tháng 6-2009, lâu nhất trong lịch sử Mỹ. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng lên các mức kỷ lục mới với chỉ số Dow Jones đóng cửa ở đỉnh cao mới hôm 3-7. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đang sử dụng thành tích tăng trưởng của nền kinh tế như một trọng tâm trong cuộc vận động tranh cử của ông hướng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng kinh tế Mỹ đang yếu đi và các lợi ích mang lại cho người dân không đồng đều so với các chu kỳ tăng trưởng trước đây, khiến nhiều người Mỹ dễ tổn thương hơn khi gặp phải những biến cố gây tốn kém.

Cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ) cho thấy trung bình cứ 10 người Mỹ, có bốn người đang phải chật vật trả hóa đơn sinh hoạt và các khoản vay hàng tháng.

Matthew Mish, Giám đốc chiến lược tín dụng ở Ngân hàng đầu tư UBS, nói: “Đây là sự hồi phục kinh tế hai lớp”. Mish cho biết “lớp thấp”, bao gồm 40% người dân Mỹ, chỉ chứng kiến mức tăng trưởng lương rất thấp, trong khi đó, chi phí nhà cửa, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nợ cá nhân của họ lại tăng nhanh. Những người thuộc lớp thấp này thường không sở hữu nhà riêng hay cổ phiếu.

Sommer Johnson cùng gia đình đang ở nhà thuê tại Douglasville, một vùng ngoại ô của TP Atlanta, bang Georgia, Mỹ. Ảnh: Washington Post

Hầu hết họ vẫn đủ chi phí sinh hoạt cho đến khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng bất ngờ như mất việc, bị bạo bệnh hay nhà cửa bị thiệt hại do bão lụt. Các khoản chi phí phát sinh lớn để giải quyết các cuộc khủng hoảng này khiến họ không còn đủ sức chi trả các hóa đơn sinh hoạt và các khoản vay khác.

Các nhà kinh tế lo ngại tình hình nguy ngập như vậy sẽ khiến nhiều người Mỹ rơi vào rủi ro lớn hơn nếu nền kinh tế chững lại hoặc hướng đến một đợt suy thoái tiếp theo.

“Quá nhiều người Mỹ đang phải tiêu sạch tiền lương cho sinh hoạt. Chúng ta đang hướng đến một cuộc khủng hoảng chính trị, nếu không phải là một cuộc khủng hoảng kinh tế”, Signe-Mary McKernan, Phó Chủ tịch Trung tâm Lao động, Dịch vụ con người và Dân số ở Viện Đô thị, có trụ sở ở Washington, nói.

Tình trạng dễ tổn thương của 40% người Mỹ là do nhiều yếu tố. Trước hết, nhìn chung, các hộ gia đình Mỹ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2018. Điều này khiến một nửa dân số Mỹ thiếu vùng đệm tài chính để xử lý những khoản chi tiêu bất ngờ hoặc ứng phó với đợt suy thoái kinh tế tiếp theo.
Thu nhập của một nửa dân số Mỹ hiện nay, sau khi đã điều chỉnh lạm phát, không cao hơn so với năm 1989, theo dữ liệu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Mức tăng trưởng lương ở Mỹ tăng nhanh trong những tháng gần đây, đặc biệt là đối với những công nhân có thu nhập thấp. Khoảng một nửa công việc ở Mỹ có mức thu nhập chưa đến 18,58 đô la/giờ và hơn 1/3 công việc có mức thu nhập chưa đến 15 đô la/giờ. Các mức thu nhập như vậy khiến nhiều người Mỹ khó có thể tiết kiệm hoặc đầu tư để hướng đến một tương lai tốt hơn.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng nền kinh tế vững mạnh của đất nước đang giúp ngày càng có nhiều người Mỹ tăng thu nhập, đặc biệt là các công nhân, các cộng đồng người thiểu số và cựu phạm nhân. Trái lại, phe Dân chủ đang kêu gọi mở rộng các chương trình hỗ trợ của chính phủ để giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Cách để giúp đỡ những tầng lớp dễ tổn thương về kinh tế có thể là một chủ đề tranh luận quan trọng trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2020.

“Khi giới tài chính ở Phố Wall cho rằng mọi thứ đang tốt đẹp với nền kinh tế không có nghĩa là hầu hết người Mỹ đều cảm thấy mọi thứ ổn. Khi mà mọi ngày đều là ngày khó khăn đối với hàng triệu gia đình Mỹ, mọi thứ không tốt đẹp”, Ray Boshara, Giám đốc Trung tâm Ổn định Tài chính hộ gia đình ở chi nhánh khu vực của Fed ở TP. St. Louis, bang Missouri, nói.

Để trang trải cho cuộc sống, người Mỹ đã vay nợ lớn trong những năm gần đây. Tổng nợ hộ gia đình Mỹ giờ đây đã lên mức 13.700 tỉ đô la, vượt qua mức đỉnh năm 2008, theo chi nhánh khu vực của Fed ở New York. Nợ hộ gia đình tăng chủ yếu là vay mua xe và học phí đại học.

Chị Sommer Johnson hiểu các vấn đề này rất rõ. Gia đình chị gồm năm người, bao gồm hai đứa con đang tuổi teen và một bé gái nhỏ cùng chồng chị Carl Dunlap đang sống dựa vào mức thu nhập 31.000 đô la từ công việc nhân viên bảo hiểm của chị và công việc thư ký bán thời gian của chồng. Khoản bảo hiểm nhân thọ ít ỏi nhận được sau khị mẹ chồng chị qua đời nhanh chóng hết sạch nhưng chị còn phải thanh toán nhiều khoản từ tiền thuê nhà, tiền đóng bảo hiểm y tế, tiền chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời.

Chị vẫn đang còn nợ khoản tiền vay trả học phí hồi đại học và sử dụng chiếc xe cũ Volkswagen Passat mà chị mua vào năm 2017 bằng khoản vay thế chấp. Tuy nhiên, sau khi mẹ chồng qua đời, chị phải chọn lựa giữa việc tiếp tục trả góp ngân hàng 350 đô la/tháng cho khoản vay mua xe và trả chi phí trông giữ trẻ hàng tháng cho đứa con nhỏ của chị.

Cuối cùng, chị chấp nhận bị thu hồi xe để có tiền trả chi phí trông giữ con chị. Giờ đây, hai vợ chồng chị phải đi làm bằng dịch vụ đi chung xe để tiết kiệm tiền và trả món nợ hàng ngàn đô la Mỹ cho khoản vay chiếc Volkswagen Passat dù chị không còn sở hữu nó.

Theo Washington Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới