Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Áp lực ‘vạch lằn ranh đỏ’ chia tách các công ty kiểm toán ngày càng lớn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Áp lực 'vạch lằn ranh đỏ' chia tách các công ty kiểm toán ngày càng lớn

Hồ Quốc Tuấn (*)

(TBKTSG) - Từ năm 2017 người ta đã nói như là bốn công ty lớn nhất ngành kiểm toán toàn cầu (Big4) sắp chia tách đến nơi vào năm 2018. Nay thì cái hạn chót lại đã được đẩy đến... 2024.

Chia tách Big4? 

“Công ty kiểm toán Big4 sắp bị chia tách!”

Từ năm 2017 tới giờ, cứ vài tháng tôi lại được nghe như vậy. Tôi nhớ đã đọc được không dưới 10 lần những tít bài đại loại như “Những lý do cần chia tách bốn công ty kiểm toán lớn Big4” bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

Đến nỗi mà chuỗi hội thảo thường niên quan trọng của giới kế toán và dân dạy về kế toán ở Anh là Information for Better Markets, do Viện Kế toán công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) tổ chức, đã dành hẳn toàn bộ hội thảo năm 2018 để bàn về cải tổ ngành kiểm toán với một chủ đề rất kêu “Bê bối tài chính” (Financial scandals).

Trong những thảo luận đó, việc tách mảng kiểm toán ra riêng khỏi các dịch vụ khác của các công ty kiểm toán Big4 chỉ là một trong số các trụ cột cải tổ - thậm chí còn là một giải pháp không biết là hiệu quả hay không. Nhưng nó lại được công chúng, nhất là giới chính trị gia quan tâm nhất.

Đơn giản là vì nó là một chủ đề đơn giản nhưng lại thu hút lượt đọc nhiều nhất và nó lại trùng với chương trình hành động của nhiều chính trị gia, đó là kêu gọi phải phá vỡ thế độc quyền của nhiều đại công ty trên thế giới, từ công ty công nghệ, ngân hàng cho tới kiểm toán.

Chảy máu tài năng, áp lực công việc, áp lực từ khách hàng và công chúng đang đẩy ngành kiểm toán đến với ranh giới phải cải tổ.

Nhưng liệu vạch một lằn ranh đỏ giữa mảng kiểm toán và mảng phi kiểm toán thì sẽ giải quyết được vấn đề?

Công chúng ngày càng cảm thấy cuộc sống của họ bị kiểm soát bởi những đại công ty công nghệ Amazon, Google, Apple, Microsoft hay một vài tập đoàn ngân hàng, dịch vụ tài chính lớn.

Và thú vị là toàn bộ mấy chục ngàn công ty lên sàn ở nhiều thị trường cổ phiếu, bao gồm cả những đại công ty trên, đa số được kiểm toán chỉ bởi các công ty kiểm toán thuộc Big4: Deloitte, Ernst & Young (EY), KPMG và Pricewaterhouse-Coopers (PwC).

Không chỉ các công ty đại chúng niêm yết cổ phiếu, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều ngân hàng khi xác lập các khoản vay, có một điều khoản yêu cầu là sổ sách công ty không niêm yết khi đi vay phải được công ty thuộc Big4 kiểm toán.

Tình hình cũng sẽ không có gì nếu như các công ty kiểm toán Big4 giữ được uy tín kiểm toán tốt, không sai sót. Tiếc thay, cũng trong cùng khoảng thời gian đó, từ năm 2015 đến nay, ngày càng nhiều vụ bê bối tài chính bị phát hiện, mà trong đó đều có những cáo buộc là công ty kiểm toán đã cung cấp dịch vụ dưới tiêu chuẩn.

Gần đây nhất là vụ EY bị cổ đông và chủ nợ của Wirecard kiện vì có bằng chứng cho thấy họ đã không đi xác nhận số dư tiền mặt của công ty này đúng quy trình kiểm toán, khi xảy ra sự việc 1,9 tỉ euro tiền mặt của Wirecard bị “mất tích”, và sau đó được ngân hàng có liên quan xác nhận là “chưa từng tồn tại”.

Cụ thể, ngày 26-6-2020, nhiều tờ báo đăng tin là EY đã không trực tiếp xác nhận với Ngân hàng OCBC của Singapore về việc Wirecard cho rằng đang có một lượng tiền mặt lớn gửi ở ngân hàng này. Thay vào đó, EY chỉ dựa vào tài liệu và các ảnh chụp màn hình mà một bên thứ ba và chính bản thân Wirecard cung cấp để rồi xác nhận Wirecard có số tiền này.

Sự việc này xảy ra liên tục từ năm 2016 đến 2018. Với dân kiểm toán, đây là một quy trình cơ bản và họ cảm thấy sốc khi kiểm toán viên của EY không làm đúng quy trình với một khoản tiền lên tới 1,9 tỉ euro, chắc chắn là vượt xa tiêu chuẩn để được gọi là “trọng yếu” trong kiểm toán.

Nhưng đó chỉ là giọt nước làm tràn ly. Các công ty kiểm toán Big4 đã chịu áp lực phải cải tổ rất mạnh mẽ trong mấy năm gần đây. Ở Anh, áp lực này cực kỳ lớn sau vụ bê bối - công ty xây dựng khổng lồ Carillion bị phá sản - vụ này dính líu tới hai công ty kiểm toán lớn là KPMG và Deloitte.

Khi công ty xây dựng với gần 50.000 nhân viên toàn cầu và giá trị thị trường hơn 1 tỉ đô la Mỹ này phá sản, người ta khám phá ra rất nhiều điều khuất tất trong chất lượng kiểm toán.

Các nghị sĩ của Anh đặc biệt không hài lòng với việc KPMG, công ty kiểm toán kiếm bình quân 1,5 triệu bảng Anh tiền phí mỗi năm từ việc kiểm toán Carillion, đã không đưa ra bất kỳ ý kiến cảnh báo nào trước việc công ty này thực hiện nhiều phương pháp kế toán rất thiếu thận trọng, theo chiều hướng đẩy cao doanh thu và lợi nhuận trong khi bằng chứng để ghi nhận doanh thu là rất có... vấn đề.

Có những khoản doanh thu được ghi nhận trong khi đối tác vẫn chưa đồng ý yêu cầu Carillion cung cấp dịch vụ xây dựng.

Chưa hết, khi Carillion tuyên bố phá sản, người ta phát hiện ra rằng quỹ lương hưu công ty này thâm hụt 2,6 tỉ bảng Anh, nghĩa là sẽ có hàng ngàn nhân viên mất đi một lượng lớn lương hưu mà công ty đã cam kết bảo quản cho họ. Người dân và chính trị gia tất nhiên giận dữ khi họ phát hiện ra PwC, một Big4 khác, nhận 2,9 triệu bảng Anh tiền phí tư vấn về lương hưu cho Carillion.

Nói cách khác, trong vụ phá sản của Carillion, ba trong số bốn công ty kiểm toán Big4, gồm KPMG, PwC và Deloitte đều cung cấp một dịch vụ thu tiền triệu bảng nào đó, hoặc là nhận phí kiểm toán, hoặc là phí dịch vụ phi kiểm toán (tư vấn chẳng hạn). Vì vậy, khi Carillion phá sản, người dân giận dữ là dễ hiểu. Kể từ đó, áp lực muốn “làm cái gì đó” với ngành kiểm toán ngày càng lớn. Chia tách hoạt động kiểm toán khỏi những dịch vụ khác chỉ là bề nổi của tảng băng.

Vì sao người ta muốn tách mảng kiểm toán ra khỏi các dịch vụ khác?

Nói đơn giản, vì các công ty kiểm toán ngoài cung cấp dịch vụ kiểm toán còn cung cấp cả dịch vụ tư vấn. Anh vừa tư vấn thuế, lương hưu, kiểm soát nội bộ cho người ta, lại vừa đi kiểm toán coi người ta có làm gì sai không. Vậy thì khả năng anh sẽ tìm ra người ta làm sai là bao nhiêu?

Rõ ràng là có mâu thuẫn về lợi ích ở đây.

Vì vậy, nhiều người cho rằng cần tách mảng kiểm toán ra khỏi các mảng phi kiểm toán khác, bao gồm tư vấn thuế, lương bổng, kiểm soát nội bộ và ngay cả phát hành cổ phiếu - trái phiếu (nhiều người không chú ý rằng bản thân công ty kiểm toán cũng có mảng tư vấn ngân hàng đầu tư, mua bán - sáp nhập).

Trong mắt nhiều người, khi một nhóm công ty độc quyền - một mặt đi xác nhận công ty công bố lợi nhuận trung thực, mặt khác đi tư vấn giúp công ty ra giá phát hành cổ phiếu, viết những lời có cánh trong tài liệu cáo bạch - thì có gì đó không bình thường.

Đó là lập luận đơn giản của dân ngoài nghề kế toán - kiểm toán, mà cũng là quan điểm của nhiều chính trị gia ở Anh. Lập luận như vậy thật ra cũng có lý lẽ, dù nó kỳ vọng hơi quá nhiều vào kiểm toán viên.

Ngay cả nhân viên nhiều mảng kinh doanh khác của các công ty kiểm toán Big4 cũng cảm thấy kiểm toán là mảng có vấn đề và muốn vạch lằn ranh đỏ với mảng này. Chẳng hạn, tờ Financial Times cho biết một số nhân viên cao cấp của mảng phi kiểm toán của EY đã bày tỏ rằng họ không hài lòng với những bê bối gần đây của mảng kiểm toán, đe dọa mối quan hệ của họ với khách hàng và thương hiệu EY.

Tờ báo này trích quan điểm của một quản lý cao cấp giấu tên cho biết nhiều người trong nội bộ cũng đang muốn đẩy nhanh tiến trình “vạch lằn ranh đỏ” giữa hoạt động kiểm toán ra khỏi các hoạt động khác.

Trong giới bạn bè làm cho các công ty kiểm toán Big4 của tôi, từ lâu đã có quan điểm là mảng kiểm toán vừa cực vừa ít tiền so với những mảng khác, nên những người giỏi nhất đều “nhảy” sang những mảng khác, như tư vấn hay kế toán pháp chứng.

Điều này được khẳng định khi một báo cáo gần đây cho biết mảng kiểm toán hiện chỉ chiếm chưa tới 25% khoản thu của các công ty kiểm toán Big4. Dân làm mảng kiểm toán vừa cực vừa được trả lương thấp là cách nhìn của đa số bạn bè làm Big4 của tôi. Chính vì vậy, ngay trong nội bộ công ty, nhóm làm dịch vụ phi kiểm toán cũng muốn vạch lằn ranh đỏ với những người đồng nghiệp kiểm toán.

Liệu tách kiểm toán ra khỏi mảng phi kiểm toán sẽ giải quyết được vấn đề?

Về cơ bản, dân kiểm toán vẫn hay nói kiểm toán không thể phát hiện ra những gì công ty cố tình che giấu hay gian lận.

Họ không thể phát hiện được những gì công ty cố tình lừa gạt, hợp tác với nhiều công ty khác lập chứng từ giả, thậm chí liên kết với nhân viên ngân hàng tạo số dư giả.

Quan điểm tách kiểm toán ra khỏi mảng phi kiểm toán sẽ giải quyết được vấn đề dựa trên giả định rằng, công ty kiểm toán cần phải phát hiện ra gian lận và chia tách mảng kiểm toán ra khỏi các mảng khác sẽ giảm xung đột lợi ích, và do đó sẽ giúp phát hiện những gian lận.

Nhưng thật ra, về cơ bản, dân kiểm toán vẫn hay nói kiểm toán không thể phát hiện ra những gì công ty cố tình che giấu hay gian lận. Họ không thể phát hiện được những gì công ty cố tình lừa gạt, hợp tác với nhiều công ty khác lập chứng từ giả, thậm chí liên kết với nhân viên ngân hàng tạo số dư giả.

Đòi hỏi kiểm toán viên phát hiện những gian lận này là nằm ngoài chức trách kiểm toán.

Đó là vai trò điều tra của kế toán pháp chứng (forensic accounting) hay những dịch vụ khác, thậm chí là cơ quan quản lý và cảnh sát. Kiểm toán viên, thậm chí là ngay với kế toán pháp chứng, không có đủ quyền lực để điều tra công ty. Họ chỉ là một trong số hàng trăm chốt canh cửa mà thị trường tài chính đặt ra để giám sát công ty đại chúng, bên cạnh nhà đầu tư tổ chức, kiểm soát nội bộ, chuyên gia phân tích tài chính của công ty chứng khoán... Cho nên đổ hết tội cho kiểm toán là oan cho họ.

Nhưng nói đi thì phải nói lại, chất lượng kiểm toán đi xuống cũng là chuyện có thật. Chẳng hạn, trong vụ việc của Wirecard gần đây, có nhiều bằng chứng cho thấy EY không thực sự theo đủ những bước cơ bản trong kiểm toán xác nhận số dư tiền mặt.

Trước đó, ở Nam Phi, chính phủ nước này đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy một quản lý cao cấp (partner) của KPMG đã nhắm mắt làm ngơ, thậm chí “phối hợp” với những sai phạm trong vụ bê bối đưa hối lộ và rửa tiền tại các công ty của nhà Gupta ở nước này.

KPMG Nam Phi sau đó đã công khai xin lỗi, sa thải nhiều nhân viên, cắt đứt “quan hệ” với nhiều khách hàng lâu năm, và tiến hành tái cấu trúc mảng kiểm toán ở nước này để lấy lại hình tượng. Trước khi vụ việc này diễn ra, KPMG Nam Phi đã có “quan hệ” với nhà Gupta hơn 15 năm.

Khi mà mảng kiểm toán chỉ chiếm một phần nhỏ thu nhập của tập đoàn kiểm toán, nhưng bạn lại muốn đòi hỏi một dịch vụ chất lượng hơn, thì dù bạn có tách mảng kiểm toán ra một công ty riêng, thì cái công ty kiểm toán riêng đó cũng không có nguồn lực để mà làm tốt hơn những gì họ đã làm.

Chảy máu tài năng, áp lực công việc, áp lực từ khách hàng và công chúng đang đẩy ngành kiểm toán đến ranh giới phải cải tổ. Nhưng vấn đề là phải cải tổ như thế nào? Liệu vạch một lằn ranh đỏ giữa mảng kiểm toán và mảng phi kiểm toán thì sẽ giải quyết được vấn đề?

Tôi nghi ngờ điều đó, và nhiều chuyên gia cũng cảm thấy nó không giải quyết được vấn đề cốt lõi là chảy máu tài năng và những giới hạn của chuẩn mực kiểm toán hiện tại.

John Coffee, Giáo sư Đại học Columbia, cũng có quan điểm tương tự trong bài phát biểu về cải tổ hoạt động kiểm toán tại hội thảo của ICAEW vào cuối năm 2018.

Khi mà mảng kiểm toán chỉ chiếm một phần nhỏ thu nhập của tập đoàn kiểm toán, nhưng bạn lại muốn đòi hỏi một dịch vụ chất lượng hơn, thì dù bạn có tách mảng kiểm toán ra một công ty riêng, thì cái công ty kiểm toán riêng đó cũng không có nguồn lực để mà làm tốt hơn những gì họ đã làm.

Và họ sẽ không ủng hộ cho một chuẩn mực kiểm toán sâu rộng hơn, quy định nhiều trách nhiệm và việc mà kiểm toán viên phải làm hơn. Đơn giản là vì họ đâu có được trả thêm tiền mà phải làm thêm nhiều việc.

Quan trọng hơn, nếu có muốn làm thêm việc mà không có quyền điều tra công ty, nhân viên công ty không hợp tác thì họ có thể làm gì? Nếu viết một báo cáo kiểm toán cực kỳ xấu cho công ty thì liệu công ty còn thuê họ làm kiểm toán hay không?

Cái mối quan hệ mâu thuẫn lợi ích không chỉ từ việc công ty kiểm toán có cung cấp dịch vụ tư vấn cho công ty, mà ngay từ cái mối quan hệ là công ty trả tiền cho kiểm toán để đi kiểm tra công ty mình. Kiểm toán viên đại diện cho lợi ích nhà đầu tư, nhưng lại được ban lãnh đạo công ty trả tiền. Và cổ đông, nhất là nhà đầu tư nhỏ, có quyền lực đến đâu trong việc bổ nhiệm kiểm toán?

Có rất nhiều vấn đề đối với hệ thống kiểm toán trên bình diện toàn cầu. Áp lực cải tổ đã có từ những năm 2000 và nhiều thử nghiệm đang diễn ra. Chẳng hạn ở Anh, nhiều thí điểm như luân chuyển kiểm toán, không cho một công ty kiểm toán một công ty quá lâu, buộc kiểm toán phải viết một báo cáo kiểm toán dài hơn, nhiều thông tin hơn (như đa số nhà đầu tư bình thường vẫn đọc mà không hiểu gì vì nhiều khái niệm và thuật ngữ kiểm toán còn xa lạ hơn thông tin kế toán), chia tách mảng kiểm toán ra khỏi mảng phi kiểm toán, và thậm chí là kiểm toán kép (nhiều công ty kiểm toán cùng kiểm toán một công ty).

Có rất nhiều tranh luận là cái gì hiệu quả, cái gì không. Nhưng người ta vẫn đang ném đá dò đường.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới