Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đối lập giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đối lập giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp

Linh Trang

(TBKTSG) - Trái ngược với diễn biến trên thị trường trái phiếu chính phủ, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 9 vừa qua giảm 75%, chỉ bằng một phần tư so với tháng 8.

Trái phiếu chính phủ tiếp tục “bội thu”

Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 9, trên thị trường sơ cấp, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức 22 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) với tổng giá trị gọi thầu là 61.250 tỉ đồng, tăng 31.250 tỉ đồng so với tháng liền trước. Kết quả, tổng giá trị TPCP trúng thầu đạt 60.141 tỉ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu đạt 98%, trong đó, giá trị kỳ hạn 10 năm và 15 năm chiếm tới 80%.

Ấn tượng hơn, tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu trong tháng 9 lên tới 350%, cho thấy một lượng vốn rất dồi dào vẫn đang chờ đổ vào kênh TPCP xét trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa khi tín dụng tăng trưởng yếu.

Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch thông thường (Outright) và mua bán lại (Repo) đối với TPCP, TPCP bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương đạt 197.276 tỉ đồng trong tháng 9. Trong đó, các giao dịch Outright đạt 143.168 tỉ đồng còn các giao dịch Repo đạt 54.108 tỉ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 1.176 tỉ đồng trên thị trường thứ cấp trong tháng vừa qua.

Như vậy, trong chín tháng đầu năm, khối lượng phát hành TPCP đã đạt 223.342 tỉ đồng (tương đương 72,3% kế hoạch năm), trong đó 94% khối lượng phát hành có kỳ hạn 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân chín tháng duy trì ở mức cao, đạt 13,2 năm với lãi suất phát hành bình quân đạt 2,94%/năm, thấp nhất từ trước tới nay, qua đó giúp giảm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Ngoài huy động vốn từ kênh TPCP thì trong điều hành dự toán NSNN chín tháng đầu năm 2020, Chính phủ đã chủ động huy động vốn từ KBNN 50.000 tỉ đồng để đảm bảo cân đối NSNN và đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển.

Theo Báo cáo về tình hình nợ công năm 2020 và dự kiến năm 2021 vừa được Chính phủ gửi tới các vị đại biểu Quốc hội thì dự kiến cả năm 2020, khối lượng phát hành TPCP sẽ khoảng 309.090 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch cả năm, đảm bảo các mục tiêu về tỷ lệ giới hạn kỳ hạn TPCP phù hợp theo nghị quyết của Quốc hội (tối đa 30% khối lượng trái phiếu có kỳ hạn dưới năm năm ).

Trong bối cảnh thu NSNN gặp khó khăn, Chính phủ đang trình Quốc hội phương án tăng bội chi NSNN năm 2020 so với dự toán đã được thông qua (không quá 234.800 tỉ đồng, tương đương 3,44% GDP). Trường hợp Quốc hội phê duyệt tăng bội chi năm 2020, Chính phủ sẽ tính toán khối lượng vay tăng thêm từ các nguồn trong nước, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trong tháng 9, trên thị trường sơ cấp, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 22 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ với tổng giá trị gọi thầu là 61.250 tỉ đồng, tăng 31.250 tỉ đồng so với tháng liền trước. Kết quả, tổng giá trị trái phiếu chính phủ trúng thầu đạt 60.141 tỉ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu đạt 98%.

Về tình hình trả nợ, trong chín tháng đầu năm 2020, tổng trả nợ của Chính phủ là khoảng 241.375 tỉ đồng (tương đương với 65,8% kế hoạch cả năm), trong đó trả nợ trong nước khoảng 180.950 tỉ đồng (trả gốc 108.533 tỉ đồng, trả lãi và phí 72.417 tỉ đồng), trả nợ nước ngoài 60.425 tỉ đồng (trả gốc 50.226 tỉ đồng, trả lãi 10.199 tỉ đồng).

Cũng theo báo cáo trên, Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2020 như sau: nợ công khoảng 56,8% GDP; nợ Chính phủ khoảng 50,8% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN ước khoảng 24,1%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,9% GDP; trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ khoảng 34,6%.

Theo đánh giá của Chính phủ, đến cuối năm 2020 về cơ bản dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép. Riêng chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 25% chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tăng mạnh, cần có biện pháp kiểm soát dòng tiền để đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh trong tháng 9

Trái ngược với diễn biến trên thị trường TPCP, hoạt động phát hành TPDN trong tháng 9 vừa qua giảm 75%, chỉ bằng một phần tư so với tháng 8 với tổng giá trị phát hành theo hình thức riêng lẻ là 10.905 tỉ đồng qua 27 đợt phát hành của 14 doanh nghiệp. Kỳ hạn phát hành TPDN trải dài từ 2-15 năm với kỳ hạn bình quân là 5,8 năm. Trái phiếu kỳ hạn ba năm có giá trị phát hành lớn nhất, đạt 7.425 tỉ đồng, chiếm 68,1% tổng giá trị phát hành.

Về cơ cấu phát hành theo loại hình doanh nghiệp, trong tháng 9, tổng giá trị phát hành của các tổ chức tín dụng vẫn đứng đầu, đạt 8.490 tỉ đồng, chiếm 78% tổng giá trị phát hành trái phiếu. Nhóm các công ty bất động sản phát hành trái phiếu nhiều thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt mức 1.929 tỉ đồng, chiếm 17,69%. Lũy kế chín tháng đầu năm 2020, thị trường trái phiếu Việt Nam có 1.089 đợt phát hành của 175 doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành đạt 290.308 tỉ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân là bốn năm.

Việc giá trị phát hành TPDN sụt giảm mạnh trong tháng 9 là điều không bất ngờ và đã được dự báo từ trước, khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-9-2020. Nghị định 81 đã nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm hạn chế hoạt động phát hành quá mức để phân phối cho nhà đầu tư cá nhân, đồng thời tăng trách nhiệm của các tổ chức tư vấn, đại lý tham gia vào đợt phát hành.

Cụ thể, với các quy định mới trong Nghị định 81, các doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo: dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu; mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước sáu tháng; doanh nghiệp phải ký hợp đồng tư vấn phát hành với tổ chức tư vấn hồ sơ phát hành...

Đây là bước điều chỉnh được cho là cần thiết để đảm bảo thị trường TPDN hoạt động chuyên nghiệp, lành mạnh, trong đó hướng đến mục tiêu tách bạch rõ hoạt động chào bán trái phiếu ra công chúng với hoạt động chào bán riêng lẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới