Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Úc tìm thị trường thay thế trước sức ép gia tăng từ Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Úc tìm thị trường thay thế trước sức ép gia tăng từ Trung Quốc

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Lệnh cấm nhập gỗ và lúa mạch từ Úc là diễn biến mới nhất trong một loạt các lệnh cấm và rào cản thương mại mà Trung Quốc dựng lên trong ba ngày qua đối với hàng nhập khẩu của Úc. Vụ việc xảy ra chỉ chưa đầy 24 giờ sau vụ Hải quan Trung Quốc neo giữ, không cho thông quan tôm hùm hôm 2-11.

Đây là một phần trong chiến dịch gây sức ép với Canberra kể từ tháng 4 vừa rồi sau khi Thủ tướng Scott Morrisson kêu gọi lập ủy ban độc lập điều tra nguồn gốc dịch Covid-19. Trước sức ép gia tăng từ Bắc Kinh, Canberra đang tìm kiếm các thị trường mới với hy vọng có thể thay thế cho thị trường Trung Quốc vốn chiếm hơn 30% xuất khẩu của nước này.

Úc tìm thị trường thay thế trước sức ép gia tăng từ Trung Quốc
Thu hoạch ngũ cốc ở tiểu bang Victoria. Trung Quốc đã áp thuế đến 80,5% đối với lúa mạch của Úc từ tháng 5-2020. Ảnh: Getting Images

Gian nan tìm thị trường thay thế

Mối quan hệ hai bên đang xấu đi thấy rõ. Từ tháng 5, Bắc Kinh đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt: kêu gọi sinh viên Trung Quốc cân nhắc việc du học ở Úc, ngừng nhập khẩu thịt bò Úc, đánh thuế đến 80,5% với lúa mạch. Các lô than đá của Úc bị ách ở hải quan vào cuối tháng 10.

Các loại hàng hóa nông nghiệp - trị giá mỗi năm đến 13 tỉ đô la Úc, tức 9,25 tỉ đô la Mỹ - chịu nhiều thiệt hại nhất trong cuộc đối đầu giữa hai bên. Úc xuất khẩu lượng gỗ trị giá 680 triệu đô la Úc, tức 478 triệu đô la Mỹ, trong năm kết thúc vào tháng 6 vừa rồi. Trong đó, 84% là sang Trung Quốc.

Từ trước giờ, các doanh nghiệp Úc chỉ chăm chăm xuất sang nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Nay, những căng thẳng thương mại mới buộc họ phải bắt đầu tìm kiếm các thị trường mới từ Indonesia đến Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ.

 

Nhưng con đường mới lại đầy gian nan. “Không có thị trường nào có thể thay thế thị trường Trung Quốc. Chúng tôi phải cố gắng đa dạng hóa càng nhiều càng tốt, nhưng rốt cuộc không thể thay thế Trung Quốc bằng một nền kinh tế tương tự và đủ lớn bởi vì thị trường như vậy không hề tồn tại”, Giáo sư James Laurenceson, Giám đốc Viện Quan hệ Úc - Trung tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS), nhận xét.

Nông dân trồng lúa mạch Andrew Weidemann ước tính bị thiệt hại khoảng 300.000 đô la Úc sau khi 6.000 tấn lúa mạch từ trang trại của ông ở Victoria bị Trung Quốc áp thuế khủng 80,5%. Ông Weidemann, cũng là chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ngũ cốc Úc, cho rằng ngành xuất khẩu lúa mạch bị thiệt 700 triệu đô la Úc khi Trung Quốc dựng lên hàng rào thuế quan mới.

“Hiện chúng tôi phải tìm cách bù đắp cho thu nhập bị mất mát”, ông nói. Thương gia này nói rằng ảnh hưởng trong năm tới sẽ lớn hơn, bởi nông dân phải rất khó khăn khi quyết định “có nên trồng lúa mạch trong những tháng tới hay không”. Nông dân trồng ngũ cốc đang hướng sang Ấn Độ và Indonesia để tìm thị trường thay thế. Nhưng ông Weidemann cho rằng phải cần 2-3 năm thì mới thâm nhập được thị trường.

Nông dân trồng bông cũng gặp khó tương tự khi Trung Quốc mua đến 60% sản lượng bông của Úc. Lượng kim ngạch xuất khẩu đến 800 triệu đô la mỗi năm đang bị đe dọa khi chính phủ Trung Quốc khuyến cáo các nhà máy sợi trong nước không sử dụng nguyên liệu của Úc.

Gỗ nhập khẩu từ nước ngoài ở một khu công nghiệp ở Giang Tây. Thị trường Trung Quốc tiêu thụ đến 84% sản lượng gỗ của Úc. Ảnh: Reuters

Cảnh báo đúng lúc

CEO Adam Kay của hiệp hội bông Cotton Australia đã mô tả các lệnh cấm hay hạn chế của Trung Quốc là “tiếng chuông cảnh tỉnh đúng lúc”. Ông cho rằng các nhà cung ứng phải cật lực làm việc trong sáu tháng tới để chuyển các sản phẩm chất lượng cao của họ sang các thị trường châu Á khác như Việt Nam, Bangladesh hoặc Thái Lan dù cho giá thấp hơn.

Úc đã ký hiệp định tự do thương mại với Indonesia năm ngoái. Các hiệp định toàn diện cũng đang được thảo luận với 27 nước thành viên EU cũng như Anh, mặc dù các cuộc thương lượng có thể thất bại trong tương lai.

Các nhà kinh tế cho rằng đa dạng hóa chuỗi cung ứng hay thị trường đồng nghĩa sẽ gia tăng khá lớn chi phí kinh doanh. Nếu các đối thủ khác không đa dạng hóa thị trường, mọi người vẫn chăm bẳm hay đặt hy vọng quá lớn vào thị trường của xứ đông dân nhất thế giới.

“Đa dạng hóa thị trường là một ưu tiên, nhưng không đồng nghĩa là chúng ta đặt tất cả trứng vào một giỏ. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng Trung Quốc cũng chứng tỏ rằng họ là khách hàng tốt”, theo lời nhà kinh tế trưởng Ash Salardini của Liên đoàn Nông dân Quốc gia – một tổ chức vận động hành lang ở Úc.

Úc ký hiệp định thương mại với Trung Quốc năm 2015. Mặc dù có bất đồng, lượng xuất khẩu của Úc gồm quặng sắt, than và khí thiên nhiên vẫn đang gia tăng. Chính phủ Úc đã cố gắng cứu vãn thị trường lớn. Đầu tháng 10 vừa rồi, Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham đã nói rằng nhiều đối thoại cấp bộ trưởng với Trung Quốc đã diễn ra từ đầu năm đến nay. Nhưng kết quả là hàng loạt đòn tấn công của Trung Quốc.

Các chuyên gia nói rằng chính phủ Úc phải sẵn sàng để có các hỗ trợ cấp tốc cho các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất trong đối đầu thương mại với Trung Quốc. Bên cạnh đó là kế hoạch đa dạng hóa thị trường hay chuỗi cung ứng trong dài hạn với các hỗ trợ từ chính phủ. Họ nhắc đến kế hoạch tương tự như cách chính phủ Nhật Bản hỗ trợ doanh nghiệp Nhật dời hãng xưởng sang các nước Đông Nam Á hay Nam Á, hoặc trở về quê nhà.

Một số nhà phân tích lại hy vọng rằng các căng thẳng rồi sẽ qua nhanh mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp hay nhóm hàng hóa nào đó. Họ cũng dẫn trường hợp của Nhật Bản: Các mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc vẫn duy trì mặc cho các tranh cãi về lãnh thổ và mối quan hệ chính trị với Trung Quốc thường xuyên căng thẳng.

“Đối với Trung Quốc, không thể có thị trường thay thế nếu tính về chất lượng và an toàn của nguồn cung với các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn từ Úc”, nhà nghiên cứu McDonagh từ Đại học Adelaide nhận định.

Kim ngạch thương mại song phương giữa Úc và Trung Quốc hàng năm đạt trên 250 tỉ đô la Úc. Đây là nền tảng cho sự thịnh vượng của nước Úc, khi Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất đối với khoáng sản và hàng hóa nông nghiệp từ xứ kangaroo. Bên cạnh đó là mảng xuất khẩu giáo dục và du lịch. Có đến 260.000 du học sinh Trung Quốc đang theo học tại các cơ sở giáo dục ở Úc và gần 1,5 triệu khách từ đại lục đi du lịch Úc trong năm ngoái. Theo số liệu của Statista, du khách và du học sinh Trung Quốc đứng đầu trong phân khúc du lịch và giáo dục của Úc, với doanh thu đến 12 tỉ đô la Úc mỗi ngành.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới