Thị trường cổ phiếu công nghệ Trung Quốc chao đảo
Khánh Lan
(TBKTSG Online) - Vốn hóa của bốn ông lớn công nghệ Trung Quốc Alibaba, JD.com, Meituan Dianping, Tencent, bốc hơi 255 tỉ đô la Mỹ sau khi Chính phủ nước này ra thông điệp cảnh báo sẽ siết chặt quản lý nền kinh tế internet để chống các hành vi độc quyền.
Bán tháo cổ phiếu công nghệ
Trong hai phiên giao dịch vừa qua, giá cổ phiếu Alibaba và JD.com trên sàn giao chứng khoán Hồng Kông lao dốc hơn 10% và hướng đến tuần mất mát mạnh nhất trong lịch sử. Cú giảm giá mạnh này đã cuốn trôi 756 tỉ đô la Hồng Kông (97 tỉ đô la Mỹ) vốn hóa thị trường của Alibaba. Trong khi đó, vốn hóa của đối thủ JD.com bị vơi 26 tỉ đô la. Công ty cung cấp dịch vụ theo yêu cầu Meituan Dianping và Tập đoàn đầu tư và internet Tencent, hai công công nghệ lớn khác của Trung Quốc, cũng chứng kiến vốn hóa mất mát hàng chục tỉ đô la do cổ phiếu của họ bị bán tháo. Trong ngày 10 và ngày 11-11, cổ phiếu của bốn công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc trên đã bị thổi bay tổng cộng 255 tỉ đô la Mỹ, theo dữ liệu của Refinitiv.
Giá cổ phiếu của Alibaba vẫn giảm bất chấp tập đoàn này vừa công bố báo cáo tài chính của quí 3 với kết quả vượt mức kỳ vọng, phá kỷ lục về tổng giá trị giao dịch hàng hóa trong ngày hội mua sắm giảm giá nhân dịp lễ Độc thân (11-11).
Trong hai ngày 10 và 11-11, chỉ số công nghệ Hang Seng trên sàn giao dịch chứng Hồng Kông, nơi quy tụ nhiều cổ phiếu của công ty công nghệ và internet Trung Quốc, giảm tổng cộng hơn 11%. Ảnh: Bloomberg |
Các nhà phân tích chỉ ra rằng các tín hiệu về một cuộc chấn chỉnh lớn của Bắc Kinh đối với ngành công nghệ là lý do khiến giới đầu tư lo sợ và tháo chạy khỏi cổ phiếu của các công ty này. Hôm 10-11, Cục Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) công bố các hướng dẫn mới nhằm ngăn chặn các hành vi mang tính độc quyền trong nền kinh tế internet, chẳng hạn, các nền tảng thương mại điện tử thổi giá hoặc bán sản phẩm dưới giá thành hoặc chào giá bán khác nhau cho những đối tượng người tiêu dùng khác nhau cho cùng một sản phẩm.
Các hướng dẫn mới cũng đề xuất thành lập một hệ thống đánh giá để bảo đảm các nền tảng internet không lạm dụng quyền lực thị trường. Những nền tảng vi phạm điều này có thể bị buộc chuyển nhượng tài sản, công nghệ.
Các hướng dẫn này mới chỉ ở dạng dự thảo. SAMR cho biết đang lấy ý kiến tư vấn của công chúng cho đến cuối tháng 11 và hoan nghênh các đề xuất sửa đổi dự thảo.
Làn sóng bán tháo cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc càng mạnh hơn vì giới đầu tư đang rút tiền khỏi ngành công nghệ tăng trưởng bùng nổ trong thời gian qua để chuyển sang các cổ phiếu gắn liền với chu kỳ kinh tế hơn sau khi hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đầy hứa hẹn của vaccine Covid-19, nhen nhóm hy vọng cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại.
Đối mặt môi trường quản lý gắt gao hơn
Diễn biến này xuất hiện ngay sau khi Bắc Kinh đình chỉ thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đình đám của Tập đoàn công nghệ tài chính Ant, một công ty liên kết của Alibaba. Đối với giới đầu tư và các nhà quan sát, các hướng dẫn của SAMR là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc sắp đối mặt một môi trường kiểm soát gắt gao hơn.
SAMR giải thích rằng việc hạn chế quyền lực thống trị của các nền tảng thương mại điện tử và các ứng dụng khác sẽ giúp bảo vệ sự cạnh tranh công bằng của thị trường và bảo đảm sự tăng trưởng lành mạnh của nền kinh tế internet,
“Chính phủ Trung Quốc lo ngại về các hành vi độc quyền đang thực sự tồn tại hoặc có thể sẽ diễn ra cũng như quy mô khổng lồ của các công ty công nghệ nói trên sẽ dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng hoặc chèn ép các tay chơi mới, làm suy giảm cạnh tranh”, Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty môi giới ngoại hối Oanda, nhận định.
Ông cảnh báo các hướng dẫn dự thảo của SAMR báo hiệu một “môi trường quản lý gắt gao hơn nhiều” trong tương lai. Ông cho rằng các cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn cho đến khi quy mô và phạm vi tác động của các quy định quản lý mới được sáng tỏ hơn.
He Jing, luật sự ở hãng luật GEN ở Bắc Kinh, nói các cơ quan quản lý Trung Quốc đang gửi một thông điệp cảnh báo “các nền tảng trực tuyến phải hành xử đúng đắn”. Ông cho rằng các hướng dẫn dự thảo của SAMR là nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước trong năm năm tới bằng cách bảo đảm một môi trường cạnh tranh công bằng hơn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn.
Tin xấu cho các công ty thương mại điện tử
Alibaba cho biết tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) trên các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba đạt mức kỷ lục mới 74,1 tỉ đô la trong ngày hội mua sắm giảm giá lễ Độc thân. Ảnh: Reuters |
Các nhà phân tích khác tin rằng động thái siết chặt quản lý của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của các nền tảng internet khổng lồ của nước này, đặc biệt là các công ty thương mại điện tử.
“Chúng tôi tin rằng các hướng dẫn dự thảo của SAMR, nếu được thực thi nghiêm ngặt, có thể làm suy yếu quyền lực mặc cả của các nền tảng công nghệ lớn đối với những bên bán hàng thứ ba”, các nhà phân tích của Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) nhận định trong một báo cáo nghiên cứu hôm 10-11.
Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng Citigroup cho rằng Alibaba và Pinduoduo, một nền tảng thương mại điện lớn khác của Trung Quốc, có thể bị ảnh hưởng lớn hơn các nền tảng thương mại điện tử khác vì hai công ty này sử dụng nhiều các đề xuất mua hàng cá nhân hóa và nhắm đến các khách hàng mục tiêu, những tính năng có thể bị hạn chế theo các quy định mới. sản phẩm đích
Trong thời gian gần đây, chính phủ Trung Quốc có nhiều động thái gia tăng sức ép đối với những công ty internet tăng trưởng nhanh.
Các vụ việc định giá bán không công bằng và lừa đảo của các nền tảng internet gây ra nguồn cơn giận dữ đáng chú ý của người tiêu dùng Trung Quốc trong những năm gần đây. Trip.com, nền tảng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, bị chỉ trích dữ dội vào năm ngoái 2019 sau khi một người dùng cáo buộc công ty này tính giá vé máy bay đắt hơn 320 đô la đắt hơn so với giá bán cho khách hàng khác. Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc cáo buộc Trip.com sử dụng thuật toán dựa vào kho dữ liệu để tính giá bán cao hơn đối với một số khách hàng. Trip.com bác bỏ lời cáo buộc này và cho rằng sự cố tính giá vé máy cao quá mức là do lỗi kỹ thuật. |
Tuần trước, SAMR, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) và Cục Thuế nhà nước Trung Quốc (STA) đã triệu tập các đại diện của 27 công ty internet để thảo luận về các biện pháp bảo đảm sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế số. Các nền tảng này bao gồm những tên tuổi công nghệ lớn nhất Trung Quốc như Alibaba, Bytedance, Tencent, Pinduoduo, Baidu và JD.com.
Tại cuộc họp này, các cơ quan quản lý cảnh báo các hành vi độc quyền và cho biết chính phủ sẽ ban hành các quy định mới nhắm đến các giao dịch trực tuyến, phát sóng trực tiếp (live-streaming) và các dịch vụ khác. Họ cũng cho biết sẽ mở chiến dịch truy quét những trường hợp gian lận trong ngày hội mua sắm giảm giá nhân dịp lễ Độc thân (11-11), một sáng kiến của Alibaba. Đồng thời, họ cảnh báo các công ty không được thổi phòng doanh số và lừa đảo khách hàng.
Theo thông báo Alibaba, ngày hội mua sắm lễ Độc thân năm nay chứng kiến kỷ lục doanh số mới 74,1 tỉ đô la, cao gấp đôi kỷ lục cũ vào năm ngoái.
Tuy nhiên, ngày hội mua sắm giảm giá Ngày lễ Độc thân cũng vấp phải chỉ trích vì khuyến khích chủ nghĩa tiêu thụ và những trò gian lận. Tuần trước, Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc khuyên người dân chỉ nên tiêu dùng ở mức hợp lý và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) kêu gọi các nền tảng mua sắm giảm những chiêu trò gian lận trong ngày hội mua sắm này.
Hôm 10-11, CAC đăng bài viết bày tỏ lo ngại sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số của Trung Quốc đã dẫn đến những vấn đề liên quan đến cạnh tranh bát nháo, gian lận doanh số và rò rỉ dữ liệu cá nhân. CAC khuyến cáo các công ty công nghệ Trung Quốc không được để người tiêu dùng trở thành ‘tù nhân của các thuật toán’ bán hàng của họ.
Theo CNN, Wall Street Journal