Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đan Mạch chấm dứt cấp phép thăm dò dầu khí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đan Mạch chấm dứt cấp phép thăm dò dầu khí

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Đan Mạch, nước sản xuất dầu khí lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), quyết định chấm dứt cấp phép đối với bất cứ dự án thăm dò dầu khí mới nào trong tương lai như là một phần của kế hoạch tiến đến cấm hoàn toàn hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050.

Đan Mạch chấm dứt cấp phép thăm dò dầu khí
Các giàn khoan dầu khí của mỏ dầu Tyra ở Biển Bắc được đưa về cảng Frederikshavn, Đan Mạch để tháo dỡ và tái chế. Ảnh: Getty.


Hôm 3-12, Quốc hội Đan Mạch bỏ phiếu tán thành hủy đợt cấp phép thăm dò dầu khí thứ tám ở vùng biển ngoài khởi của nước này ở Biển Bắc và bất kỳ đợt đấu giá cấp phép thăm dò dầu khí nào trong tương lai. Quốc hội Đan Mạch cũng đồng ý chấm dứt hoàn toàn hoạt động khai khác dầu khí ở nước này vào năm 2050, thời điểm mà Đan Mạch đặt mục tiêu đưa phát thải carbon về mức zero ròng.

“Chúng tôi đang đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch” - Dan Jorgensen, Bộ trưởng Khí hậu, Năng lượng và dịch vụ tiện ích Đan Mạch.

Dù Đan Mạch chỉ là nhà sản xuất dầu mỏ tương đối nhỏ so so với các tiêu chuẩn toàn cầu, quyết định trên là bước đi mạnh mẽ nhất để chấm dứt khai thác nhiêu liệu hóa thạch sau quyết định tương tự của New Zeland và Pháp nhưng phần lớn chỉ mang tính biểu tượng.

Cuối năm 2017, Quốc hội Pháp thông qua luật cấm hoàn toàn hoạt động sản xuất dầu khí ở nước này vào năm 2040 nhưng thực tế, Pháp nhập khẩu đến 99,9% nhu cầu nhiên liệu hóa thạch.

Động thái của Đan Mạch cho thấy rõ sự chuyển dịch toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch khi các nước va các doanh nghiệp lớn tìm cách giảm phát thải carbon nhằm kìm hãm hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Một số nền kinh tế lớn gồm Đức, Anh, Pháp gần đây đã thông qua luật đặt ra mục tiêu đưa phát thải carbon về mức zero ròng vào năm 2050. Trung Quốc và các nước châu Á khác cũng đã đưa ra các cam kết tương tự. Trong khi đó, các tập đoàn dầu khí toàn cầu như BP, Total đã vạch ra kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách tăng tốc đầu tư vào năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.

Từ lâu, Đan Mạch là nước dẫn đầu về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Quốc gia Bắc Âu này cam kết đến năm 2030, cắt giảm khí thải nhà kính 70% so với mức của năm 1990. Đan Mạch là quê hương của hai trong số những ‘tay chơi’ lớn nhất trong lĩnh vực điện gió, Orsted, nhà phát triển điện gió xa bờ lớn nhất thế giới và Vestas Wind Systems, nhà sản xuất tuốc-bin gió lớn nhất thế giới.

“Chúng tôi muốn trở thành nước dẫn đầu cuộc đua trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi phải tạo sự khác biệt, chúng tôi cần làm điều này bằng cần truyền cảm hứng cho các nước khác”, Dan Jorgensen, Bộ trưởng Khí hậu, Năng lượng và dịch vụ tiện ích Đan Mạch, nói.

Ông nói thêm rằng Đan Mạch có kế hoạch sử dụng các mỏ dầu khí lạc hậu để làm nơi chôn khí carbon. Ông cho hay kế hoạch này cùng với kế hoạch đưa công suất điện gió xa bờ tăng lên gấp ba lần vào năm 2030 sẽ tạo ra rất nhiều việc làm. Ông nói: “Một số công ty kiếm tiền bằng cách đưa carbon lên khỏi mặt đất và giờ đây, họ sẽ đưa nó xuống lại dưới mặt đất”.

Dù sản lượng dầu mỏ của Đan Mạch chỉ là một con số nhỏ so với sản lượng dầu mỏ của Mỹ của các nước Trung Đông, nước này là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất EU hiện nay sau khi Anh rời khỏi EU. Cơ quan Năng lượng Đan Mạch ước tính trong năm nay, sản lượng khai thác dầu khí của Đan Mạch đạt mức trung bình hơn 100.000 thùng/ngày.

Andrew Grant, Giám đốc nghiên cứu khí hậu và năng lượng ở tổ chức tư vấn Carbon Tracker (Anh), nói: “Động thái của Đan Mạch cho thấy điều quan trọng là chúng ta không thể chỉ chống biến đổi khí hậu dựa vào nhu cầu (nhiên liệu hóa thạch) mà còn cần phải giải quyết vấn đề nguồn cung”.

Với sản lượng đang suy giảm, ngành công nghiệp dầu khí chỉ đóng góp 1,1% GDP của Đan Mạch trong năm 2019. Sản lượng dầu mỏ của Đan Mạch đạt đỉnh vào năm 2004, trong khi đó, sản lượng khí đốt của nước này cũng đạt mức cao nhất vào năm 2005, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Theo Las Olsen, nhà kinh tế trưởng ở Danske Bank, ngân hàng lớn nhất Đan Mạch, thu nhập của Đan Mạch từ dầu thô và khí đốt không phải là nền tảng quan trọng của nền kinh tế nước này.

Hãng tin Bloomberg hôm 5-12 cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn ở Moscow, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga, Vladimir Kolychev, cho biết Nga, nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, bắt đầu chuẩn bị cho khả năng nguồn thu ngân sách quốc gia suy giảm trong trường hợp nhu cầu dầu toàn cầu suy giảm sớm hơn dự báo.

Ông Kolychev nói: “Nhu cầu dầu mỏ của thế giới có thể đã qua mức đỉnh”. Ông cho biết Bộ Tài chính Nga đang xem xét các kịch bản khác nhau về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Trong nhiều năm qua, Tổng thống Vladimir Putin cam kết giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của nền kinh tế Nga nhưng hiện nay, dầu khí vẫn đóng góp đến 1/3 nguồn thu ngân sách hàng năm của nước này.

Cho đến nay, Nga phản ứng rất chậm chạp trước sự chuyển đổi năng lượng và vẫn đầu tư vào các dự án thăm dò dầu mỏ ở Bắc cực. Chỉ chưa đến 1% sản lượng điện của Nga đến từ năng lượng tái tạo.

Hồi tháng 5, các nhà phân tích ở Trung tâm Năng lượng Skolkovo ở Moscow, cảnh báo tăng trưởng kinh tế của Nga có thể bị kìm hãm ở mức dưới 0,8%/năm trong hai thập kỷ tới nếu nước này không nhanh chóng thích nghi trước làn sóng thoát ra khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới