Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Di sản không vui của chính quyền Tổng thống Donald Trump ở Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Di sản không vui của chính quyền Tổng thống Donald Trump ở Việt Nam

Hồ Quốc Tuấn (*)

(TBKTSG) - Nhiều đời tổng thống trước của Mỹ đều xem xét đến ý tưởng định danh Trung Quốc  nước có thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ – là thao túng tiền tệ, nhưng không ai thực hiện. Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump lại có đến ba quốc gia bị gắn nhãn này, mà mới nhất là Thụy Sĩ và Việt Nam.

Di sản không vui của chính quyền Tổng thống Donald Trump ở Việt Nam
Sắp kết thúc nhiệm kỳ, ông Trump lại để lại một di sản khác cho chính phủ tiếp theo: định danh Việt Nam và Thụy Sỹ là nước thao túng tiền tệ vào tháng 12-2020. Ảnh: Getty Images

“Di sản” định danh thao túng tiền tệ

Tháng 5-2019, Mỹ tiến hành một bước đi hiếm thấy trong hơn hai thập kỷ: định danh Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Lần cuối cùng Mỹ định danh một nước là thao túng tiền tệ là vào nửa đầu thập niên 1990. 

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Donald Trump đã hứa hẹn với cử tri rằng ông sẽ định danh Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ ngay trong những ngày đầu tiên nhậm chức. Nhưng khi nhậm chức, ông đã không làm như vậy.

Người ta tưởng rằng ông lại là một tổng thống hứa rồi thất hứa về chuyện này. Vậy mà trong năm 2019, ông đã làm một số người bất ngờ vì “dám” bật đèn xanh để Bộ Tài chính Mỹ làm như vậy. Đó là một trong nhiều động thái gây chiến thương mại trên diện rộng của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc trong năm 2019 và đã khiến thị trường tài chính toàn cầu nhiều phen “đi tàu lượn” với những dòng tweet của ông Donald Trump về Trung Quốc và thương chiến.

Thế rồi đầu năm 2020, cũng chính nội các của Tổng thống Donald Trump lại tổ chức họp báo gỡ bỏ định danh thao túng tiền tệ này của Trung Quốc khi chính phủ hai nước đang kỳ vọng sẽ có một thương thảo mới về hiệp định thương mại. Điều thú vị là chỉ hơn một tháng sau đó, ông Donald Trump đã lần đầu tiên gọi tên virus corona là “virus Trung Quốc” và mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục căng thẳng.

Những diễn biến đó cho thấy Tổng thống Donald Trump và nội các của mình sử dụng định danh thao túng tiền tệ như một phần của chiến lược thương mại và ngoại giao - điều mà một số chính quyền trước ông có nghĩ đến nhưng không làm. Một phần có lẽ vì các chính quyền trước lo ngại làm điều đó là mở ra một thời kỳ thương chiến và đối đầu trong chính sách thương mại và ngoại giao với nhiều đối tác thương mại lớn. Nhưng trong tầm nhìn của nhiều chính trị gia thuộc phái “diều hâu” của Mỹ, đây là một bước đi cần thiết. Ông Trump và các đồng minh của mình, về cơ bản, đã hiện thực hóa tầm nhìn đó.

Nay, khi nhiệm kỳ tổng thống của mình sắp kết thúc, ông Trump lại để lại một di sản khác cho chính phủ tiếp theo: định danh Việt Nam và Thụy Sĩ là nước thao túng tiền tệ vào tháng 12-2020. Bình luận về chuyện này trên tờ Foreign Policy, Joseph Sullivan nhìn nhận đây là một “món quà chia tay” về chiến tranh tiền tệ mà ông Trump chuyển lại cho chính quyền kế nhiệm của ông Joe Biden.

Những tiêu chuẩn định danh chủ quan

Trước tiên, hãy tìm hiểu về nguyên nhân Bộ Tài chính Mỹ kết luận Việt Nam và Thụy Sỹ thao túng tiền tệ. Giới tài chính - tiền tệ của Việt Nam chú ý tới vấn đề này trong năm 2019, khi Trung Quốc bị “gắn nhãn” thao túng tiền tệ và Việt Nam chỉ lọt qua “khung cửa hẹp”, không bị gắn nhãn chung vì chỉ mới thỏa mãn hai trong ba tiêu chí thao túng tiền tệ: thặng dư song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai.

Tháng 1-2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách bị giám sát thao túng tiền tệ, và đến giữa năm thì giới tài chính Việt Nam bắt đầu nhận ra rằng Việt Nam đã vi phạm đủ ba tiêu chí. Cùng trong nhóm này có Thụy Sỹ, Đài Loan và Thái Lan. Trong đó, Đài Loan được giới kinh doanh tiền tệ nhận định là đã sử dụng một số kỹ thuật liên quan đến thị trường phái sinh để làm giảm con số can thiệp ngoại hối của mình ở một số tháng và kéo tỷ lệ can thiệp ngoại hối chung xuống. Lúc này, bị Mỹ định danh thao túng tiền tệ hay không chỉ còn là chuyện “hên xui”.

Dù vậy, vào tháng 12-2020, chỉ có Việt Nam và Thụy Sỹ là bị định danh thao túng tiền tệ. Đáng chú ý là Trung Quốc dù chỉ vi phạm một tiêu chí vẫn bị đưa vào “danh sách đen” này, và Đài Loan và Thái Lan thì thoát khỏi định danh thao túng tiền tệ, dù có vẻ cũng phạm đủ ba tiêu chí như Việt Nam và Thụy Sỹ.

Đọc báo cáo Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ tháng 12-2020 (báo cáo mà trong đó Việt Nam bị định danh thao túng tiền tệ), có thể thấy ngoài bộ ba tiêu chí mà Mỹ cho rằng Việt Nam đã vi phạm, Mỹ cũng nhìn nhận rằng đồng nội tệ của Việt Nam bị định giá thấp theo tỷ giá thực hiệu lực khoảng 8% (theo tính toán 2018) và nhấn mạnh rằng tiền đồng tiếp tục giảm giá thực khoảng 2% so với đô la Mỹ trong năm 2020. Báo cáo này khuyến nghị phía Việt Nam nên “cho phép tỷ giá biến động nhiều hơn cho phù hợp với diễn biến cơ bản của nền kinh tế, và giảm bớt can thiệp vào tỷ giá, cho phép tiền đồng tăng giá theo tỷ giá thực hiệu lực”.

Với người làm nghiên cứu tỷ giá thì tỷ giá thực hiệu lực là một khái niệm gây nhiều tranh cãi và cách tính cũng như lấy mốc nào làm chuẩn cũng là cả một vấn đề. Bộ ba chỉ số của Mỹ đưa ra cũng có nhiều yếu tố chủ quan và không dựa trên một nền tảng khoa học cụ thể nào cả. Nếu đọc toàn báo cáo tháng 12-2020, người viết cũng không tìm được lý do cụ thể mà Đài Loan, dù vi phạm cả ba tiêu chí, lại không bị định danh là thao túng tiền tệ. Đồng nội tệ của Đài Loan được đánh giá là bị định giá thấp 21% vào năm 2018, nghĩa là định giá rất thấp so với trường hợp của Việt Nam. Tóm lại, rất khó thuyết phục người đọc báo cáo rằng yếu tố chủ quan, và có thể cả tính toán chính trị, không đóng vai trò gì trong quyết định “gắn nhãn” thao túng hay không thao túng tiền tệ này.

Thao túng tiền tệ - rồi sao nữa?

Đó là câu hỏi mà nhiều người đang hỏi. Và câu trả lời đa số nhận được là “hãy đợi”. Bộ Tài chính Mỹ gắn nhãn thao túng tiền tệ chỉ là một việc làm có tính thủ tục. Sau đó Bộ Thương mại Mỹ mới có quyết định dựa trên việc này. Vì thao túng tiền tệ bị chính quyền của Tổng thống Donald Trump xem là một bằng chứng cho các trợ giá bất hợp pháp, trong trường hợp xấu nhất, họ có thể dựa vào đó để tiến hành đánh thuế một số mặt hàng của Việt Nam.

Có dấu hiệu thao túng tiền tệ là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ quyết định đánh thuế chống trợ giá sơ bộ lên mặt hàng săm, lốp xe của Việt Nam vào tháng 11-2020 (dẫu vào lúc đó chúng ta chưa bị định danh là thao túng tiền tệ, chỉ mới bị “theo dõi”). Mức thuế áp dụng là 6-10%.

Vậy thì cũng chưa phải là quá tệ, huống chi quyết định làm gì là do Bộ Thương mại lựa chọn. Và thời gian ông Donald Trump tại vị cũng không còn quá lâu. Chính phủ của ông Joe Biden chắc chắn sẽ phải cân nhắc việc có tiếp tục chính sách ngoại giao theo hướng “trừng phạt” và gây chiến thương mại hay không.

Khác với chính quyền của ông  Donald Trump, ông Joe Biden có những tham vọng về năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, và khống chế sự trỗi dậy của Trung Quốc theo một cách khác, cần sự tham gia của nhiều đối tác chiến lược. Vì vậy, họ có thể không lựa chọn leo thang thương chiến với các đối tác thương mại quan trọng của mình, bao gồm Việt Nam.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới