Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sau một năm liên kết giữa TPHCM và ĐBSCL, du lịch đã ‘gặt hái’ được gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sau một năm liên kết giữa TPHCM và ĐBSCL, du lịch đã ‘gặt hái’ được gì?

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – UBND 13 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TPHCM đã chính thức ký liên kết, hợp tác phát triển du lịch vào năm ngoái. Vậy, sau 1 năm liên kết đã đạt được những kết quả gì?

Sau một năm liên kết giữa TPHCM và ĐBSCL, du lịch đã ‘gặt hái’ được gì?
Du khách tham quan, chụp ảnh tại làng hoa Sa Đéc, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội nghị “Tổng kết liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2020” được tổ chức vào hôm nay, 22-1, ở tỉnh Đồng Tháp trong khuôn khổ "Tuần lễ văn hóa - du lịch Đồng Tháp năm 2021", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, ngoài việc thống nhất thành lập Hội đồng liên kết phát triển du lịch, cũng đã triển khai phát triển được các sản phẩm du lịch.

Theo đó, bà Hoa cho biết, TPHCM đã phối hợp với 13 địa phương ĐBSCL triển khai đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa đến 13 địa phương ĐBSCL thông qua 3 chương trình, gồm "những nẻo đường phù sa", "sắc màu vùng biên" và "non nước hữu tình".

TPHCM đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chuyến khảo sát và xây dựng sản phẩm, kết nối khai thác đến các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre trên tuyến du lịch “non nước hữu tình”. “Đối với hai tuyến còn lại là “những nẻo đường phù sa" và "sắc màu vùng biên” do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể triển khai khảo sát, kết nối khai thác”, bà cho biết.

Theo bà Hoa, trên cơ sở định hướng ba tuyến du lịch nêu trên, các doanh nghiệp như: Tổng công ty du lịch Sài Gòn đã khảo sát 126 tuyến điểm, 31 khách sạn, resort, homestay, farmstay, 15 nhà hàng và 11 cửa hàng quà lưu niện cùng 5 chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Qua đó, đã xây dựng vào chào bán ba sản phẩm liên tuyến, gồm tuyến "nhịp sống Mekong" theo hành trình TPHCM- Long An- Tiền Giang- Vĩnh Long- Cần Thơ- Hậu Giang- Sóc Trăng- Bạc Liêu- Cà Mau; tuyến du lịch “Sông nước Cửu Long” theo hành trình TPHCM - Tiền Giang- Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau và tuyến du lịch “Điểm hẹn vùng biên” theo hành trình TP.HCM - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang.

Bà Hoa cho biết, Sở Du lịch TPHCM cũng đã chủ trì phối hợp với 13 địa phương ĐBSCL và các đơn vị liên quan xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung để quảng bá, giới thiệu du lịch của những địa phương này.

Theo đó, (1) về tầm nhìn: xác định trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn nhất cả nước, khu vực và là động lực kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc gia; (2) sứ mệnh: hợp tác nhằm thúc đẩy du lịch phát triển của vùng và các tỉnh/thành thành viên thông qua liên kết tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng cho du khách trong nước và quốc tế; (3) giá trị cốt lõi: đa dạng - độc đáo - hài hòa - bền vững và (4) giá trị bản sắc thương hiệu: an toàn - thân thiện - ngọt ngào - mến khách - văn minh - sắc màu - sống động.

Về công tác đào tạo nhân lực, bà Hoa cho biết, đơn vị này đã phối hợp với 13 địa phương ĐBSCL tổ chức 2 lớp chuyên đề đào tạo về du lịch, trong đó, chuyên đề 1 là quản lý các mô hình khách sạn nhỏ và homestay; chuyên đề 2 là quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch tại địa phương.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch ở các địa phương ĐBSCL nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng trong giai đoạn “vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay”.

“Về phía tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh trong khu vực ĐBSCL với TPHCM nhằm thúc đẩy liên kết phát triển du lịch một cách chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả”, ông Bửu nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới