Thứ Hai, 21/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần có cái nhìn rộng mở

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần có cái nhìn rộng mở

Tô Văn Trường (*)

Nông nghiệp vẫn đang là nền tảng của nền kinh tế Việt nam. Ảnh TL.

LTS: -  Mới đây, Công ty Lương thực Campuchia – Việt Nam (Cavifoods) đã chính thức được thành lập, mà một trong ba cổ đông sáng lập là Tổng công ty Lương thực miền Nam Việt Nam (Vinafood 2). Cùng lúc, TS. Tô Văn Trường có bài viết gửi đến tòa soạn cũng bàn về việc liên doanh lúa gạo, trong đó quan điểm của ông là cần có cái nhìn rộng mở về hợp tác quốc tế trong sản xuất lương thực.

Tòa soạn xin giới thiệu bài viết của TS. Tô Văn Trường và cũng để kết lại cuộc trao đổi, tranh luận xung quanh những lo ngại về việc thành lập liên doanh lúa gạo vừa qua.

Dưới đây là bài viết của TS. Tô Văn Trường:

Về thông tin Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) liên kết với Công ty Thương mại Xanh (Green Trade Co.) của Campuchia để xuất khẩu lúa gạo, không ít ý kiến cho rằng liên doanh chỉ làm thiệt cho người nông dân và có lợi cho doanh nghiệp bởi vì Việt Nam đang dư thừa lúa gạo, nông dân bị ép giá. Tại sao không cải thiện các kênh kinh doanh xuất khẩu từ sản xuất đến thị trường? Đây là băn khoăn, trăn trở rất đáng suy ngẫm.

Tôi vẫn nhớ cơ quan Lương nông Liên hợp quốc (FAO) cho rằng số người bị đói trên thế giới chiếm khoảng 1/6 dân số toàn cầu đang là mối đe doạ nguy hiểm cho an ninh và hòa bình trên thế giới. Phần lớn người suy dinh dưỡng sống ở các nước đang phát triển.

Nhiều nhà khoa học và hoạch định chính sách càng lo lắng với tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu và khu vực có xu thế ngày càng bất lợi như nước biển dâng, nhiệt độ tăng cao tác động xấu đến giống cây trồng v.v… sẽ càng làm cho tình trạng cung cấp lương thực trên toàn cầu trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

Chuẩn bị cho thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có: (a) phân tích tác động của biến đổi khí hậu vào sản xuất lương thực và an ninh lương thực; (b) những hiểu biết không gian và thời gian của những cư dân, các ngành, và địa điểm dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, và (c) phát triển phù hợp và các chiến lược giảm thiểu  thích ứng để bảo đảm có  khả năng hồi phục đối với biến đổi khí hậu.

Đứng trước tác động xấu của sự biến đổi khí hậu, để đảm bảo chương trình an ninh lương thực quốc gia, có nhiều biện pháp cần thực hiện. Những biện pháp đó có thể kể ra như: quy hoạch sử dụng đất, trong đó có quy hoạch sản xuất lương thực; tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng mô hình doanh nghiệp nông nghiệp, các tổ chức hội nông dân, tổ hợp tác, liên kết sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, quy mô lớn, nâng cao thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh đầu tư cho khoa học công nghệ và các kỹ thuật tiên tiến để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm; chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất, chế biến, bảo quản và hệ thống tiêu thụ sản phẩm lương thực; đầu tư phát triển hệ thống thuỷ lợi theo hướng hiện đại hoá đa mục tiêu, đồng bộ từ đầu mối đến nội đồng... Bên cạnh đó là tăng cường hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Kinh nghiệm của các nước và thực tế ở Việt Nam đã chứng minh, muốn ổn định phải có lương thực, muốn nông nghiệp sinh lời cao phải kết nối với chuỗi chế biến thực phẩm. Nông nghiệp vẫn đang là nền tảng của nền kinh tế Việt Nam và muốn công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước một cách bền vững phải đi từ cải tạo nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa. Tuy nhiên, thực trạng đầu tư cho nông nghiệp Việt Nam chưa tương xứng với vai trò của nó trong nền kinh tế quốc dân.

An ninh lương thực không phải chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu. Cần có các giải pháp tổng hợp, đồng bộ từ chiến lược, cơ chế chính sách đến khoa học kỹ thuật, huy động các nguồn lực đối phó, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu để chương trình an ninh lương thực xứng đáng là điều kiện tiên quyết đảm bảo ổn định xã hội và góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Từ những phân tích ở trên, nhận thấy trước mắt chúng ta thừa gạo nhưng trong tương lai do tăng dân số, hạn chế về diện tích sản xuất lương thực và rủi ro của thời tiết chắc chắn không còn thừa gạo để xuất khẩu. Việc hợp tác với Campuchia về sản xuất lương thực có tính chất liên vùng về kinh tế, phù hợp với quản lý lưu vực sông, và nằm trong tầm nhìn chương trình an ninh lương thực của Việt Nam.

Thực tế trong các năm qua, khá nhiều bà con nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã sang Campuchia thuê đất, hoặc làm thuê để trồng lúa. Những lần đi khảo sát thực tế, tôi đã được nghe nông dân vùng ven biên giới Việt Nam - Campuchia ở tỉnh An Giang phản ánh, đại ý như sau “đất nông nghiệp ở Campuchia rộng lớn, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, nếu ta không sang làm thì người Thái Lan, người Trung Quốc cũng sẽ làm. Đúng là “cái khó bó cái khôn” vì nếu nhìn lại, nhận thấy hầu hết các sáng kiến trong sản xuất nông nghiệp đều do người nông dân đi trước một bước so với nhà nước và doanh nghiệp.

Nói tóm lại, cần có cái nhìn rộng mở theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng về an ninh lương thực, và xuất khẩu tri thức nông nghiệp đem lại nhiều lợi ích cả về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường. Người xưa thường nói “buôn có bạn, bán có phường” bởi vì trong buôn bán nếu biết liên kết dù quy mô nhỏ hay lớn, trước mắt và lâu dài đều có lợi. Bài học kinh nghiệm về dầu mỏ, gạo, cà phê, cao su v.v… cho thấy trong kinh tế thị trường nếu có liên kết, có nhiều nguồn hàng cả về số lượng và chất lượng thì lợi thế cạnh tranh càng cao.

Do đó, nếu liên kết, liên doanh với Campuchia được càng sớm, càng tốt nhưng phải làm bài bản, căn cơ lâu dài trên cơ sở lợi ích của cả hai quốc gia, các doanh nghiệp và người nông dân từ khâu trồng lúa, chế biến đến xuất khẩu.

__________________________________________

(*) Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Nam bộ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới