Thứ Ba, 30/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ khủng hoảng của các “siêu dự án”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguy cơ khủng hoảng của các “siêu dự án”

Nhiều dự án sẽ được triển khai đồng loạt trong năm nay, làm dấy nên nỗi lo ngại về khủng hoảng năng lực và nhân lực. Trong ảnh là xa lộ Hà Nội, tuyến đường trục chính từ TPHCM đi các tỉnh đang bị quá tải – Ảnh: Vietnamnet

(TBKTSG Online) – Cuối năm 2007, Bộ Giao thông vận tải đã đăng ký giải ngân lên tới hơn 27.500 tỉ đồng. Theo đó, hàng loạt dự án giao thông lớn được khởi công trong năm nay, nhưng việc này cũng dấy lên những lo ngại về nguy cơ khủng hoảng nhân lực và năng lực tại các dự án.

Khi đăng ký kế hoạch giải ngân của ngành với Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết đây là mức giải ngân cao nhất từ trước tới nay của ngành giao thông.

Theo kế hoạch này, hàng loạt các dự án đường cao tốc, các tuyến đường trục chính của các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước sẽ được khởi công trong năm nay theo chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020. Những dự án này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và đóng góp vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Thế nhưng, tình trạng thi công chậm trễ tại các công trình hạ tầng giao thông lớn đã là một thực tế kéo dài trong nhiều năm qua, gây không ít khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày của người dân và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Phát triển hạ tầng là một trong những giải pháp hàng đầu để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần thu hút đầu tư nhưng chính tiến độ “ì ạch” tại các công trình giao thông lớn hiện tại lại tạo ra lực cản đối với nền kinh tế. Thế nên, đã có nhiều lo ngại về nguy cơ khủng hoảng thiếu nguồn lực và năng lực khi ngành giao thông triển khai hàng loạt các dự án mới trong năm nay.

Nguồn lực và con người: nỗi lo đầu tiên

Các “siêu dự án” triển khai năm 2008

– Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, dài 264 km, kinh phí giai đoạn 1 là 19.984 tỉ đồng (1,24 tỉ đô la Mỹ).

– Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 24.000 tỉ đồng, dài khoảng 105,5 km. Dự kiến công trình được khởi công vào tháng 5-2008 và hoàn thành vào cuối năm 2011.

– Đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 9.890 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào đầu quý IV-2008 và hoàn thành vào năm 2012.

– Cầu Nhật Tân (Hà Nội) sẽ được khởi công vào cuối quý IV-2008, tổng mức đầu tư 9.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, một loạt các dự án quy mô lớn khác cũng được Bộ GTVT khởi công xây dựng cấp tập trong thời gian tới là: Quốc lộ 3 Hà Nội – Thái Nguyên (320 triệu đô la Mỹ), cảng Thị Vải – Cái Mép (185 triệu đô la Mỹ), 44 cầu đường sắt (290 triệu đô la Mỹ), đường vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 2 (312 triệu đô la Mỹ), 1.600km tỉnh lộ miền Trung – Tây Nguyên (125 triệu đô la Mỹ).

Nếu những năm trước, nguyên nhân đầu tiên thường được nêu ra là thiếu vốn, nhưng đến năm 2007, theo đánh giá của Bộ Tài chính, vốn đầu tư không những không thiếu mà còn thừa so với mục tiêu đầu năm vì một số công trình đăng ký mà không thực hiện được. Vậy mà trên thực tế tiến độ nhiều công trình vẫn chậm.

Lý giải cho điều này, tại các hội nghị chuyên ngành, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ thi công chậm trễ là do sự thiếu hụt nguồn nhân lực.

Các chuyên gia ngành giao thông phân tích rằng vời các dự án hạ tầng lớn sử dụng vốn ODA phải tiến hành đấu thầu quốc tế rộng rãi cho các gói thầu xây lắp và tư vấn. Mặc dù nhà thầu chính là nhà thầu quốc tế nhưng họ vẫn phân việc lại cho các nhà thầu phụ Việt Nam và sử dụng nguồn nhân công trong nước.

Hiện tại, ngoài 7 tổng công ty chuyên về xây dựng công trình giao thông lớn thuộc Bộ GTVT, số doanh nghiệp lớn khác, gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, có kinh nghiệm, năng lực và uy tín đủ để tham gia các dự án hạ tầng trên cũng không nhiều. Điều này thực sự là một vấn đề nan giải cho các chủ đầu tư trong việc đảm bảo tiến độ các dự án lớn bởi việc phát triển nguồn nhân lực có năng lực, trình độ và tay nghề cao là một việc phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu chưa đảm bảo về năng lực tài chính cũng như thiết bị để thực hiện công trình cho đúng tiến độ cũng đẩy ngành giao thông vào tình trạng “ì ạch”.

Nỗi lo kế tiếp: thiếu nguyên, nhiên liệu

Trong quá trình thi công các dự án hạ tầng giao thông, một nguy cơ cũng có thể đe dọa tiến độ các công trình chính là sự thiếu hụt và biến động giá cả vật liệu xây dựng, cụ thể như đá, cát, sỏi, thép, xi măng và nhiên liệu như xăng, dầu.

Theo tính toán, chỉ riêng đá phục vụ cho 4 dự án cầu, đường lớn ở khu vực phía Bắc đã khoảng 30 triệu m3. Mặc dù, khối lượng đá ở khu vực phía Bắc khá phong phú nhưng các doanh nghiệp vẫn khó có thể đáp ứng một khối lượng lớn vật liệu trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó việc sự cố và tai nạn liên tục xảy ra trong những tháng cuối năm 2007 tại một số mỏ đá phía Bắc đã khiến các địa phương siết chặt hơn các quy định về an toàn trong khai thác, và điều này đã được các nhà cung cấp đá vin vào như một cái cớ để đẩy giá tăng cao.

Trong khi đó, ở phía Nam, khu vực ĐBSCL hiện đang là một “đại công trường” với hàng loạt dự án có vốn đầu tư từ vài trăm đến vài ngàn tỉ đồng đang trong giai đoạn nước rút như cầu Rạch Miễu, đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, đường Nam sông Hậu, tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp, tuyến Cần Thơ – Năm Căn, tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận…

Chính những nỗ lực của ngành giao thông đồng loạt đẩy nhanh các dự án lại làm cho nhu cầu về nguyên liệu, nhiên liệu tăng đột biến vượt quá sức cung, đẩy giá thị trường lên cao, khiến các nhà thầu lâm vào cảnh khó khăn.

Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Ban quản lý Mỹ Thuận – chủ đầu tư một số dự án lớn tại ĐBSCL từng than thở rằng các dự án đi qua vùng địa chất yếu cần một lượng cát lớn cho việc xử lý nền. Thế nhưng, cát – loại vật liệu tưởng chừng như dễ kiếm ở vùng ĐBSCL lại đang trong tình trạng sốt. Do đó, các nhà thầu đã phải nhập cát từ Campuchia. Theo một số nhà thầu thi công tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp, đường Nam sông Hậu… thì nhiều lúc họ phải ở trong tình trạng giành giật lẫn nhau khi mua cát, nhất là sau khi phía Campuchia hạn chế việc bán cát qua biên giới Việt Nam.

Với một loạt dự án mới sẽ được bắt đầu từ năm nay sẽ tiếp tục kéo giãn khoảng cách giữa cung và cầu, do đó thời gian tới vật liệu chắc chắn sẽ còn tăng cao. Điều khó khăn cho nhà thầu chính là phải mua vật liệu ngoài thị trường với giá cao gấp nhiều lần giá được duyệt. Điều này khiến nhà thầu Việt Nam bị áp lực từ việc thi công dồn dập nhiều công trình trong khi năng lực chưa thực sự được nâng lên tương ứng. Và chất lượng công trình, tiến độ công trình ắt cũng bị ảnh hưởng bởi sức ép này.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online kính mời bạn đọc cùng tham gia bình luận, góp ý cho vấn đề nêu trên vào box ở bên dưới bài viết này.

YẾN DUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới