Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Triết học: vị trí của nữ giới ở đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Triết học: vị trí của nữ giới ở đâu?

Thiên Kim

(KTSG) - Khi nói đến từ “triết gia”, người ta thường hình dung tới hình ảnh một ông già râu dài, khuôn mặt đầy vẻ nghiêm nghị, chứ hiếm ai nghĩ tới hình ảnh một người phụ nữ.

Quả thật, nhìn lại lịch sử triết học, nam giới chiếm số đông áp đảo, và vị trí của nữ giới còn rất khiêm tốn. Vào thế kỷ 21, sự chênh lệch này cũng vẫn còn rất rõ ràng. Một báo cáo của Equality Challenge Unit (Anh) thực hiện năm 2015 cho thấy, tại các trường đại học ở Anh, có tới hơn 70% giảng viên, nhà nghiên cứu triết học là nam giới. Tại Mỹ, số lượng phụ nữ chỉ chiếm khoảng hơn 20% số lượng nam giới làm các công việc liên quan tới lĩnh vực này(1).

Tại sao lại có sự chênh lệch to lớn như thế? Liệu có sự khác biệt gì giữa năng lực nam giới và nữ giới trong lĩnh vực triết học?

Đầu tiên phải nói rằng là trong lĩnh vực này, không khó để có thể nhận ra vị trí khiêm tốn của nữ giới. Từ thời cổ đại, Platon đã cho rằng những người đàn ông hèn nhát, bỏ qua những bất công trong cuộc sống sẽ bị trừng phạt biến thành... phụ nữ trong cuộc đời tiếp theo.

Hegel đã từng nói “tư duy của phụ nữ không phù hợp với các ngành khoa học cao cấp, triết học hoặc một vài thể loại nghệ thuật”. Còn Arthur Schopenhauer thì cho rằng phụ nữ “khờ khạo, phù khiếm, tầm nhìn ngắn, nói tóm lại, cả đời họ [phụ nữ] là những đứa trẻ to xác”. Đây cũng chính là những stereotype (khuôn mẫu người ta mặc định trong đầu) về giới tính còn tồn tại trong xã hội đến ngày nay, theo đó đàn ông thì giỏi về logic, tư duy, còn đàn bà thì cảm tính.

Hiện nay, trong lĩnh vực triết học, nữ giới vẫn chỉ là “phái yếu”. Sự thực là 83% các bài giảng triết học dành cho sinh viên vẫn chủ yếu về các tư tưởng của các triết gia là nam giới, theo một nghiên cứu của Đại học Quebec. Số lượng sinh viên theo đuổi chuyên ngành triết học cũng vẫn phần đông là nam giới.

Điều này đúng hay sai? Cách đây vài năm, một nghiên cứu của đại học Pennsylvania mang tên “Sex differences in the structural connectome of the human brain” thực hiện trên 949 cá nhân từ 8-22 tuổi, đã đưa ra kết luận rằng não bộ của nam giới và nữ giới vận hành một cách rất khác nhau, dẫn đến kết quả là trên thực tế, nam giới xuất sắc hơn trong các công việc “đầu óc”, còn nữ giới thì giỏi hơn trong những gì liên quan đến trực giác.

Tuy nhiên, kết luận này đã bị chỉ trích rất dữ dội, nhiều chuyên gia không những chỉ ra những sai lầm trong nghiên cứu này, mà còn cho rằng thực ra sự khác biệt về não bộ giữa nam và nữ là rất ít ỏi. Không những thế, từ khoảng hơn 50 năm trở lại đây, rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu như thoát khỏi những áp lực, định kiến xã hội về giới tính, thì sự khác biệt về khả năng tư duy, nhận thức giữa nam và nữ sẽ giảm xuống, thậm chí không còn nữa.

Khi nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể nhận ra rằng định kiến xã hội đóng vai trò rất lớn trong việc phụ nữ chiếm tỷ lệ rất thấp trong ngành triết học.

Trong lịch sử cổ đại và trung đại, nơi các tư tưởng triết học phát triển mãnh liệt, vị trí của người phụ nữ hẳn không phải là ở nơi người ta luận bàn về các trường phái tư tưởng khác nhau. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Gilles Ménage, một học gia Pháp của thế kỷ 17 (nghiên cứu này được trích lại trong quyển History of Women Philosopher (1987) của Mary Ellen Whaite) cho thấy có tất cả 67 nữ triết gia trong giai đoạn lịch sử này.

Ví dụ, dưới thời cổ đại, có một vài tên tuổi nổi tiếng là nữ giới, như Axiothéa, học trò của Platon, người buộc phải cải trang thành đàn ông để theo đuổi ngành triết học. Hay như Arété de Cyrène, con gái của Aristippe, một triết gia vào thế kỷ 4 trước Công nguyên, là nữ triết gia đầu tiên được công nhận trong lịch sử. Sau cái chết của Aristippe, Arété là người tiếp tục giảng dạy tại Athen trường phái triết học của cha. Lịch sử ghi nhận bà đã viết hơn 40 tác phẩm triết học, về nhiều chủ đề khác nhau.

Vào cuối thời cổ đại, Hypatia cũng là một phụ nữ nổi tiếng trong lĩnh vực triết học và toán. Vì các tư tưởng triết học bà truyền bá ở Alexandria, Hypatia còn được coi là biểu tượng của sự đối đầu với Thiên chúa giáo. Cái chết của bà vào năm 415 (bị sát hại bởi một nhóm người Thiên chúa giáo), cũng đã cho thấy tại sao không có nhiều nữ triết gia trong lịch sử.

Bản chất của giới nữ không phải là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giới tính trong lĩnh vực triết học. Cấu trúc xã hội đóng vai trò rất lớn trong sự chênh lệch này.

Như Simone de Beauvoir viết trong Giới tính thứ hai, “chúng ta không là phụ nữ khi sinh ra, chúng ta trở thành phụ nữ”. Sự khác biệt giữa nam và nữ không phải là sinh học, mà mang tính văn hóa, đến từ cấu trúc xã hội.

Đúng thế, trong thời Trung cổ và cận đại, những người phụ nữ truyền bá tư tưởng triết học thường có số phận bi thảm. Các nữ triết gia không được công nhận như “triết gia”, mà bị gọi bằng những cái tên khác, như “nhà ma thuật”, “phù thủy”.

Họ thường bị xua đuổi và tiêu diệt, vì tư tưởng hay lối sống khác biệt với những phụ nữ thông thường. Ví dụ, năm 1310, Marguerite Porete, cho ra đời tác phẩm Mirouer des simples âmes anéanties nói về tình yêu và lí trí, và bị hỏa thiêu ở Paris, vì quan điểm “tự do tư tưởng” của bà. Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể hiểu rằng không hiếm phụ nữ bị hỏa thiêu trong giai đoạn này là những nữ triết gia.

Với cách mạng công nghiệp, vị trí người phụ nữ bắt đầu thay đổi, họ mới bớt “vô hình” trong lĩnh vực triết học. Những nhà tư tưởng nữ giới bắt đầu được xã hội chấp nhận. Simone de Beauvoir (1908-1986) được biết đến trên toàn thế giới với “Giới tính thứ hai”, Hannah Arendt (1906-1975) nổi tiếng với những tư tưởng triết học chính trị, hay Simone Weil (1909-1943)... là một số ít trong những nữ triết gia gây ảnh hưởng lớn tới tư tưởng triết học hiện đại.

Mặc dù thế, hiện nay, trong lĩnh vực triết học, nữ giới vẫn chỉ là “phái yếu”. Sự thực là 83% các bài giảng triết học dành cho sinh viên vẫn chủ yếu về các tư tưởng của các triết gia là nam giới, theo một nghiên cứu của Đại học Quebec. Số lượng sinh viên theo đuổi chuyên ngành triết học cũng vẫn phần đông là nam giới.

Để giải thích hiện tượng này, có người cho rằng nữ giới thường không mấy hứng thú với phương pháp “tranh luận nảy lửa” đặc trưng cho ngành triết học (Martin Alcoff, 2013), hay bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh “đóng khung” về môn triết học (Langton, 2013). Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khác(2) đã chỉ ra rằng chính các định kiến rõ ràng (ví dụ như cho là phụ nữ không giỏi về tư duy) hay định kiến ngầm (ví dụ như các bài giảng chủ yếu về các triết gia nam ở trường đại học, sinh viên nữ thường bị giảng viên cho điểm khắt khe hơn sinh viên nam, bài nghiên cứu khoa học mang tên nữ giới thường dễ bị từ chối hơn nam giới) là những nguyên nhân chính dẫn đến vai trò khiêm tốn của nữ giới trong lĩnh vực triết học.

Chính vì thế, có nhiều lý do để tin rằng bản chất của giới nữ không phải là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giới tính trong lĩnh vực triết học. Cấu trúc xã hội đóng vai trò rất lớn trong sự chênh lệch này. Như Simone de Beauvoir viết trong Giới tính thứ hai, “chúng ta không là phụ nữ khi sinh ra, chúng ta trở thành phụ nữ”. Sự khác biệt giữa nam và nữ không phải là sinh học, mà mang tính văn hóa, đến từ cấu trúc xã hội. Chừng nào xã hội không còn định kiến với người phụ nữ, thì triết học mới không còn là lĩnh vực “đặc trưng” dành cho nam giới.

(1) https://journals.openedition.org/glad/1120#tocto1n2
(2) https://journals.openedition.org/glad/1120#tocto1n3

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới