Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nếu bị EC áp ‘thẻ đỏ’, thủy sản Việt Nam sẽ mất gần 600 triệu đô la mỗi năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nếu bị EC áp ‘thẻ đỏ’, thủy sản Việt Nam sẽ mất gần 600 triệu đô la mỗi năm

Trung Chánh

(KTSG Online) – Nếu bị Ủy ban châu Âu (EC) thuộc Liên minh châu Âu (EU) quyết dịnh rút “thẻ đỏ” để phạt thì ngành thuỷ sản Việt Nam có thể mất gần 600 triệu đô la Mỹ mỗi năm, trong đó, tổn thất trước mắt và trực tiếp ước tính lên đến 480 triệu đô la Mỹ.

“Thẻ vàng” EU đẩy xuất khẩu hải sản Việt Nam vào thế khó

Nếu bị EC áp ‘thẻ đỏ’, thủy sản Việt Nam sẽ mất gần 600 triệu đô la mỗi năm
Tàu cá khai thác hải sản của Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh

Đây là nội dung trong báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU): trường hợp Việt Nam” do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.

Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm thủy sản khai thác chịu tác động trực tiếp từ các quy định IUU và cảnh báo “thẻ vàng”, trong khi sản phẩm thủy sản nuôi trồng bị ảnh hưởng gián tiếp.

Trong trường hợp EC áp dụng “thẻ đỏ”, thì tác động trước mắt và trực tiếp đối với thủy sản Việt Nam, đó là lệnh cấm thương mại của EC. Khi đó, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu đô la Mỹ mỗi năm, trong đó, ước tính tổn thất từ hải sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác khoảng 387 triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Còn các tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng xuất phát từ việc giảm sút uy tín, gánh nặng kiểm soát hải quan ngày càng tăng và việc không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) khiến ngành thủy sản nuôi trồng có thể mất khoảng 93 triệu đô la Mỹ.

Như vậy, những tác động trực tiếp và gián tiếp từ việc EC áp dụng “thẻ đỏ” có thể khiến ngành thuỷ sản Việt Nam bị thiệt hại 573 triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Báo cáo của VASEP và WB công bố cũng cho thấy, về trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài trong 2-3 năm có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó, khai thác thủy sản sẽ bị thu hẹp ít nhất 30% về quy mô sản lượng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam sớm gỡ “thẻ vàng”, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA, thì cơ hội phục hồi và xuất khẩu vào EU trong những năm tới hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 1,2-1,4 tỉ đô la Mỹ.

Báo cáo cũng chỉ ra, sau khi bị EC phạt “thẻ vàng” từ tháng 10-2017, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang EU sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang EU vào năm 2019 đạt trên 1,247 tỉ đô la Mỹ, giảm 13,09% so với năm 2018. Đến năm 2020, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang EU chỉ còn 959 triệu đô la Mỹ, tức giảm 288 triệu đô la Mỹ so với năm 2019.

Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam về giá trị, chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm gần đây dao động từ 8,5 đến gần 9 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, trong đó, thủy sản nuôi trồng đóng góp 60- 65%, thủy sản khai thác chiếm 35 - 40% giá trị. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới