Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá lúa giảm, giá phân bón tăng, nông dân thiệt hại nặng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá lúa giảm, giá phân bón tăng, nông dân thiệt hại nặng

Trung Chánh

(KTSG Online) - So với thời điểm đầu năm, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện giảm mạnh gần 33%, trong khi giá phân bón lại tăng mạnh gần 73%. Điều này đã khiến nông dân bị thiệt hại khá nặng.

Giá lúa giảm, giá phân bón tăng, nông dân thiệt hại nặng
Nông dân ĐBSCL bị thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Ảnh: Trung Chánh

Số liệu thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy trong tuần từ ngày 7 đến 14-1-2021, bình quân giá lúa tươi tại ruộng của nông dân ở ĐBSCL đối với chủng loại lúa thường (IR 50404) là 6.883 đồng/kg, trong khi vào thời điểm hiện tại là 4.633 đồng/kg, tức đã giảm 2.250 đồng/kg (gần 33%).

Giá lúa hạt dài (các giống như OM 5451, OM 18…) tươi thu mua tại ruộng trong tuần từ ngày 7 đến 14-1-2021 là 7.020 đồng/kg, ở thời điểm hiện tại là 5.190 đồng/kg, tức đã giảm 1.830 đồng/kg (giảm 26%).

Trường hợp doanh nghiệp mua vào tại kho, hồi đầu năm nay, bình quân giá lúa khô/ướt đối với loại lúa thường là 7.770 đồng/kg, hiện tại là 5.840 đồng/kg, tức đã giảm 1.930 đồng/kg (giảm 24,8%).

Giá lúa hạt dài (các giống OM) được doanh nghiệp mua vào tại kho hồi đầu năm là 7.990 đồng/kg, hiện tại chỉ còn 6.505 đồng/kg, tức giảm 1.485 đồng/kg (giảm 18,6%).

Tính ra, mức giá bình quân đối với gạo nguyên liệu (gạo lứt) loại I hiện được doanh nghiệp ở ĐBSCL mua vào đã giảm 21,8% so với hồi đầu năm; loại II giảm 29,6%.

Trong khi đó, bình quân giá gạo thành phẩm ở ĐBSCL được doanh nghiệp mua vào đối với loại I hiện đã giảm gần 19,5% so với thời điểm hồi đầu năm; loại II hiện cũng giảm 29,3%.

Với những tính toán nêu trên, bình quân mỗi kí lô gam lúa nông dân bán ra vào thời điểm hiện tại đã bị thiệt hại so với hồi đầu năm từ 1.830-2.250 đồng/kg, tương đương từ 26-33% (tuỳ loại lúa thường hay hạt dài). Bởi, nông dân ở ĐBSCL sau khi thu hoạch đa phần đều bán lúa tươi ngay tại ruộng.

Trong khi đó, thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, đến ngày 22-7-2021, vụ lúa hè thu 2021 thu hoạch được 483.000 ha với năng suất bình quân đạt 5,86 tấn/ha, tương đương sản lượng đạt khoảng 2,83 triệu tấn.

Giá lúa giảm vào thời điểm hiện tại (vụ hè thu) so với hồi đầu năm (vụ đông xuân) tính tương đối đã gây thiệt hại cho nông dân ĐBSCL khoảng từ 5.179 - 6.367 tỉ đồng. Hay nói cách khác, đến thời điểm hiện tại, mỗi ha ở vụ hè thu 2021, nông dân đang bị thiệt hại khoảng 10,723-13,185 triệu đồng so với vụ đông xuân vừa qua.

Trong bối cảnh nông dân phải chịu thiệt hại nặng nề do giá lúa sụt giảm thì phân bón lại có đợt tăng giá sốc kể từ đầu năm đến nay.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ trưởng Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong công văn gửi Tổ công 970 của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch Covid-19 đưa ra số liệu cho thấy, từ đầu năm đến nay giá phân đạm Cà Mau đã tăng từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg, tương ứng mức tăng 72%.

Ngoài ra, theo ông Nam, phân DAP Đình Vũ cũng có mức tăng 67,3%; phân NPK Bình Điền loại 16-16-8+13S tăng 24,3%; phân SA bột nhập khẩu Trung Quốc tăng 60,6%; phân DAP nhập khẩu Trung Quốc tăng 50%; phân Kali miểng nhập từ Israel tăng gần 73%.

Việc nông dân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do giá lúa giảm, thì giá vật tư đầu vào, nhất là phân bón tăng mạnh như nêu trên khiến người nông dân gặp khó khăn, thậm chí có không ít hộ nông dân đã tính chuyện ngưng sản xuất vụ lúa thu đông 2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới