Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: “đi chợ hộ”, mua hàng, giao hàng ra sao từ hôm nay 23-8

Chánh Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – TPHCM bắt đầu siết giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 23-8, người dân sẽ được “đi chợ hộ”, các siêu thị vẫn hoạt động cung ứng hàng hóa cho người dân qua Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng… theo hình thức combo.

Từ 23-8 người dân tại TPHCM sẽ nhận hàng hóa theo hình thức "đi chợ hộ" - Ảnh: Huyền Trang

Siêu thị thiết kế, bán combo hàng hóa

Từ hôm nay ngày 23-8-2021 việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân tại TPHCM được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ” do Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc VN, Tổ dân phố...), các lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ thực hiện với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).

Trong ngày 22-8 đại diện nhiều siêu thị cho biết đã hoàn thành các gói (combo) thực phẩm khác nhau để cung cấp cho người dân. Các gói thực phẩm dạng này có giá bình quân 300.000-500.000 đồng, bao gồm các mặt hàng từ trứng, rau, ớt, sả, hành ngò đến cá, thịt gà, thịt bò, heo... Người tiêu dùng cũng được lựa chọn thêm số lượng, hàng hóa khác để đưa vào combo theo nhu cầu.

Từ ngày 23-8, nhân viên các siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ soạn hàng giao đến các đầu mối địa phương thực hiện mua hàng hộ cho người dân chứ không bán trực tiếp tại cửa hàng. Một số siêu thị đã lên combo hàng sẵn và bán theo đơn đặt hàng của chính quyền địa phương, đại diện các siêu thị tại TPHCM cho hay.

Theo UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cho hay các địa phương đã thành lập các Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng theo từng phường, xã, thị trấn. Bên cạnh đó rà soát các hệ thống phân phối trên địa bàn, bổ sung đại diện các hệ thống phân phối vào Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng để chủ động triển khai cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩn cho người dân. Bên cạnh đó cũng đã liên hệ, trao đổi với đầu mối của các chuỗi, hệ thống cung ứng chủ lực trên địa bàn để điều phối, cung ứng hàng hóa kịp thời.

Dựa trên đơn hàng của người dân, Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng sẽ chuyển đơn hàng và thanh toán tiền cho đầu mối tại phường để nhập dữ liệu đặt hàng cho phòng kinh tế. Từ đây, các đơn hàng được tổng hợp và chuyển về cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi để chuẩn bị soạn sẵn hàng hóa. Hàng hóa sẽ được đóng gói và chuyển giao về điểm tập kết của khu phố, phường trong sáng hôm sau, người dân sẽ thanh toán khi nhận hàng, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cho hay.

Hệ thống bán lẻ Satra cho biết, các siêu thị vẫn mở cửa bao gồm 3 siêu thị (Satramart siêu thị Sài Gòn, siêu thị Phạm Hùng và siêu thị Củ Chi) cùng 100 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods vẫn mở cửa hoạt động từ 7 giờ đến 16 giờ 30 hằng ngày. Siêu thị thực hiện kinh doanh “3 tại chỗ”, đồng thời kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân theo hình thúc “đi chợ hộ” của Tổ Covid-19 cộng đồng. Hệ thống bán lẻ Satra cũng chủ động áp dụng phương thức bán hàng thiết yếu đặt trước hoặc chuẩn bị sẵn dưới dạng “combo” (trọn gói) hay đơn hàng theo yêu cầu.

MM Mega Market Việt Nam cho hay, 4 siêu thị của hệ thống bán lẻ này vẫn mở cửa, và sẽ giao hàng bằng xe tải có mã QR (QR Code). Đơn vị này cũng thông tin, sẵn sàng bán hàng theo yêu cầu đặt hàng từ phường. Saigon Co.op cho biết đến nay các phương án bán hàng cho đầu mối tổ công tác đặc biệt của các phường đã có sẵn như mua chung, bán theo combo... và hệ thống đang chờ kết nối từ các địa phương.

Theo Sở Công Thương TPHCM, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động để cung ứng thực phẩm cho các bộ phận mua hàng hộ để chuyển đến người dân. Nhân viên giao hàng của các siêu thị được di chuyển trong nội bộ một quận với khung thời gian từ 6 giờ - 18 giờ để giao hàng.

Tăng nguồn hàng cung ứng, vận chuyển

Theo yêu cầu của UBND TPHCM các hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM (gồm 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi, 27 chợ truyền thống đang hoạt động); các cửa hàng cung ứng lương thực thực phẩm; các điểm bán hàng lưu động; các cơ sở chế biến lương thực thực phẩm; tiểu thương các chợ đầu mối tổ chức thu mua hàng hóa thông qua các chành vựa từ các tỉnh, thành lân cận TPHCM; các doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm; các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử, logistics sẽ tham gia tổ chức chuỗi cung ứng, đảm bảo lưu thông, vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm vào thị trường thành phố.

Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng sẽ giao hàng cho người dân địa phương. Ảnh: Huyền Trang

Trong ngày 22-8, 23-8 các hệ thống cung ứng hàng hóa tại TPHCM như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử, logistics… đều cho biết tiếp tục hoạt động, nâng cao công suất để tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm về TPHCM và tăng cường khả năng dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bình quân cho người dân thành phố. Bên cạnh đó cũng đẩy mạnh sản xuất, tăng cường công tác thu mua nhằm tăng lượng hàng hóa tối đa dự trữ thường xuyên tại địa điểm kinh doanh, kho chứa hàng.

Đại diện các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng cho hay đang tiếp tục phối hợp với thành phố Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, thống kê nhu cầu của người dân trên địa bàn để tổ chức phân phối hàng hóa thực phẩm cho người dân phù hợp nhu cầu tiêu dùng thực tế và tình hình kiểm soát dịch bệnh của thành phố.

Sở Công Thương tiếp tục phối hợp các đơn vị cung ứng hàng hóa trên địa bàn đảm bảo nguồn cung ứng, năng lực dự trữ, cung cấp đầy đủ hàng hóa, lương thực thực phẩm cho người dân. Tổ chức điều phối các kênh bổ trợ phân phối hàng hóa (các chuyến xe bán hàng lưu động, “siêu thị mini di động”), hỗ trợ địa phương phân phối hàng hóa kịp thời đến người dân.

Sở Công Thương TPHCM sẽ phối hợp cùng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để tăng cường kết nối, bổ sung nguồn hàng kịp thời cho TPHCM.

Bán hàng online, shipper vẫn hoạt động

Riêng mảng bán hàng online, một số siêu thị, cửa hàng cho biết vẫn tổ chức bán hàng online. Nhưng chỉ bán, giao hàng cho người dân ở cùng khu vực. Tùy thuộc vào số lượng đơn hàng và đội ngũ giao hàng của từng siêu thị đáp ứng cho người dân trong khu vực mà siêu thị, cửa hàng đóng.

Đại diện các hệ thống siêu thị Co.op Mart, Lotte Mart, BigC, MM Mega Market… cho biết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống vẫn hoạt động và bán hàng đến các đầu mối được UBND TPHCM phân công để cung ứng hàng hóa đến người tiêu dùng. Siêu thị sẽ giao hàng đến các đầu mối này thông qua đội ngũ nhân viên siêu thị, khu vực nào shipper được hoạt động thì giao hàng qua shipper.

Đại diện Shopee cho hay từ 0 giờ ngày 23-8 người dân vẫn được đặt hàng, và sẽ được nhận khi thành phố ổn định và các đơn vị vận chuyển được hoạt động trở lại. Nếu các đơn hàng vẫn đang ở shop hoặc tại các đơn vị vận chuyển, người dân sẽ nhận được khi các đơn vị vận chuyển được hoạt động trở lại. Đối với các đơn hàng có khả năng bị hủy cao, Shopee cũng sẽ thông báo ngay đến người mua.

Đại diện sàn thương mại điện tử Voso.vn (Viettel Post) sáng 23-8 cho hay Viettel Post đang đề xuất với Sở Công Thương TPHCM phương án để phối hợp cùng các lực lượng chức năng liên quan cung ứng hàng hóa thiết yếu, đảm bảo sinh hoạt cho người dân. Theo đó, Viettel Post đã chuẩn bị sẵn nguồn lực và phương án triển khai dịch vụ “đi chợ hộ” để có thể kích hoạt ngay từ ngày 23-8.

Viettel Post có thể cung ứng 150 tấn hàng mỗi ngày cho người dân tại TPHCM, người dân chỉ cần đặt hàng thông qua sàn Voso.vn hoặc liên hệ số điện thoại tại các bưu cục Viettel Post gần nhất. Sau khi nhận được yêu cầu mua hàng, Viettel Post sẽ tiến hành gom đơn. Nguồn cung hàng hóa được lấy từ kho hàng của sàn Voso.vn, từ các siêu thị, chợ đầu mối và các tiểu thương trong khu vực lân cận để tối ưu thời gian giao hàng.

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của khoảng 9,4 triệu dân, TPHCM dự kiến cung cấp theo nhu cầu tiêu dùng bình quân các mặt hàng thiết yếu của người dân trên địa gồm có nhu cầu tiêu dùng bình quân 1 ngày là 10.964 tấn/ngày trong đó gạo 1.981 tấn; lương thực chế biến khô (mì, bún, phở...): 660 tấn; thịt gia súc: 755 tấn; thịt gia cầm: 660 tấn; thực phẩm chế biến: 236 tấn; trứng gia cầm 108 tấn (2,1 triệu quả); rau củ quả: 4.246 tấn; đường: 236 tấn; sữa: 1.742 tấn (1,7 triệu lít); dầu ăn: 189 tấn; muối: 47 tấn; nước chấm: 104 tấn (79.865 lít). Nhu cầu tiêu dùng bình quân 1 tuần của người dân TPHCM khoảng 76.747 tấn, nhu cầu tiêu dùng bình quân 15 ngày: 164.460 tấn. Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu về nước uống của người dân ước đạt 19 triệu lít/ngày (566 triệu lít/tháng); các mặt hàng phòng, chống dịch như khẩu trang 628.969 cái/ngày (18,8 triệu cái/tháng); nước sát khuẩn (loại 0,5lít): 239.596 chai/ngày (7,2 triệu chai/tháng).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới