Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giá thực phẩm tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội tiếp tục tăng

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 8 tháng của năm 2021 tăng 1,79% so với cùng giai đoạn năm trước - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, theo Tổng cục Thống kê.

Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 8-2021 của cơ quan này cho thấy giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 2,51% so với tháng 12-2020.

Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống ghi nhận mức tăng cao nhất với 0,74% do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa nghiêm ngặt hơn, nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, chỉ số giá lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình lần lượt tăng 0,69%, 0,97% và 0,19% do nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội.

Trong ảnh là hoạt động mua bán tại một chợ dân sinh ở TPHCM trong thời gian giãn cách xã hội, ảnh chụp trước ngày 23-8. Ảnh: Lê Vũ.

Với chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình, Tổng cục Thống kê cho biết chi tiêu cho việc ăn ngoài gia đình tăng 0,18% do giá lương thực, thực phẩm đầu vào tăng; uống ngoài gia đình tăng 0,14% do thời tiết nắng nóng nhu cầu đồ uống tăng cao. Ngoài ra, giá đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,31% do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hàng ăn chủ yếu bán đồ ăn mang đi.

Với chỉ số lương thực, chỉ số giá gạo tăng 0,44% do nhu cầu tiêu dùng, dự trữ gạo của người dân và chi phí vận chuyển gạo giữa các địa phương tăng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, giá gạo tẻ thường dao động trong khoảng 11.600-12.500 đồng một ki-lô-gram, giá gạo Bắc Hương trong khoảng 17.600-19.000 đồng, giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào trong khoảng 17.900-19.500 đồng, giá gạo nếp trong khoảng 24.700-34.500 đồng.

Bên cạnh đó, giá bột mì và ngũ cốc khác tăng 3,98% so với tháng trước; giá lương thực chế biến như bún, phở, bánh đa, mì ăn liền, bánh mì tăng 0,82%.

Với chỉ số giá nhóm thực phẩm, giá thịt gia cầm và giá trứng các loại lần lượt tăng 0,66% và 10,28% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Ngoài ra, doanh nghiệp đang thu mua để chế biến trứng vịt muối cho mùa Trung thu sắp tới.

Giá thủy sản tươi sống cũng tăng 2,24% so với tháng trước do chi phí vận chuyển, bảo quản và nhu cầu tiêu dùng, tích trữ tăng. Còn giá rau tươi, khô và chế biến tăng 5,12% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nguồn rau về chợ bán lẻ giảm tại một số địa phương đã đẩy giá rau tăng so với tháng trước.

“Giá tăng cao nhất ở rau dạng củ quả với 9,44%, rau bắp cải tăng 8,78%, khoai tây tăng 6,88%, rau muống tăng 5,64%, rau gia vị tươi hoặc khô tăng 4,25%; rau tươi khác tăng 4,08%”, Tổng cục Thống kê cho biết.

Những yếu tố này, theo Tổng cục Thống kê, làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm.

Với các nhóm ngành khác, nhóm đồ uống và thuốc lá ghi nhận ghi nhận mức tăng 0,22% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng cao khi thời tiết nắng nóng. Còn giá thuốc lá tăng do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung giảm.

Nhóm giáo dục ghi nhận mức tăng 0,04% do giá văn phòng phẩm tăng 0,34%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp, các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19 khiến nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch tăng làm giá các loại thuốc tăng 0,08%.

Còn nhóm giao thông giảm 0,06% chủ yếu do nhiều đại lý ô tô đưa ra các gói ưu đãi, giảm giá xe hấp dẫn nhằm kích thích sức mua của người tiêu dùng, làm cho giá ôtô giảm. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%, do giá điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,16% và phụ kiện điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,5%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,03% chủ yếu do giá thiết bị văn hóa giảm 0,22%; du lịch trọn gói giảm 0,04%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.

Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ giữ giá ổn định là nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.

Tính chung 8 tháng, CPI chỉ tăng 1,79% so với cùng giai đoạn năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới