Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xây dựng “sandbox vận tải” thay vì sợ hãi ngăn chặn

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hiểu rõ cơ chế lây nhiễm của SARS-CoV-2, chúng ta sẽ thấy rõ việc lây nhiễm từ xe chở hàng hóa sang con người rất khó xảy ra. Việc ngăn chặn xe chở hàng hóa để chống dịch không có cơ sở khoa học, vừa không hiệu quả vừa gây hậu quả thiệt hại kinh tế nặng nề cho toàn xã hội do tình trạng đứt gãy đoạn giữa của chuỗi cung ứng là xe chở hàng hóa, đoạn đầu là nông dân, doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm trong khi đoạn cuối là người tiêu dùng không mua được hàng hóa dù nhu cầu rất cao.

Xe tải chờ chở hàng tại cảng Cát Lái. Ảnh: N.K

Cứ mỗi đợt bùng dịch, các địa phương áp dụng giãn cách xã hội là tiếng kêu cứu của doanh nghiệp lại vang vọng đến Chính phủ về tình trạng xe vận chuyển hàng hóa bị ách tắc tại các chốt kiểm dịch.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, hậu quả mà doanh nghiệp và người dân gánh chịu sẽ vô cùng nặng nề, kể cả khi dịch đã qua đi, vì chuỗi cung ứng đã bị sụp đổ phải mất rất lâu mới khôi phục được. Tình trạng ách tắc này sẽ không xảy ra nếu áp dụng mô hình sandbox(1) cho vận tải hàng hóa.

Tùy tiện quy định, bất chấp chỉ đạo của Chính phủ

Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Phó thủ tướng Lê Văn Thành gửi Công văn hỏa tốc 5187/VPCP-CN yêu cầu các địa phương không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có Giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước(2).

Tuy nhiên, một tháng sau ngày Chính phủ chỉ đạo, tình trạng tùy tiện áp dụng quy định của các địa phương vẫn còn đó, trong đó có vụ thành phố Cần Thơ chặn cả xe chở oxy cho bệnh viện và chặn cả xe từ tỉnh khác quá cảnh đi ngang. Tình trạng nghiêm trọng đến mức trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh hôm 25-8, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể phải lên tiếng gay gắt: “Tôi yêu cầu thành phố Cần Thơ dừng ngay việc làm này... Các anh làm ách tắc sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa là không được, tôi sẽ báo cáo Thủ tướng”(3).

Hậu quả của tình trạng chốt chặn khắp nơi, theo ghi nhận của Bộ GTVT, diễn ra từ TPHCM, Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Gia Lai... ở phía Nam đến Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hải Phòng... ở miền Bắc. Chuỗi cung ứng vận chuyển hàng hóa của cả nước đang rối tung và ách tắc nghiêm trọng do mỗi địa phương là một hoặc hàng loạt giấy phép con, tạo ra những rào cản mà doanh nghiệp khó có thể vượt qua.

Trong số các tỉnh bị Bộ GTVT nêu tên có “gương mặt quen thuộc” Hải Phòng từ đầu năm đến nay đã vài lần bị Bộ GTVT và Chính phủ phê bình, nhắc nhở. Thế nhưng mới đây, thành phố này lại tiếp tục đưa ra quy định kiểm tra xét nghiệm Covid-19 bất hợp lý đối với tài xế xe tải bất chấp chỉ đạo của Chính phủ(4).

Sợ hãi vì hiểu sai cơ chế lây nhiễm của virus?

Cứ mỗi lần có dịch Covid-19 bùng phát là tình trạng ngăn sông cấm chợ lại diễn ra theo kiểu “thà chặn nhầm hơn bỏ sót”. Có lẽ, một số lãnh đạo địa phương vì sợ không kiểm soát được dịch bệnh nên đã áp dụng các biện pháp chống dịch cực đoan.

Muốn vượt qua tâm lý phòng thủ quá mức cần thiết này cần hiểu biết về bản chất cơ chế lây nhiễm của virus SARVS-CoV-2, từ đó mới tránh được tâm lý sợ hãi không đáng có. Có hai cơ sở khoa học về việc lây nhiễm virus cần hiểu rõ để từ đó xây dựng chính sách kiểm soát được dịch Covid-19 hiệu quả mà không gây ách tắc chuỗi cung ứng hàng hóa như hiện nay.

Thứ nhất, bản thân virus SARVS-CoV-2 không thể tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài, đặc biệt là trong môi trường nắng nóng, nhiều gió như ở miền Nam. Thêm vào đó, virus cũng dễ dàng bị tiêu diệt bằng chất diệt trùng phổ biến và giá rẻ như cồn 70 độ.

Thứ hai, virus không thể tự “nhảy” từ hàng hóa vào mũi, họng con người mà phải “đi quá giang” qua bàn tay con người khi vô tình đưa lên mặt, ngoáy mũi. Vì vậy, chỉ cần áp dụng chặt chẽ “5K” cho xe chở hàng hóa bao gồm giữ khoảng cách giữa những người trong kho bãi, khử khuẩn xe, hàng hóa, tay người, đeo khẩu trang là có thể ngăn chặn được hầu hết nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Đó là chưa kể hiện tại chúng ta còn có thêm một vũ khí hiệu quả là vaccin ngừa Covid-19.

Cần làm gì để xây dựng "sandbox" vận tải?

“Sandbox vận tải” không có gì phức tạp mà bản chất chỉ là áp dụng quy định “5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) một cách thực chất. Xây dựng “sandbox vận tải” sẽ bảo đảm được việc vận chuyển hàng hóa thông suốt mà không làm lây nhiễm dịch bệnh.

Đầu tiên là tận dụng lợi thế được thiên nhiên ban tặng để chống virus là nắng và gió. Xe tải chở hàng phải hạ kính cửa xe và không được dùng máy lạnh. Nhiệt độ cao và thoáng gió sẽ giúp giảm thiểu khả năng phát tán của virus trong buồng lái xe.

Tiếp theo đó, cần quy hoạch lộ trình xe tải chở hàng một cách hợp lý và có giới hạn lộ trình để dễ kiểm soát, không cho xe tải tự do đi đến mọi ngõ ngách như trước đây. Lộ trình này được giám sát cả bằng camera giao thông lẫn bằng lực lượng cảnh sát giao thông.

Chính quyền địa phương quản lý các điểm giao nhận hàng hóa và giám sát việc tuân thủ các quy định an toàn bắt buộc như khử khuẩn xe và hàng hóa. Điểm giao nhận nào vi phạm sẽ bị phạt nặng và cấm hoạt động.

Trên lộ trình quy định, ở mỗi khoảng cách hợp lý trên cung đường, cần quy hoạch các bãi trung chuyển hàng hóa và trạm dừng, có chỗ lưu trú và ăn uống cho tài xế, phụ xế. Các điểm này cũng phải tuân thủ chặt chẽ quy định phòng dịch như rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách và khử khuẩn phòng ở, nhà vệ sinh, nhà ăn định kỳ.

Với “sandbox vận tải”, toàn bộ quá trình vận chuyển hàng hóa từ đầu vào đến đầu ra của xe và hàng hóa đều được giám sát và khử khuẩn nên tránh được tình trạng làm lây nhiễm. Ngoài ra, toàn bộ nhân sự có liên quan của hệ thống này như tài xế, phụ xế, chủ hàng, bốc xếp, nhân viên kho bãi, tạp vụ ... đều phải tuân thủ triệt để quy định “5K” và được xét nghiệm Covid-19 định kỳ. Ngoài ra, cần ưu tiên chích ngừa cho họ đủ hai mũi càng sớm càng tốt.

Giải quyết vấn đề kiểm soát dịch bệnh trên cở sở khoa học sẽ giúp tránh các thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, phục hồi lại chuỗi cung ứng hàng hóa gần như đã bị tê liệt hiện nay.

Thời gian sống của virus Corona trên hàng hóa là bao lâu?Theo một bài báo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành The Journal of Hospital Infection tổng hợp từ 22 bài nghiên cứu khác trước đó chủ yếu trên 3 chủng virus corona có họ hàng gần với virus SARS-CoV-2 là SARS, MERS và HCoV cho thấy hiệu quả của chất khử trùng đối với các loại virus corona và thời gian tồn tại của virus này trên các bề mặt các loại vật liệu hàng hóa.Theo bài báo này, ở nồng độ virus cao, SARS có thể sống được đến 9 ngày trên bề mặt nhựa, thủy tinh, giấy, gỗ, sứ... còn virus MERS có thể sống khoảng 8-24 giờ nhiệt độ 30 độ C. Đối với các chất khử khuẩn, cồn ethanol từ 62-71 độ sau khi phun một phút có thể làm giảm mức độ lây nhiễm của virus corona từ 1.000-10.000 lần. Nước javen (sodium hypochlorite) nồng độ 0,1- 0,5% cũng khá hiệu quả với việc giảm lây nhiễm hơn 1.000 lần.Nguồn: https://www.journalofhospitalinfection.com/article/S0195-6701(20)30046-3/fulltext

(1) Sandbox: Thường được dịch là “hộp cát”, đây là thuật ngữ trong bảo mật máy tính để chỉ cơ chế bảo vệ bằng cách cô lập các chương trình đang chạy nhằm bảo vệ an toàn cho toàn bộ hệ thống khỏi bị ảnh hưởng trong trường hợp có chương trình nào bị lỗi hay bị nhiễm virus máy tính.

(2) https://nld.com.vn/kinh-te/pho-thu-tuong-yeu-cau-khong-kiem-tra-phuong-tien-cho-hang-hoa-tai-chot-kiem-soat-dich-20210729170718592.htm

(3) https://nld.com.vn/thoi-su/bo-truong-nguyen-van-the-yeu-cau-tp-can-tho-dung-ngay-viec-lam-kho-van-tai-hang-hoa-20210825180209832.htm

(4) https://thesaigontimes.vn/chuoi-cung-ung-bac-nam-lai-tac-vi-roi-tung-quy-dinh-cua-tung-dia-phuong

2 BÌNH LUẬN

  1. Sandbox như diễn giải tui thấy có những điểm rất tương đồng với các trung tâm logistics, như vậy thay vì cải tiến nhỏ giọt thì đẩy mạnh đầu tư công vào xây dựng các trung tâm logistics dựa trên quy hoạch giao thông, vùng kinh tế, quy hoạch đô thị và chiến lược biển. Các trung tâm logistics đóng vai trò lưu chuyển hàng hóa và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế vì vậy phân bố tổ chức tốt các trung tâm này sẽ giải quyết tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh.
    Ách tắc vận chuyển sẽ trở nên đơn giản khi chúng ta thống nhất về mặt nhận thức là đối với quốc lộ một khi có chỉ đạo của Thủ tướng thì không địa phương nào được phép chốt chặn phương tiện luồng xanh mà chỉ cần kiểm soát tại địa điểm xuất phát, điểm đến và nơi cuối cùng quay về.
    Để đảm bảo hàng hóa luồng xanh thông suốt thì địa phương phải tổ chức được lực lượng phương tiện kết nối như là thu mua trung chuyển tới các điểm tập kết (trung tâm logistics) đồng nghĩa là chúng ta có phân cấp phân quyền phân công và tập trung rất rõ ràng, nhịp nhàng, không thể nào có tính trạng chốt chặn nhiều nơi rất phiền phức dẫn tới hàng hóa ùn ứ.
    Thật ra đây là nghiệp vụ logistics và đề vận hành trơn tru thì phân công có sự phối hợp và đáp ứng tất cả các yêu cầu phòng chống dịch, phân bổ vaccine cho các bên liên quan. Luồng xanh và các trung tâm logistics thì bộ quản lý, các hoạt động thu mua trung chuyển tập kết của địa phương nào địa phương đó quản lý sẽ rất là ổn. Tóm lại ngay bây giờ cần định vị các trung tâm logistics để xúc tiến đầu tư thích hợp hiệu quả từng bước và thích ứng trong dài hạn.

  2. Các doanh nghiệp vận tải đang rất chật vật trong những ngày giãn cách xã hội này. Đối với các xe chở hàng phục vụ các nhà máy sản xuất thường phải đi qua các tỉnh khác, không chỉ đi trong nội tỉnh. Dù đã được đăng ký mã luồng xanh có đầy thủ thông tin tài xế, GPLX, CMND, thông tin chủ xe, hạn đăng kiểm, giấy test covid, tuyến đường… nhưng vẫn còn bất cập trong việc một số tỉnh đòi phải có giấy đi đường, trong khi tài xế đã phải thực hiện ăn ngủ, sinh hoạt tại bãi xe và chỉ ra đường khi đi giao hàng.

    Việc phát sinh ra thêm nhiều giấy phép con khác nhau và yêu cầu hồ sơ phải có bản gốc trong khi giám đốc các doanh nghiệp trong khu vực phong tỏa thì không thể giao hồ sơ được. Các bất cập xoay quanh việc cấp thêm giấy phép con cho ngành vận tải như đang “thắt nút” doanh nghiệp, trong khi đó doanh nghiệp đang chịu rất nhiều chi phí như khẩu trang, nước khử khuẩn, áo bảo hộ, test covid, tiền cơm, phụ cấp cho tài xế.

    Việc các xe vận chuyển hàng (không phải hàng cấm), còn bị chặn lại và bắt quay đầu vì các loại giấy phép con điển hình như giấy đi đường ảnh hưởng đến hợp đồng giữa các doanh nghiệp vận tải và nhà máy, dẫn đến “bóp chết” các doanh nghiệp vận tải khi có nhiều xe vẫn còn phải nằm không khi sản lượng hàng của nhà máy phải giảm đi.

    Mã QR luồng xanh đang làm đúng chức năng hỗ trợ thông tin các cơ quan để kiểm tra lộ trình, thông tin tài xế và chủ xe. Do đó, không nên phát sinh thêm nhiều giấy phép con ngoài luồng khi tài xế luôn phải mang theo giấy xét nghiệm covid-19 có thời hạn 3 ngày/lần và mã QR luôn được dán trên xe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới