Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nghĩ từ Hội sách TPHCM

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghĩ từ Hội sách TPHCM

Công Thắng

Hơn 150 đơn vị kinh doanh và xuất bản sách trong và ngoài nước tham gia hội sách lần thứ 6, khai mạc ngày 15-3-2010. Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG) - Mười ngày trước khi diễn ra Hội sách TPHCM lần thứ sáu (15-3), cơ quan chức năng đã khởi tố vụ Công ty cổ phần In Hoa Mai in lậu sách ngoại ngữ quy mô lớn tại TPHCM. Và mấy ngày gần đây, báo chí đã nêu lên trường hợp cuốn sách của một ca sĩ trẻ có nội dung bị dư luận cho là khiêu dâm (do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép xuất bản) và việc họp báo ra mắt và phát hành sách có vi phạm luật.

Nhắc lại các sự kiện này để thấy rằng cho đến nay lĩnh vực xuất bản sách vẫn còn nhiều phức tạp, vàng thau lẫn lộn; việc làm sách ngay ngắn, tử tế trong bối cảnh đó luôn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhưng điều đáng mừng là có nhiều nhà xuất bản hoặc đơn vị liên kết xuất bản đã nỗ lực chèo chống để trụ được, sống được, và đóng góp vào đời sống tinh thần của xã hội.

Cho nên khi các tác giả, nhà xuất bản, phát hành sách cùng họp mặt, cung cấp những “món ăn tinh thần” của mình với đông đảo độc giả như trong những ngày diễn ra Hội sách TPHCM thì đó quả là một ngày hội vui, đậm ý nghĩa - cả về mặt văn hóa lẫn kinh doanh.

Ngay chuyện Hội sách TPHCM đều đặn hai năm tổ chức một lần và nay đã là lần thứ sáu hội sách được tổ chức cũng là một thành quả đáng trân trọng. Từ Hội trường Thành ủy ra đến Công viên Lê Văn Tám, từ con số 60 đơn vị tham gia trong lần thứ nhất đến hơn 150 đơn vị trong và ngoài nước có mặt lần này, Hội sách TPHCM ngày càng phát triển về quy mô, chất lượng và tính chuyên nghiệp, xứng đáng là một hội sách lớn nhất cả nước hiện nay.

Liệu có hoạt động nào có thể thu hút hàng mấy trăm ngàn lượt người, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi giới đến với sách - cũng là tìm đến kho tàng kiến thức, nguồn dinh dưỡng tâm hồn - như trong hội sách? Có thể điều này chưa hẳn đã xóa được cái nhận định bi quan về sự phai nhạt của văn hóa đọc (sách) nhưng ít ra khi thấy các gian hàng sách ngập tràn những độc giả trẻ tuổi chăm chú chọn sách, những ai quan tâm đến đời sống tinh thần xã hội cũng ấm lòng phần nào.

***

Dự hội sách, nhiều đơn vị đã mang đến hàng loạt sản phẩm mới để trình làng. Có những đơn vị chuẩn bị khá kỹ với hai, ba chục tựa sách mới được giới thiệu. Thật khó liệt kê hết những tựa sách mới có mặt trên kệ sách của các gian hàng ở hội sách lần này.

Có thể điểm qua một số tác phẩm đáng chú ý ở các thể loại: bộ sách Kho tàng sử thi Tây Nguyên (62 tập) của Viện Khoa học xã hội và Viện Văn hóa, Biểu tượng thất truyền của Dan Brown (Công ty IPM); Đảo mộng mơ (Công ty Đông A); và hai tập mới nhất của bộ sách Kính vạn hoa (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Nhật Ánh; Cuốn sách và tôi của Vương Hồng Sển, Nhà tự nhiên kinh tế của Robert H. Frank, Bí thư tỉnh ủy (viết về “ông khoán hộ” Kim Ngọc) của Văn Thảo; truyện tranh Chạng vạng của Young Kim vẽ phóng tác (NXB Trẻ); Gánh đàn bà của Dạ Ngân, Onkel yêu dấu của Trần Thùy Mai, Đi ngang đường của Nguyễn Trung Dân, Những bài học chiến tranh của John Merson, Ở ngưỡng cửa cuộc đời của Lý Lan, Từ từ rồi tính - di cảo của Xuân Sách (Công ty Phương Nam); Ký ức - Tàu không số (Đường Hồ Chí Minh trên biển) của Mã Thiện Đồng, Doanh nhân và văn hóa kinh doanh của Nguyễn Quang Vinh và Trần Hữu Quang (NXB Tổng hợp TPHCM), Sự hình thành tinh thần khoa học của Gaston Bachelard, Giải Nobel kinh tế của Jean Édouard Colliard và Emmeline Travers (NXB Tri Thức)…

Một “thực đơn” khá đa dạng, phong phú cho người đọc mặc sức chọn lựa.Cũng như các lần trước, ở hội sách lần này đã diễn ra những cuộc nói chuyện, hội thảo về sách và văn hóa đọc nói chung. Các hoạt động có tính chất tiếp thị, quảng bá cho sách như tác giả ký tặng sách, giao lưu với độc giả được chú trọng hơn. Và khuyến mãi không chỉ có hình thức tặng quà, giảm giá, cà phê miễn phí… mà còn là một chuyến du lịch như ở NXB Tổng hợp TPHCM hoặc cả bằng vàng như ở NXB Trẻ; các “sáng kiến” này cho thấy sự năng động của những người làm sách trong một thị trường không ít cạnh tranh.

Có điều, như Ban tổ chức đã xác định trong cuộc họp báo trước ngày khai mạc, Hội sách TPHCM thiên về khía cạnh “hội” nhiều hơn là “chợ” (“hội sách” chứ không phải “hội chợ sách”) và nhấn mạnh đến tác dụng văn hóa - xã hội của sự kiện này. Nhưng dù sao hoạt động mua bán sách vẫn là một nội dung chính của hội sách và do vậy, các cuộc thương thảo, mua bán tác quyền, ký kết các hợp đồng hợp tác xuất bản, phát hành sách vẫn cần được đầu tư xúc tiến mạnh hơn, nhiều hơn nữa.

Việc này quả thật không dễ khi nạn ăn cắp bản quyền, in lậu vẫn còn hoành hành và các đơn vị làm sách thường không có nguồn lực mạnh như ở các ngành khác. Tuy nhiên, nếu không làm vậy thì hiệu quả của hội sách sẽ bị giới hạn và thị trường sách nước ta khó phát triển sâu rộng theo hướng lành mạnh và hội nhập hơn nữa với thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới