(KTSG Online) - Các hãng xe lớn trên thế giới đang nỗ lực giảm dấu ấn carbon bằng cách xây dựng một quy trình sản xuất thân thiện với môi trường hơn. Đó là lý do dẫn đến cuộc chạy đua tìm kiếm các sản phẩm thép “xanh” để lắp ráp ô tô. Cách tiếp cận của họ rất đa dạng từ việc sử dụng thép tái chế nhiều hơn cho đến mua thép từ những nhà máy thép vận hành bằng nhiên liệu sạch hydrogen, thay vì các nhà máy vận hành bằng than truyền thống.
Làm sạch quy trình sản xuất bằng thép “xanh”
Ngành công nghiệp thép là một trong những “thủ phạm” phát thải khí CO2 (carbon dioxide) lớn nhất thế giới và công nghiệp ô tô là một trong những ngành sử dụng thép nhiều nhất.
Trong những thập kỷ qua, các quy định siết chặt trên thế giới đã nâng cao đáng kể tính hiệu quả của việc sử dụng nhiên liệu thân thiện hơn trong xe cộ.
Các hãng xe giờ đây cải tiến động cơ đốt trong để giúp đốt nhiên liệu sạch hơn và chuyển sang sử dụng nhôm, sợi carbon composite và nhựa để giảm trọng lượng xe, giúp tiết kiệm nhiên liệu. Trong những năm gần đây, hãng xe Tesla (Mỹ) tiên phong dẫn dắt ngành công nghiệp xe hơi hướng tới xe điện.
Tất cả những diễn biến này giúp giảm lượng khí thải nhà kính khi xe chạy. Giờ đây, sức ép đối với ngành công nghiệp ô tô là làm sạch quy trình sản xuất những chiếc xe đó ngay từ đầu
Các nhà sản xuất đang tìm những giải pháp sản xuất thép sạch với sự tham gia của các hãng xe, vốn đang chịu sức ép lớn từ các cơ quan quản lý, giới đầu tư và các khách hàng có ý thức bảo vệ môi trường
Giới phân tích cho biết các hãng xe và công ty thép châu Âu đang hành động nhanh hơn để phát triển “thép carbon thấp”. Chương trình hành động khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), có tên gọi Thỏa thuận xanh, yêu cầu các nhà sản xuất trong khu vực, bao gồm chuỗi cung ứng của họ, phải đưa phát thải carbon về mức zero ròng vào năm 2050.
Hồi đầu tháng này, hãng xe Mercedes-Benz (Đức) đã ký thỏa thuận hợp tác với hãng thép SSAB (Thụy Điển) để sản xuất thép “xanh” cho hãng xe này bắt đầu từ năm sau.
Năm ngoái, một liên doanh giữa SSAB với hãng năng lượng Vattenfall và Tập đoàn khai khoáng LKAB bắt đầu sản xuất thử nghiệm thép “xanh” bằng công nghệ Hybrit, sử dụng 100% nhiên liệu sạch hydron, thay vì than cốc truyền thống.
Thỏa thuận trên là một phần trong nỗ lực của Mercedes-Benz nhằm đạt mục tiêu tất cả xe của hãng này đều được sản xuất theo quy trình trung hòa carbon, tức không phát thải carbon ròng vào khí quyển.
Volvo Cars (Thụy Điển) là hãng xe đầu tiên mua thép “xanh” của SSAB hồi năm ngoái. Trong khi đó, hồi tháng 3, hãng xe BMW, một công ty con khác của Dailmer, rót tiền đầu tư vào Boston Metal, một startup ở Mỹ đang phát triển một quy trình nung quặng sắt bằng cách sử dụng điện, thay vì đốt than.
Các hãng xe lớn khác cũng đang nỗ lực giảm khí thải carbon trong quy trình sản xuất. General Motors (Mỹ) cam kết mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2040. Trong khi đó, Toyota nhắm đến mục tiêu đó vào năm 2050 và giảm 33% lượng phát thải khí carbon ở chuỗi cung ứng tại châu Âu vào năm 2030.
Nỗ lực này, vốn được các lãnh đạo hãng xe xem là mục tiêu dài hạn, đang đối mặt với nhiều rào cản lớn. Phải mất nhiều năm để các công ty thép chuyển đổi sang thép carbon thấp vì một chu kỳ đầu tư thường kéo dài.
Chi phí sản xuất đắt đỏ
Hồi tháng 10-2020, Cơ quan Năng lượng quốc tế dự báo thép được sản xuất dựa vào hydrogen sẽ chiếm chưa đến 15% công suất thép sơ cấp trên toàn cầu vào năm 2020.
Chi phí sản xuất carbon thấp tốn kém hơn. SSAB cho biết chi phí sản xuất thép sạch của công ty này cao hơn 20-30% so với thép truyền thống.
Hãng thép đa quốc gia ArcelorMittal (Luxembourg), nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc, cho biết việc sản xuất thép bằng cách sử dụng nhiên liệu hydrogen tại một nhà máy ở Đức khiến chi phí tăng 60%.
Các hãng xe cũng đối mặt với mức giá đắt đỏ của thép truyền thống và các vật liệu thô khác trong bối cảnh chuỗi cung ứng đứt gãy và nguồn cung thiếu hụt do nhu cầu mua xe tăng mạnh sau khi phương Tây chấm dứt các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19.
Dù các hãng xe đang giảm phụ thuộc vào thép, kim loại này vẫn chiếm đến 54% trọng lượng xe, theo Viện Sắt thép Mỹ. Một chiếc xe thể thao đa dụng (SUV) chứa khoảng 1,36 tấn thép, được sử dụng để làm các bộ phận như cửa xe, khung xe và dầm xe.
Ngành công nghiệp ô tô tiêu thụ khoảng 12% sản lượng thép toàn cầu, theo Hiệp hội Thép thế giới (WSA). Giới nhà phân tích ước tính sản xuất thép chiếm khoảng 7% lượng phát thải carbon toàn cầu. Tại EU, các nhà sản xuất thép phát thải 25% trong tổng lượng phát thải carbon từ hoạt động sản xuất công nghiệp của khu vực này, theo H2 Green Steel, một startup đang phát triển công nghệ sản xuất thép carbon thấp tại Thụy Điển.
Daimler đang nỗ lực giảm phát thải carbon từ thép mà tập đoàn này sử dụng để lắp ráp xe bằng cách mua thép tái chế từ một nhà cung cấp có các lò luyện cao phát thải carbon ít hơn 70% so với các lò cao truyền thống. Sản xuất thép tái chế không đòi hỏi quy trình nung chảy quặng sắt, vốn tiêu thụ rất nhiều nhiên liệu hóa thạch.
Hiệp hội Thép thế giới thế giới (WAS) cho biết khoảng 25% lượng thép từ xe ngày nay là thép tái chế.
Hồi tháng 5, Mercedes-Benz đã mua cổ phần của H2 Green Steel, công ty đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất thép dựa vào nhiên liệu hydrogen để cung cấp thép sạch cho ngành công nghiệp ô tô.
Sử dụng hydrogen, thay vì than, cho quá trình luyện thép có thể giảm lượng phát thải carbon nhưng với điều kiện hydrogen cũng được sản xuất bằng quy trình không phát thải carbon. H2 Green Steel dự định sử dụng nguồn điện từ thủy điện để sản xuất hydrogen giúp vận hành một nhà máy thép có công suất 5 triệu tấn mỗi năm, đủ để sản xuất 3 triệu ô tô. Công ty cho biết quy trình sản xuất dựa vào hydrogen chỉ phải phát 0,1 tấn carbon cho mỗi tấn thép, thay vì 2 tấn ở các nhà máy thép truyền thống. Mercedes-Benz cho biết sẽ sản xuất những chiếc xe đầu tiên bằng thép sạch của H2 Green Steel vào năm 2025.
Theo WSJ