Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đóng góp tài chính tái chế bao bì: ‘không bắt buộc nên không phải là nguồn thu thuế, phí’

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Liên quan đến việc đóng góp tài chính tái chế sản phẩm, bao bì trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng đây không phải là khoản đóng góp bắt buộc nên không thể được coi là một nguồn thu thuế, phí.

Sản xuất hạt nhựa PP từ rác thải tại một cơ sở tái chế. Ảnh: Ban Mai

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có thông tin báo chí về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, sau khi báo chí phản ánh một số bất cập trong dự thảo nghị định này.

Theo đó, về đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế (tái chế sản phẩm, bao bì- PV), Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, đây là nội dung được quy định tại điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020, không phải là khoản thuế, phí hay lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí.

Điều 54 của Luật này quy định: tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc; trường hợp không tự tổ chức tái chế, thì nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Như vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, về bản chất đây là quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong trường hợp không trực tiếp thực hiện tái chế, “không phải là khoản đóng góp bắt buộc, do đó, không thể được coi là một nguồn thu thuế, phí”.

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, việc đóng khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các hoạt động tái chế liên quan đến các sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu.

“Để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng khoản tiền này, dự thảo Nghị định quy định nhà sản xuất, nhập khẩu tham gia Hội đồng EPR quốc gia (Hội đồng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu quốc gia- PV) để quyết định và giám sát việc sử dụng khoản tiền này hiệu quả, đúng mục đích.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng nhiều nước trên thế giới đã triển khai cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và đều không coi đóng góp tài chính này là nguồn thu ngân sách nhà nước như thuế, phí. “Đối với khoản đóng góp này, cơ quan nhà nước chỉ thực hiện giám sát và kiểm tra việc sử dụng để đảm bảo đúng mục đích là hỗ trợ cho hoạt động tái chế”, Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Còn ở Việt Nam, đã có nhiều quy định tương tự trong việc áp dụng khoản đóng góp tài chính vào các quỹ giống như trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. “Ví dụ, như Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (nay là Luật Lâm nghiệp), Quỹ Phòng chống thiên tai theo Luật Phòng, chống thiên tai, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và nhiều loại quỹ khác”, Bộ Tài Nguyên và Môi trường dẫn chứng.

Trước đó, như KTSG Online đã thông tin, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng đã lên tiếng thể hiện quan ngại về khoản đóng góp tái chế sản phẩm, bao bì là bất hợp lý và thiếu minh bạch.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, với cách gọi “đóng góp”, không gọi là “phí” trong dự thảo khiến cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội quan ngại rằng khoản tiền lớn này sẽ nằm ngoài ngân sách nhà nước và có thể sẽ không chịu các quản lý theo Luật Phí và lệ phí, mà do Văn phòng EPR (Văn phòng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu Việt Nam- PV) tự quyết định.

Ông Nam cho rằng, khi Văn phòng EPR thu tiền để tái chế (tái chế sản phẩm, bao bì) thay cho doanh nghiệp thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm về việc tái chế đó. Thế nhưng, dự thảo không có bất kỳ quy định nào về việc nếu không hoàn thành trách nhiệm thì Văn phòng EPR có chịu trách nhiệm trước pháp luật không.

“Vì vậy, với quy định này, các hiệp hội quan ngại rằng, doanh nghiệp phải nộp thêm khoản tiền này, nhưng điều gì và cơ sở nào đảm bảo rằng môi trường sẽ đảm bảo hơn, sạch hơn?”, ông Nam nêu câu hỏi.

Ông Nam cũng cho rằng việc doanh nghiệp nộp tiền để EPR làm thay việc tái chế, nhưng văn phòng EPR tự quản lý quỹ, quyết định thu chi mà không có quy định giám sát quản lý, thì giống như việc “hùn vốn” cho một công ty gia đình mà cả tổng giám đốc, kế toán trưởng và thủ quỹ đều là người của gia đình đó cử ra. “Trong đời sống, dám “hùn vốn” như thế chỉ có người chơi hụi (nhà nước cấm), vậy tại sao dự thảo lại yêu cầu hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải làm?”, ông nêu vấn đề và cho rằng công thức tính phí cũng chưa rõ ràng.

Liên quan đến khoản “đóng góp” như nêu trên, ông Mikinao Tanaka, Giám đốc Văn phòng Tổng giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam trong văn bản góp ý về dự thảo nêu trên đã chỉ ra điều bất cập, đó là nếu gọi “đóng góp”, thì phải là khoản tiền tự nguyện dựa trên “khả năng, nguyện vọng, mong muốn” của doanh nghiệp, tuy nhiên, ở đây lại là khoản tiền doanh nghiệp bắt buộc phải đóng.

“Về bản chất đây là một loại phí tương tự như phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường, khai thác khoáng sản được đề cập trong luật”, ông Mikinao Tanaka cho biết.

Chính vì vậy, ông Mikinao Tanaka kiến nghị, điều chỉnh thành “đóng phí tái chế, đóng phí xử lý chất thải” và phí này phải chịu sự điều chỉnh của luật quản lý phí và lệ phí để việc thu, chi được công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.

Phó chủ tịch EuroCham, Jean-Jacques Bouflet trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về góp ý cho dự thảo này cũng cho rằng tên gọi “đóng góp” là không phù hợp, mà phải gọi đúng tên là “phí bảo vệ môi trường” cho phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020, để mức thu và cơ chế quản lý thu chi được quản lý theo Luật Phí và lệ phí, đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch.

Chính vì vậy, Phó chủ tịch EuroCham khuyến nghị, cần thiết phải gọi đúng tên là “phí bảo vệ môi trường” để tuân thủ đúng luật quản lý phí và lệ phí, việc thu chi được giám sát minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Ông Nam của VASEP đề nghị lùi lộ trình nộp phí tái chế đến ngày 1-1-2025, bởi nếu Nghị định áp dụng vào ngày 1-1-2022 thì doanh nghiệp sớm phải chịu thêm chi phí trong khi vẫn đang rất khó khăn do chống dịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới