Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất phù hợp, đúng cam kết

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tăng hạn mức tín dụng có thể cho các ngân hàng và điều chỉnh lãi suất phù hợp, theo đúng cam kết.

Tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 diễn ra sáng 26-9, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) – kiến nghị Chính phủ tiếp tục đưa ra những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho các đối tượng gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động tự do gặp khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài.

Lý giải điều này, ông Vinh cho biết có 87,7% doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, theo khảo sát nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu trung bình cao hơn so với những doanh nghiệp quy mô lớn. Còn tỷ lệ lao động thuộc nhóm doanh nghiệp này phải nghỉ việc chiếm khoảng 40% lực lượng lao động.

Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh minh hoạ: Đ.K.

Ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam – kiến nghị NHNN xem xét việc giãn nợ đồng loạt từ 6 tới 9 tháng và không để xuống nhóm nợ với tất cả doanh nghiệp, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như y tế, thực phẩm, sắt thép.

Cũng theo ông Hồng Anh, Thông tư số 14/2021 của NHNN với quy định về điều kiện giãn nợ trong vòng 12 tháng là rất kịp thời, nhưng yêu cầu phải chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi Covid-19 và được ngân hàng đánh giá là ‘có khả năng trả nợ sau thời gian giãn nợ’ đang làm khó doanh nghiệp.

Tương tự, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết đa phần các doanh nghiệp, hợp tác xã kiến nghị ngành ngân hàng áp dụng các chính sách gồm: cho phép được giãn nợ; cơ cấu thời hạn trả nợ; miễn giảm phí; không phạt trả chậm tín dụng; giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu.

Ngoài ra, VCCI kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần xem xét ban hành các gói vay lãi suất 0% hoặc rất thấp trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế.

Bên cạnh đó, xem xét mở rộng diện vay tín chấp với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm do đây là khó khăn chính về mặt thủ tục của các cơ sở kinh doanh khi tiếp cận tín dụng.

Phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng - cho biết NHNN sẽ tăng hạn mức tín dụng có thể cho các ngân hàng điều chỉnh lãi suất phù hợp và theo đúng cam kết. Ngoài ra, cơ quan này sẽ tập trung cho vay với các hợp tác xã, nhưng cần nâng cao hiệu quả hoạt động của đối tượng này.

Với cho vay ngoại tệ, NHNN sẽ có một số chính sách giúp giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể, cơ quan này đã hướng dẫn tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Bên cạnh đó, bỏ quy định về giới hạn thời gian cho vay với các khoản vay ngắn hạn của khách hàng có đủ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay, qua đó đáp ứng nhu cầu vay vốn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam.

Nhưng bà Hồng vẫn khuyến khích các doanh nghiệp vay bằng tiền đồng Việt Nam để bảo đảm an toàn hệ thống.

Về hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch bởi Covid-19, NHNN cho biết đã thực hiện điều chỉnh giám lãi suất 3 lần với tổng mức giảm 1,5-2% mỗi năm với lãi suất điều hành, 0,6-1% với trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, 1,5% với trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Ngoài ra, 16 ngân hàng - chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế - đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỉ đồng từ 15-7-2021 đến hết năm 2021. Riêng 4 ngân ngàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất cho vay và các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Kết quả, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỉ đồng tính tới 31-8. Đồng thời, cho vay mới có lãi suất thấp hơn giai đoạn trước dịch với 628.662 khách hàng với doanh số đạt 4,46 triệu tỉ đồng trong giai đoạn từ 23-1-2020 tới nay.

Các TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỉ đồng trong giai đoạn từ 23-2-2020 tới 31-8-2021. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế là 8.865 tỉ đồng, đạt 43,01% so với cam kết trong giai đoạn từ 15-7-2021 đến 31-8-2021.

Về việc cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỉ đồng tính tới ngày 31-8-2021. Còn lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23-1-2020 là khoảng 520.000 tỉ đồng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Quy về tài chính, có 3 loại doanh nghiệp 1. Có dòng tiền và thu nhập, 2. Suy giảm dòng tiền và thu nhập, 3. Mất dòng tiền và thu nhập. Giãn nợ thì cứu được loại 2 và 3. Cho vay ưu đãi thì giúp được loại 2. Giảm lãi suất đồng loạt thì có lợi cho cả 3 loại. Anh nào sống được thì nên khuyến khích, anh nào yếu một phần thì nên hỗ trợ, anh nào yếu quá thì phải tính toán cụ thể từng trường hợp để quyết định stop/ going. Phương án đề xuất phải trúng đích thì mới gỡ rối được tình hình, nếu chung chung thì mọi thứ đều dẫn đến kém hiệu quả. Từ đó thiết kế các gói hỗ trợ sao cho phù hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới