Chủ Nhật, 23/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá kit xét nghiệm nhanh, thứ cần thì lại không quản lý!

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá kit xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 quá đắt, cao hơn nhiều so với giá tại nhiều nước là chuyện không mới.

Từ đầu đại dịch Covid-19 đến nay, nhiều người vẫn thắc mắc tại sao người thân ở Mỹ, châu Âu chỉ phải mua kit với giá chừng 2-2,5 đô la Mỹ, tức chưa đến 60.000 đồng/bộ, mà giá ở Việt Nam lại cao hơn từ 2-3 lần.

Tuy nhiên, hai ngày nay, chuyện này lại “dậy sóng” bởi một doanh nhân đã thẳng thắn đặt vấn đề trong hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, qua tìm hiểu, vị doanh nhân này thấy có những nơi bán bộ kit xét nghiệm nhanh chỉ  khoảng 1,5 đô la Mỹ. Thậm chí, nếu Chính phủ cử bộ phận liên hệ trực tiếp các đơn vị ở nước ngoài, với số ượng mua lên đến 100 triệu kit test thì giá bán sẽ còn khoảng 1 đô la.

Nếu vận chuyển đến Việt Nam thì giá cũng sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức giá mà người dân, doanh nghiệp và cơ quan y tế đang mua.

Như vậy, số tiền tiết kiệm được sẽ chẳng phải là vài trăm tỉ mà có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng vì tổng số xét nghiệm nhanh mà cả nước đã thực hiện là cực kỳ lớn.

Chỉ tính riêng tại TPHCM, theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong đợt bùng dịch lần thứ tư (từ ngày 27-4 đến ngày 16-9-2021), số xét nghiệm nhanh kháng nguyên là hơn 9,5 triệu test.

Đây chỉ là số test được cập nhật bởi cơ quan y tế, thực tế còn một lượng lớn kit test khác do người dân, doanh nghiệp mua để tự xét nghiệm.

“Chi phí xét nghiệm là một trong những lý do chính khiến tôi chưa tính chuyện mở lại hoàn toàn sau ngày 1-10 tới”, người đứng đầu một công ty sản xuất bánh kẹo nói với người viết.

Công ty này có vài trăm công nhân, gần một nửa trong số này đang làm việc theo mô hình “ba tại chỗ” nên mỗi tuần phải xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2. Số tiền mà công ty phải chi thêm để mua kit xét nghiệm là từ 500.000 - 600.000 đồng/người/tháng.

“Nếu toàn bộ nhân viên đi làm lại thì cứ mỗi tháng công ty phải chi thêm vài trăm triệu đồng cho việc xét nghiệm. Đây là con số lớn nên tôi phải suy nghĩ rất kỹ”, ông nói.

Chi phí này với doanh nghiệp có nhiều nhân viên và kinh doanh mảng phải tiếp xúc trực tiếp sẽ còn lớn hơn nhiều lần.

Mới đây, người đứng đầu một tập đoàn kinh doanh siêu thị, cửa hàng tiện lợi... có gần 5.000 nhân viên tại TPHCM cho biết, để đáp ứng quy định xét nghiệm 3 ngày/lần, một số đơn vị trong tập đoàn phải chi thêm từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng/người lao động. Chi phí này càng làm tăng áp lực lên tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp vốn đã rất cao trong bối cảnh vừa kinh doanh vừa phòng chống dịch.

Trả lời báo chí về ý kiến cho rằng giá kit xét nghiệm nhanh Covid-19 ở Việt Nam cao hơn nhiều so với giá gốc, một lãnh đạo Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế thuộc Bộ Y tế cho biết, theo quy định, giá kit test nhanh là do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Các địa phương tự triển khai đấu thầu mua sắm. Do chưa có quy định nên Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này.

Có thể nói, đây là kẽ hở lớn trong việc kiểm soát chi phí chống dịch. Đáng lẽ, cùng với việc liên tục ban hành các văn bản về tăng cường xét nghiệm trên diện rộng, cơ quan y tế phải tính đến việc kiểm soát giá, bình ổn thị trường để tiết kiệm chi phí.

Nếu một sản phẩm có thể mua chỉ là 1 đồng mà để cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải chi gấp đôi, gấp ba là bất hợp lý và lãng phí, đặc biệt là trong bối cảnh túi tiền của Nhà nước cùng người dân đang cạn đi vì dịch kéo dài.

Để có những bộ kit giá tốt, cơ quan y tế có thể thay mặt Nhà nước đàm phán mua như mua vaccine ngừa Covid-19, đấu thầu tập trung với quy mô lớn để chọn giá tốt hoặc mở rộng cửa cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường.

Trong thời gian tới, khi hoạt động kinh tế được nối lại, nhu cầu sử dụng kit xét nghiệm nhanh tại doanh nghiệp là rất lớn. Nếu Bộ Y tế cho phép những nơi có nhu cầu sử dụng kit được tự nhập khẩu thì chắc chắc mỗi công ty sẽ tìm được nguồn cung cấp có giá tốt.

Thiết nghĩ, Chính phủ, Bộ Y tế đã nhiều lần thông báo về việc khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp thậm chí cá nhân có năng lực nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 thì cũng nên có khuyến khích tương tự với mặt hàng này.

Khi đó, những nơi cần sử dụng có thể tự tìm nguồn cung giá tốt để mua về dùng hoặc bán. Cơ quan quản lý y tế chỉ cần đưa ra các quy định về chất lượng cùng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhập hàng nhanh là hỗ trợ được người dân và doanh nghiệp trong đại dịch.

7 BÌNH LUẬN

  1. Báo đăng cứ như cổ vũ cho nhà nước quản lý giá, quản lý của nhà nước là chiếc đũa thần, chỉ cần đưa test kit vào quản lý là giá giảm chăng? Nói như đùa, trong khi căn nguyên tại sao giá kit cao quá, nhà tôi mua 110.000 đồng thì không thấy nói, nếu mà chỉ cần nhà nước thò tay vào là giá giảm thì chắc thò tay vào hết và giá cả Việt Nam tốt chẳng còn gì để nói.

    • Trả lời tới Dược phẩm: Chắc bạn chưa đọc kỹ, rõ ràng bài báo nói khác. Tôi ủng hộ cách đấu thầu, mở rộng cho nhiều doanh nghiệp nhập khẩu test… Giá test ở nước ngoài rất rẻ, về Việt Nam lại quá đắt thì cơ quan quản lý phải xem lại đó là chuyện cần làm.

  2. Đấu thầu mà doanh nghiệp chúng tôi bỏ giá cao thì bệnh viện, trung tâm y tế cũng chịu chứ làm gì, nó không phải là mặt hàng chỉ sử dụng trong bệnh viện không đâu, vậy còn trên thị trường không phải bệnh viện thì sao? Ai làm gì để giúp giảm giá?
    Cho nhiều doanh nghiệp dược nhập ư, ai cấm, hiện nay chúng tôi đủ điều kiện thì nhập, chứ có ai cấm. Cả cái đấu thầu hay cho nhập nhiều nó cũng chỉ là hình thức, căn nguyên nó không nằm chỗ này nhé bạn.

  3. Không phải Kit nào cũng được nhập đâu, chỉ những loại Kit được Bộ y tế duyệt mới được nhập, mà để được “duyệt” thì không phải dễ và đâu phải ai cũng làm được. Khi cung thấp mà cầu cao thì giá phải tăng thôi.

  4. Tôi nghĩ đã đến lúc Bộ y tế phải quản lý giá kit test Covid nhằm đờ lãng phí tiên bạc của Nhà nước, Doanh nghiệp và Nhân dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới