Thứ Tư, 1/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Hải quy” tác động lớn đến quyết sách của Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Hải quy” tác động lớn đến quyết sách của Trung Quốc

Phúc Minh

“Hải quy” tác động ngày càng lớn đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Cách đây 30 năm, chính phủ Trung Quốc nới lỏng việc hạn chế ra nước ngoài đã khuyến khích nhiều sinh viên đi du học. Ba mươi năm sau, các du học sinh trở về nước, được gọi là “hải quy”, đang phát huy sức ảnh hưởng ngày càng quan trọng đến các quyết sách chính trị và kinh tế của Trung Quốc.

Vai trò của hải quy trong 100 năm qua

Từ khi du học sinh Trung Quốc đầu tiên, Dung Hoành, trở về nước cách đây 150 năm, mang theo bằng tốt nghiệp Đại học Yale (Mỹ) và nhiệt tình đổi mới giáo dục quốc gia, từng đợt hải quy này đến đợt hải quy khác, trong những bối cảnh khác nhau, thời điểm và cách thức khác nhau đã tham gia và ảnh hưởng ngày càng lớn đến tiến trình chính trị và kinh tế của Trung Quốc.

Viện Brookings (Washington, Mỹ) ngày 6-3 đã tổ chức hội thảo về “hiện tượng hải quy”. Các học giả chỉ ra trong thời kỳ đầu của thế kỷ 20, tức từ cuối đời nhà Thanh cho đến thời Trung Hoa Dân Quốc, hải quy đóng vai trò “nhà cách mạng”. Vào giữa thế kỷ 20, hải quy là lực lượng quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Trung Quốc. Đến giai đoạn Trung Quốc cải cách và mở cửa, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nổi lên một đợt hải quy mới, là chất xúc tác của Trung Quốc để tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.

Thống kê chính thức của Trung Quốc cho thấy sau ba thập kỷ cải cách và mở cửa, số lượt du học sinh Trung Quốc ra nước ngoài học tập, sử dụng chi phí công cũng như tư, hơn 1,6 triệu lượt người, trong đó có khoảng 500.000 người đã quay trở về nước cống hiến.

Tác động ngày càng lớn đến quyết sách

Trong số hải quy hiện đại có Tôn Trung Sơn, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình, là những người trực tiếp tham gia vào “sự thay đổi ba trăm năm chưa từng có” của Trung Quốc. Chuyên viên nghiên cứu cấp cao của Viện Brookings đồng thời là chủ nhiệm bộ phận nghiên cứu của Trung tâm John Thornton Trung Quốc, Lý Thành cho biết hải quy đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc ra quyết sách của Trung Quốc.

Ông Lý Thành nói: “Ủy ban Trung ương của Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội) lần thứ 16 có 356 ủy viên, trong đó có 198 ủy viên chính thức và 158 ủy viên dự khuyết. Trong số ủy viên chính thức, có 9 người du học nước ngoài trở về, chiếm tỷ lệ 4,5%. Trong số ủy viên dự khuyết, số người du học nước ngoài về chiếm 8,2%. Cả Ủy ban Trung ương có 6,2% số người du học từ nước ngoài trở về. Tỷ lệ ủy viên du học nước ngoài trở về tăng lên 10,5% tại Đại hội 17. Dự kiến tại Đại hội 18, tỷ lệ này sẽ từ 15-17%”.

Tiến sĩ Lý Thành chỉ ra hàng ngũ nhân sự cấp cao trong Quốc vụ viện Trung Quốc gồm bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ cấp cao khác có tổng cộng 193 người, trong đó có 41 người từng du học nước ngoài trên 1 năm, chiếm tỷ lệ 21,2%. Trong số đó có Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Y tế Trần Trúc, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Chu Tiểu Xuyên, Chủ tịch Ủy ban giám sát ngân hàng Lưu Minh Khang.

Thúc đẩy quá trình hội nhập toàn cầu

Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa Trung Quốc, từng lấy bằng quản lý kinh doanh tại Canada và Anh, Phó hội trưởng Hội học sinh Âu – Mỹ, Vương Huy Diệu tại hội thảo đã giới thiệu những doanh nhân Trung Quốc từng du học nước ngoài trở về tham gia vào quá trình phát triển kinh tế và toàn cầu hóa của Trung Quốc.

Ông Vương Huy Diệu nói: “Chúng ta có thể thấy hiện nay, phần lớn các công ty kinh doanh mạng Internet của Trung Quốc như Baidu, Sohu, Sina… được thành lập hoặc kinh doanh bởi những hải quy. Ngoài ra, hải quy còn phát huy vai trò quan trọng trong quá trình niêm yết ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc. Khoảng 100 công ty niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) đều do hải quy sáng lập và kinh doanh. Ngoài ra, các quỹ đầu tư rủi ro ở Trung Quốc gần như đều do hải quy sáng lập”.

Tiến sĩ Lý Thành cho biết trong số 66 lãnh đạo cấp cao trở về từ nước ngoài của Trung Quốc, có 29 người lấy học vị tại Mỹ, chiếm gần một nửa. Ông nói số lượng du học sinh Trung Quốc đi Mỹ ngày càng tăng đưa ra những thách thức cho các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.

Ông Lý Thành nói: “Tôi nghĩ rằng chính phủ Mỹ và giới học thuật nên mở một cuộc đánh giá toàn diện về trao đổi giáo dục Mỹ – Trung trong 30 năm trở lại đây. Chúng tôi muốn tìm hiểu việc trao đổi giáo dục có giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau hay không. Đồng thời, chúng tôi cũng chú ý hơn đến cuộc tranh luận về vai trò của hải quy tại Trung Quốc”. Ông Lý Thành cũng đề nghị Chính phủ Mỹ và giới học thuật khuyến khích và giúp sinh viên Trung Quốc học tập tại Mỹ tiếp cận rộng rãi hơn với các tầng lớp xã hội Mỹ.

(theo VOA)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới