Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

JPMorgan đầu tư 12 tỉ đô la mỗi năm vào công nghệ để duy trì sức mạnh cạnh tranh

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt của các hãng đại công nghệ như Apple và PayPal, ngân hàng 222 tuổi đời JPMorgan Chase chi mỗi năm đến 12 tỉ đô la vào công nghệ.

Trong chiến lược ngân hàng thế hệ mới, JPMorgan sẽ dùng AI và công nghệ blockchain để tạo ra các nền tảng thanh toán an toàn và hữu hiệu. Ngân hàng cũng tính đến tương lai dài hơi với nền tảng cho phép các đồng tiền điện tử và các đồng tiền số do ngân hàng trung ương phát hành có thể cùng tồn tại hòa bình.

Trụ sở chính của JPMorgan Chase ở New York. Thành lập năm 1799 với tiền thân là Bank of Manhattan Corp, JPMorgan đang chuyển mình thành ngân hàng công nghệ mới. Ảnh: AFP

Trụ sở chính của JPMorgan Chase ở New York. Thành lập năm 1799 với tiền thân là Bank of Manhattan Corp, JPMorgan đang chuyển mình thành ngân hàng công nghệ mới. Ảnh: AFP

Châu Á - trọng tâm của chiến lược sáng tạo mới

Lori Beer là tổng giám đốc phụ trách truyền thông toàn cầu của tập đoàn (CIO). Bà cũng là người phụ trách truyền thông chính ở mảng khách hàng doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, CIO Lori Beer nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Á trong các dự án công nghệ của tập đoàn.

“Có quá nhiều sáng tạo công nghệ tại châu Á, đặc biệt là khi đề cập đến lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ khách hàng. Chúng tôi quan sát kỹ các xu hướng đang diễn ra khắp châu Á. Công nghệ số phát triển quá nhanh và vượt ra khuôn khổ thông thường, thậm chí trong các dịch vụ ngân hàng. Có nhiều chuyển biến trong hệ sinh thái công nghệ tài chính và trong các hãng công nghệ mới nổi. Chúng tôi quan sát, theo dõi và ghi nhận mọi diễn biến ở châu Á”, CIO Beer nói.

Đối với JP Morgan, châu Á là trung tâm phát triển công nghệ với đội ngũ kỹ sư đông nhất toàn cầu. Tập đoàn có ba văn phòng tại Ấn Độ, cũng như các căn cứ công nghệ ở Singapore và Hồng Kông.

“Khi nhìn vào châu Á, mọi người sẽ chú ý đến nguồn tài năng công nghệ tuyệt vời của châu lục. Sự tham gia của nữ giới vào nguồn lực này càng đáng chú ý. Nếu như Ấn Độ có mật độ kỹ sư tài năng lớn nhất thì Singapore cũng là cái nôi tài năng lớn, dù rằng đất nước này nhỏ hơn nhiều. Hồng Kông cũng vậy. Châu Á có tài năng ở mọi lĩnh vực, xây dựng nền tảng cho những công ty công nghệ mới”, bà đánh giá.

Sử dụng tốt nguồn nhân lực này có vai trò quan trọng bởi ngân hàng đang đối diện sự cạnh tranh từ mọi hướng. CEO Jamie Dimon của JPMorgan từng nhìn nhận “Tôi chờ đợi rằng cạnh tranh trong 10 năm tới sẽ rất mạnh mẽ và vô cùng khốc liệt”.

Đông Nam Á đang là cái nôi sản sinh ra các siêu ứng dụng, như Grab đang giới thiệu các dịch vụ tài chính điện tử, trong đó có ví điện tử. PayPal và Apple đang xem xét đưa mô hình này về Mỹ, và điều này có thể tạo nên sự đụng độ dữ dội với các ngân hàng có truyền thống và lịch sử lâu đời của Mỹ.

Ngân hàng công nghệ với AI và blockchain

Tiền thân là ngân hàng Bank of Manhattan Corp thành lập năm 1799, JPMorgan là ngân hàng lâu đời thứ ba ở Mỹ và thứ 31 trên thế giới. Trải qua nhiều lần hợp nhất, tính đến hết tháng 6-2021, JPMorgan là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và đứng thứ năm thế giới về tổng giá giá trị tài sản lên đến 3.684 tỉ đô la.

Từ một ngân hàng truyền thống, JPMorgan đang đặt mục tiêu và chuyển biến thành một nền tảng công nghệ ngân hàng tài chính mới.

“Chúng tôi là một tổ chức với hơn 52.000 người đam mê và theo đuổi công nghệ. Tổ chức này ngày càng lớn và chúng tôi sẽ đạt được tăng trưởng trong năm 2021 này và cả năm 2022. Giống như bất kỳ ai khác, chúng tôi đang có chiến lược đầu tư lâu dài cho công nghệ”, bà Beer phát biểu với Bloomberg TV.

Ngân hàng có kế hoạch nâng cấp công nghệ trị giá 12 tỉ đô la trong năm nay. Con số này tương đương 10% doanh thu ròng của năm 2020 và tăng khoảng 1/3 so với ngân sách công nghệ năm 2015. Đặc biệt là 50% ngân sách này dành cho đổi mới sáng tạo. JPMorgan có những chương trình giáo dục và đào tạo cho những chuyên gia ngân hàng không thuộc mảng công nghệ để thúc đẩy và mở rộng các hệ sinh thái fintech mới.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những lĩnh vực trong tâm. JPMorgan đã sử dụng AI để phát hiện gian lận, giúp các giám sát viên phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể trở thành lỗ hổng chí mạng sau nay. Hệ thống này đã phát hiện các giao dịch có vấn đề trị giá đến 150 triệu đô la mỗi năm, chủ yếu ở mảng bán lẻ.

Ngân hàng cũng tạo nên cổng thông tin JPMorgan Market và dùng công nghệ AI để lượng giá rủi ro và quản lý tín dụng trong suốt cuộc khủng hoảng Covid. “Chúng tôi cũng làm việc với các bộ phận tài chính chứng khoán về các sản phẩm thế hệ mới và năng lực đáp ứng của ngân hàng”, bà tổng giám đốc truyền thông nói.

JPMorgan cũng tăng tốc độ phát triển nền tảng công nghệ điện toán đám mây OmniAI, cho phép các chuyên gia dữ liệu trao đổi các dữ liệu nội bộ rất nhạy cảm một cách nhanh chóng và bảo mật. Một chuyên gia hàng đầu từng làm việc cho Google dẫn dắt đội ngũ phát triển nền tảng này.

“Một trong những lợi ích lớn nhất của nền tảng AI này là tăng năng suất hoặc có thể giúp nhà khoa học dữ liệu xây dựng một mô hình toán, huấn luyện mô hình và quản lý được vòng đời của mô hình, tức sản phẩm thế hệ mới”, bà Beer nói.

JPMorgan cũng sử dụng AI để khai thác hiệu quả một trong những thế mạnh của ngân hàng. Đó là nguồn dữ liệu khổng lồ về thông tin khách hàng.

“Chúng tôi thật sự hiểu rõ vòng đời của một sản phẩm, sự gắn bó của khách hàng với sản phẩm đó. Chúng tôi có mật độ dữ liệu dày đặc. Ở mảng bán lẻ, chúng tôi hỗ trợ 50% hộ gia đình ở Mỹ. Ở mảng khách hàng doanh nghiệp. chúng tôi hỗ trợ 80% doanh nghiệp có tên trong danh sách Fortune 500. Chúng tôi lưu chuyển 7.000 tỉ đô la mỗi ngày. Chúng tôi có được mật độ thông tin rất sâu, dày đặc và chất lượng cao”, CIO Beer khẳng định.

Công nghệ blockchain là một ưu tiên nghiên cứu và phát triển. JPMorgan bắt đầu đầu tư lớn vào lĩnh vực này cách đây 5 năm và sau đó đã tung JPM Coin – một hệ thống chính chia sẻ công nghệ blockchain  dùng trong chuyển khoản. Ngân hàng luôn cải tiến hệ thống thanh toán quốc tế của mình xoay quanh JPM Coin này, giúp các tập đoàn là khách hàng luân chuyển dòng tiền 24/7.

Tổng giám đốc phụ trách truyền thông toàn cầu Lori Beer, bên phải, xuất hiện trong chương trình truyền hình CIO Exchange của Bloomberg TV.

Vẽ ra tương lai mới của tiền số

Đồng tiền số cũng được kết nối với mạng lưới Liink của JPMorgan – nền tảng chia sẻ thông tin liên ngân hàng dành cho các thanh toán xuyên biên giới. Hiện Liink có hơn 400 khách là các định chế tài chính, bao gồm 90 ở Nhật Bản.

Sự phát triển của tiền số trong lĩnh vực tư cũng khiến các ngân hàng trung ương xem xét phát hành đồng tiền số riêng. Quỹ dự trữ liên bang (Fed) dự định sẽ sớm công bố bản báo cáo về đề tài này.

“Tôi không xem đồng tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC) là đối thủ cạnh tranh. Một lần nữa, tôi cho rằng, nếu chúng ta đề cập đến khả năng có nhiều đồng tiền số cùng tồn tại, tất nhiên các ngân hàng trung ương sẽ xem lại chiến lược tiền số của họ, công nghệ cơ bản hoặc ứng dụng thật sự của CBDC. Và khi chúng ta nói đến đồng JPM Coin, thì đơn giản nó chỉ tập trung vào các ứng dụng cho mảng ngân hàng bán sỉ mà thôi”, bà Beer nhận định.

JPMorgan hợp tác với Cơ quan Tiền tệ Singapore và ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á là DBS Bank của Singapore trong dự án có tên Project Ubin. Đây là nỗ lực xây dựng nền tảng thanh toán đa tiền tệ sử dụng công nghệ blockchain, có thể sẽ bao gồm luôn tiền số do ngân hàng trung ương phát hành trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới