(KTSG Online) – Mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đang có xu hướng tăng. Nếu như đầu tháng 8 mức chênh lệch khoảng 8 triệu đồng thì nay đã lên đến gần 10 triệu đồng.
Theo biểu giá vàng niêm yết vào đầu giờ chiều ngày 13-10, giá vàng niêm yết tại Doji ở mức 57,95 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và 57,15 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. Biểu niêm yết tại Eximbank cũng ở mức tương tự ở chiều bán ra, nhưng chiều mua vào là 57,4 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng đã giảm nhẹ sau khi vượt mốc 58 triệu đồng/lượng vào ngày hôm qua. Tuy nhiên, vàng cũng đã tăng khoảng gần 500.000 đồng mỗi lượng kể từ đầu tháng 10 đến nay.
Mức giá này cũng đưa giá vàng SJC trở về mức đỉnh vào hồi đầu tháng 8, và cao hơn đáng kể so với thời điểm hồi đầu năm nay là khoảng 56 triệu đồng mỗi lượng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm thì chỉ số giá vàng tăng hơn 11,8% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý là nếu quy đổi (theo tỷ giá niêm yết của Vietcombank) thì hiện mức chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và vàng nội địa là 9,5 triệu đồng mỗi lượng, đã giảm một chút so với mức gần 10 triệu đồng trong vài ngày trước.
Như vậy, mức chênh lệch cũng ngày càng kéo rộng hơn, từ mức hồi tháng 8 là khoảng 8 triệu đồng/lượng, còn hồi tháng 5 là khoảng gần 5 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh giá nội địa vẫn “kiên trì” giữ quanh mức 57-58 triệu đồng mỗi lượng trong nhiều tháng qua, thì giá vàng thế giới biến động khá mạnh.
Trên thị trường thế giới, tính đến thời điểm hiện tại thì giá vàng giao ngay giao dịch quanh mức 1.763 đô la Mỹ/oz. Phiên ngày hôm nay có tăng nhẹ so với hôm qua. Vào ngày giao dịch 12-10, vàng có lúc tăng đến 18 đô la/oz, lên đến mức 1.770, nhưng sau đó nhanh chóng lùi về lại.
Trong vài phiên gần đây, vàng thế giới giao dịch trong biên độ khoảng 1.750-1.770 đô la Mỹ/oz và có nhiều tin tức mới. Chẳng hạn như mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kể cả kinh tế Mỹ, giảm nhẹ so với dự báo gần nhất công bố vào tháng 7.
Mặt khác, yếu tố giá năng lượng trên thế giới ở mức cao nhất trong nhiều năm qua cũng ảnh hưởng đến giá vàng. Hãng tin Bloomberg dự báo nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông tăng cao sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt than và khí đốt tự nhiên. Trong khi ở Trung Quốc cũng chịu áp lực về việc thiếu hụt nguồn cung năng lượng.
Theo Kitco News dẫn lại Capital Economics, các mặt hàng có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ là kim loại công nghiệp, nông nghiệp và kim loại quý. Thế giới cũng lo ngại đến yếu tố lạm phát, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Nhưng mặt khác, nền kinh tế tăng trưởng quá nóng có thể buộc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất sớm hơn.