Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cần các địa phương tăng cường đối thoại

Yên Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Hàng loạt điểm nghẽn làm cản trở hoạt động sản xuất, như bổ sung nguồn nhân lực sản xuất, nới lỏng quy chế di chuyển giữa các tỉnh/thành, chính sách tiêm vaccine, giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ các loại chi phí, thuế… đã được Bộ Công Thương cam kết thúc đẩy giải quyết sau cuộc hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công Thương với Samsung Việt Nam và hơn 20 nhà cung ứng của hãng tại TPHCM, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai tuần rồi.

Hoạt động dưới công suất, tạm dừng hoạt động do thiếu nhân lực, di chuyển khó khăn giữa các khu vực, nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch... chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nguy cơ mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng... là điệp khúc của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bất đắc dĩ phải ca thán trong suốt thời gian qua.

Và nay dù Chính phủ đã cho gỡ bỏ hết các chỉ thị 15, 16, 19 chống dịch, những “lệ làng” mỗi nơi một kiểu về quy định, kiểm soát lưu thông hàng hóa vừa vô lý vừa thiếu đồng bộ giữa các địa phương vẫn phổ biến, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; một số quy định về phòng, chống dịch thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với tình trạng “bình thường mới”, khi mà cách tiếp cận về phòng, chống dịch đã thay đổi và ngày càng có nhiều người tiêm đủ liều vaccine, hoặc đã điều trị khỏi Covid-19.

Sự ổn định của các doanh nghiệp cung ứng đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong ảnh là dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp FDI tại Bắc Ninh. Ảnh minh họa: TTXVN

Cần sự đồng hành

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, trong cuộc hội thảo với Bộ Công Thương và các nhà cung ứng hôm 14-10, nói rằng sự ổn định của các doanh nghiệp cung ứng đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu nói chung và Samsung Việt Nam nói riêng. Bản thân Samsung Việt Nam cũng góp sức vào sự ổn định đó theo cách của công ty, như áp dụng phương án chống dịch thống nhất trong các công ty cung ứng trong cùng mạng lưới cũng như hỗ trợ một phần kinh phí chống dịch nhưng đấy là sự cố gắng trong giới hạn nhất định và các doanh nghiệp cần có sự đồng hành của các nhà quản lý để giải quyết rốt ráo các vấn đề.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nguy cơ mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng... là điệp khúc của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bất đắc dĩ phải ca thán trong suốt thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ cam kết sẽ tiếp tục phối hợp triển khai, đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt thúc đẩy giải quyết các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất hiện nay như bổ sung nguồn nhân lực sản xuất, nới lỏng quy chế di chuyển giữa các tỉnh, chính sách tiêm vaccine, giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ các loại chi phí, thuế…

“Bộ Công Thương sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ, qua đó kịp thời thông tin các chính sách hỗ trợ, ưu đãi mới được ban hành cũng như tiếp thu các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp”, ông Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Đưa ra giải pháp cụ thể, ông Hải chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương giải đáp, xử lý các kiến nghị của Samsung và các nhà cung cấp liên quan tới việc giảm giá điện, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho công tác xuất khẩu tại các cảng biển lớn, cập nhật các quy định mới của Chính phủ liên quan tới quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Cần sự đồng bộ, thống nhất

Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương (Tổ công tác), sau khi các tỉnh thành công bố nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp tăng tốc nối lại sản xuất để đảm bảo các đơn hàng, phục hồi chuỗi sản xuất sau những tháng bị đình trệ bởi dịch Covid-19.

Tại tỉnh Bình Dương, nhiều doanh nghiệp quan tâm thủ tục để trở lại sản xuất kinh doanh; quy trình xét nghiệm trong quá trình sản xuất; hoạt động theo mô hình “3 xanh” và vấn đề vaccine. Đến nay, các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đã hoạt động lại 100%, tuy nhiên công suất chỉ mới đạt 44% so với trước khi có dịch.

Báo cáo từ Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho thấy, cơ quan này đã có văn bản hướng dẫn chấp thuận về việc trao quyền chủ động cho doanh nghiệp tái hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm nhằm đẩy nhanh hoạt động tái sản xuất. Hiện tại, tỉnh Bình Dương đã cho phép các doanh nghiệp tự xét nghiệm và tự cấp giấy xác nhận để người lao động đi lại.

Cùng với đó, ngành chức năng tỉnh Bình Dương cũng đã giới thiệu cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn mua bộ kit xét nghiệm (test) Covid-19 đạt chất lượng với giá chỉ vài chục ngàn đồng. Doanh nghiệp được phép gộp 3-5 mẫu nên chi phí xét nghiệm cho mỗi công nhân sẽ giảm xuống; đồng thời, thời hạn kết quả xét nghiệm là bảy ngày. Hiện người lao động ở Bình Dương đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 1 và dự kiến trong tháng 10 này 100% người lao động sẽ được tiêm đủ hai mũi.

Cũng theo ghi nhận của Tổ công tác, tại tỉnh Bến Tre, tính đến ngày 13-10, toàn tỉnh có 2.258 doanh nghiệp đang hoạt động với 67.015 lao động (tỷ lệ 55%/tổng số doanh nghiệp hoạt động; tăng 1.593 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 239% so với khi triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg).

Còn tại Đồng Nai, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang khôi phục sản xuất theo các phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Tính đến ngày 11-10, có khoảng 3.898 doanh nghiệp đăng ký tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại doanh nghiệp qua trang web http://kcnvietnam.vn. Theo trang này, khoảng 3.180 doanh nghiệp thuộc nhóm ít nguy cơ, 669 doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ thấp và 49 doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ trung bình.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại Đồng Nai đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” là 1.176 doanh nghiệp, với tổng số lao động lưu trú là 154.699 người; có 139 doanh nghiệp thực hiện phương án cho người lao động đi về hàng ngày với tổng số lao động đăng ký là 41.762 người. Ngoài khu công nghiệp, tỉnh này còn có 253 doanh nghiệp đang sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” với số lao động lưu trú 18.555 người; còn số doanh nghiệp đang làm kiểu “1 cung đường 2 địa điểm” là 104 doanh nghiệp với 10.158 người lao động lưu trú. Có 12 doanh nghiệp thực hiện cả hai phương án với số lao động lưu trú 2.794 người. Đáng chú ý là số doanh nghiệp ngừng hoạt động do không thực hiện “3 tại chỗ” trước đây, nay có nhu cầu hoạt động trở lại và được chấp thuận cho người lao động đi về hàng ngày là 24 doanh nghiệp với số lao động 5.545 người.

Cần tăng cường đối thoại

Tại cuộc hội nghị trực tuyến khối công thương địa phương với 63 tỉnh, thành phố do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì vào chiều ngày 15-10 vừa qua, nhiều địa phương như Thái Nguyên, Hòa Bình, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thái Bình, TPHCM, Hải Dương, Hà Giang, Hà Nội… đã thảo luận và đề xuất các giải pháp tham mưu, hiến kế nhằm tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh gắn với phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một tín hiệu tích cực được ghi nhận tại các địa phương là hoạt động công nghiệp và thương mại đều có sự chuyển biến để đạt tốc độ tăng trưởng nhất định, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Các nhà lãnh đạo ở UBND các tỉnh và các sở công thương đều cho rằng, để thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh mới thì các giải pháp hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ và thống nhất với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; tập trung ưu tiên vaccine cho 100% người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, cần tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp cũng như đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc trong cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, đại diện tỉnh Thái Nguyên yêu cầu cần tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về thủ tục hành chính, kê khai nộp thuế, thực hiện thủ tục thông quan, xuất nhập khẩu; mở rộng áp dụng các dịch vụ chuyển đổi số trong các cơ quan thuộc bộ, tăng cường xử lý trực tuyến các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tỉnh Bình Dương cho rằng cần khắc phục cho được tình trạng các địa phương triển khai các biện pháp phòng dịch và mở cửa kinh tế một cách cục bộ nặng nề. Trong quá trình triển khai các giải pháp mở cửa trở lại cần có bước đi thận trọng, chắc chắn, rõ đến đâu làm đến đó.

Trong khi đó, Đồng Nai kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp cùng các bộ tham mưu Chính phủ các giải pháp thống nhất, đồng bộ (tránh mỗi tỉnh, mỗi địa phương có thêm quy định riêng) tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh chuỗi kết nối tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt chi phí trung gian. Tỉnh Thái Bình và một số tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận sâu rộng các nội dung của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, các chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để doanh nghiệp các tỉnh tăng cường xuất khẩu chính ngạch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới