(KTSG) Các nghị sĩ Dân chủ trong Thượng viện Mỹ vừa đưa ra một kế hoạch đánh thuế nhằm vào các công ty lớn và giới tỉ phú nước này nhằm có thêm nguồn ngân sách phục vụ cho các chương trình kinh tế - xã hội. Các đề xuất này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp và giới nhà giàu Mỹ?
Công ty lớn phải đóng thuế nhiều hơn
Hôm 26-10, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Ron Wyden đã công bố một dự luật áp mức thuế tối thiểu 15% đối với các tập đoàn có lợi nhuận cao nhất của Mỹ, với viện dẫn khoản thuế này sẽ giúp tài trợ cho chính sách xã hội và các kế hoạch chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Joe Biden.
Khoản thuế trên dự kiến nhắm vào khoảng 200 công ty có lợi nhuận trên 1 tỉ đô la Mỹ hàng năm trong thời gian ba năm. Nhà Trắng dự kiến sẽ thu về 325 tỉ đô la Mỹ từ việc đánh thuế các tập đoàn lớn.
Một đề xuất riêng khác cũng sẽ áp mức thuế 1% đối với việc mua lại cổ phiếu của các công ty.
“Các công ty có lợi nhuận cao nhất tại Mỹ, thường là những công ty ít tuân thủ nghĩa vụ về thuế nhất. Năm này qua năm khác, họ báo cáo mức lợi nhuận kỷ lục cho các cổ đông, nhưng lại nộp rất ít, hoặc thậm chí không phải nộp thuế. Đề xuất của chúng tôi sẽ giải quyết việc né thuế doanh nghiệp, bằng cách đảm bảo các công ty lớn nhất phải nộp mức thuế tối thiểu”, ông Wyden cho biết trong một tuyên bố.
Đề xuất thuế nhắm vào các tỉ phú
Bên cạnh đó, một đề xuất đánh thuế khác nhằm vào các tỉ phú cũng được đưa ra. Dự luật sẽ áp dụng đối với người đóng thuế có tài sản ròng đạt ít nhất 1 tỉ đô la hoặc có thu nhập từ 100 triệu đô la trở lên trở lên trong ba năm liên tiếp gần nhất. Kế hoạch ước tính rằng ngưỡng áp thuế như vậy đồng nghĩa với việc có khoảng 700 người sẽ rơi vào diện phải đóng thuế này.
Theo giới lập pháp Mỹ, những người Mỹ giàu nhất sẽ phải đóng thuế hàng năm cho phần giá trị tăng thêm trong những tài sản giao dịch đại chúng mà họ nắm giữ, như cổ phiếu và trái phiếu. Những tài sản khác như bất động sản hoặc công ty chưa niêm yết đại chúng, là những thứ mà Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) khó định giá hơn, sẽ không bị đánh thuế cho tới khi được bán nhưng sẽ bị áp phí hàng năm tương tự như áp lãi suất.
Hầu hết phần giá trị tài sản tăng thêm mỗi năm của các tỉ phú sẽ bị áp thuế suất cao nhất của thuế tài sản gia tăng (capital gains tax), hiện ở mức 23,8%. Đối với những tài sản thanh khoản thấp như bất động sản hay công ty chưa niêm yết đại chúng bị áp phí tương tự như lãi suất, tổng thuế suất sẽ không vượt quá 49%.
Các thực thể thông qua (pass-through entities), nơi một tỉ phú nắm cổ phần từ 5% trở lên hoặc là doanh nghiệp có giá trị 50 triệu đô la, sẽ phải báo cáo giá trị tài sản gia tăng để người đóng thuế không thể che giấu tài sản trong các pháp nhân khác. Kế hoạch cũng có quy định đánh thuế đối với tài sản mà các tỉ phú chuyển vào các quỹ ủy thác để né thuế. Bên cạnh đó, các tỉ phú muốn từ bỏ hộ chiếu công dân Mỹ sẽ phải đóng thuế đối với toàn bộ tài sản của mình trước khi bỏ quốc tịch.
Theo ước tính của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, loại thuế mới sẽ giúp chính phủ thu về từ 200-250 tỉ đô la Mỹ.
Một phân tích của Tổ chức Bình đẳng thuế Mỹ (American Tax Fairness) và Viện Nghiên cứu Chính sách về bất bình đẳng, khối tài sản của các tỉ phú Mỹ đã tăng 70% kể từ khi đại dịch bắt đầu, lên tổng cộng hơn 5.000 tỉ đô la.
Một cuộc điều tra của ProPublica cho thấy, tỉ phú đầu tư Warren Buffett đã trả thuế với tỷ lệ trung bình là 19%. Người sáng lập Amazon, tỉ phú Jeff Bezos, trả 23%, trong khi tỉ phú Elon Musk của Tesla là khoảng 30%. Thuế suất cao nhất đối với thu nhập kiếm được từ lao động là 37%, nhưng thuế đánh vào các nguồn vốn chỉ thấp hơn 20%. Điều này được cho là có lợi cho những người siêu giàu, nhưng đồng thời cũng khuyến khích hoạt động đầu tư vào những công ty mới, qua đó giúp nền kinh tế tăng trưởng.
Việc đánh thuế doanh nghiệp có nhiều thuận lợi
Các số liệu thống kê cho thấy, kể từ đợt cắt giảm thuế hồi năm 2017, số lượng các công ty nằm trong danh sách Fortune 500 nộp 0 đô la thuế thu nhập liên bang đã liên tục gia tăng. Theo một phân tích, có tới 55 tập đoàn đã không phải trả thuế thu nhập liên bang đối với hơn 40 tỉ đô la lợi nhuận trong năm ngoái, bao gồm những cái tên nổi tiếng như Nike và FedEx.
Do đó, theo Washington Post, sự ủng hộ chính trị đối với mức thuế tối thiểu nhằm vào các doanh nghiệp lớn dường như đang ở mức cao. Tổng thống Joe Biden từng nhiều lần bày tỏ thái độ không hài lòng với việc các công ty lớn chỉ nộp thuế ở mức không đáng kể, trong khi các quan chức dưới thời chính quyền Tổng thống Trump cũng có lúc đã tính tới việc áp dụng mức thuế tối thiểu.
Nhiều ý kiến lo ngại, việc gia tăng gánh nặng thuế với các doanh nghiệp có thể khiến các doanh nghiệp dịch chuyển hoạt động ra ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã cố gắng khắc phục vấn đề này bằng cách đạt được thỏa thuận với các nước G20 về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu hôm 30-10 vừa qua.
Thỏa thuận này bao gồm hai phần: đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là 15% lên doanh thu của các công ty lớn; và giúp đưa doanh thu thuế về nơi các công ty bán hàng, thay vì nơi doanh nghiệp đặt trụ sở như trước đây. Điều này được cho là sẽ khiến các công ty không còn mặn mà với việc dịch chuyển trụ sở ra nước ngoài, ngay cả khi thuế suất tại Mỹ là cao hơn.
Ông Kyle Pomerleau - chuyên gia về thuế tại Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ nhận định: “Khi gánh nặng thuế gia tăng, mối quan tâm hàng đầu của các tập đoàn sẽ là chuyển trụ sở ra nước ngoài. Nhưng vấn đề này đã được chính quyền cố gắng giải quyết với hiệp định thuế quốc tế”.
“Thuế tỉ phú” đối mặt với tranh cãi gay gắt
Trong khi đó, đề xuất đánh thuế nhằm vào các tỉ phú lại đang phải đối mặt với sự tranh cãi gay gắt và thậm chí là cả những thách thức lớn về mặt pháp lý.
Tỉ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới hiện nay và là một công dân Mỹ, đã có phản ứng với kế hoạch trên. Trong một dòng trạng thái Twitter ngày 27-10, ông Musk nói rằng việc đánh thuế các tỉ phú sẽ chỉ làm giảm không đáng kể khối nợ quốc gia khổng lồ của Mỹ, đồng thời nhận định vấn đề trọng tâm phải là hạn chế chi tiêu chính phủ. “Chi tiêu mới là vấn đề thực sự. Cho dù giới siêu giàu có bị đánh thuế tới 100%, thì chính phủ vẫn sẽ phải thu thuế từ dân chúng nói chung để bù đắp sự thiếu hụt ngân sách. Đây là một phép toán căn bản”, CEO của Tesla viết.
Cựu Tổng thống Donald Trump cũng phản đối “thuế tỉ phú” do đảng Dân chủ đề xuất để trả cho các khoản chi tiêu xã hội khổng lồ. Theo ông Trump, tất cả những người siêu giàu có thể đơn giản là rời khỏi nước Mỹ.
“Quốc gia nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ thuế tỉ phú, một loại thuế đánh vào sự giàu có? Người giàu và các công ty sẽ chuyển đi đâu, và bỏ mặc nước Mỹ? Nhiều người trong số đó, bằng cách này hay cách khác, không cần phải ở Mỹ”, ông Trump chia sẻ.
Nhiều người khác cũng bày tỏ quan ngại về kế hoạch này và cho rằng, nó sẽ buộc các tỉ phú rút lui khỏi thị trường chứng khoán, nơi việc định giá tài sản dễ dàng hơn, và tham gia vào các thị trường khó định giá tài sản hơn như bất động sản và nghệ thuật.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Tổng thống Biden ủng hộ “thuế tỉ phú” và tin rằng nó là hợp pháp. Tuy nhiên, theo Reuters, những rào cản pháp lý mà dự luật phải đối mặt là không hề nhỏ.
Đầu tiên, IRS làm thế nào để có thể tìm được các tỉ phú là đối tượng của việc đánh thuế như trên, bởi hiện tại không có quy định nào bắt buộc công dân Mỹ phải báo cáo tổng giá trị tài sản ròng với IRS.
Quan trọng hơn, kế hoạch đánh thuế được cho là sẽ dễ vấp phải trở ngại từ phía tòa án. Những người phản đối có thể lập luận rằng lợi nhuận/tài sản chưa thực nhận không phải là thu nhập và không thể bị đánh thuế một cách hợp pháp.
“Việc áp thuế đối với thu nhập từ đầu tư chưa thực nhận không phải là đánh thuế thu nhập”, ông David Rivkin, một đối tác tại Công ty luật Baker & Hostetler ở Washington, cho biết. Theo chuyên gia Rivkin, bất kỳ tỉ phú nào trong nhóm chịu điều chỉnh của dự luật đều có cơ sở để khởi kiện bà Janet Yellen với tư cách Bộ trưởng Tài chính Mỹ để thách thức tính hợp hiến của khoản thuế này.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Erik Jensen, Giáo sư danh dự ngành luật tại Đại học Case Western Reserve ở Cleveland, bang Ohio cho biết: “Tính hợp hiến của dự luật thuế mới sẽ bị thách thức ngay lập tức. Và phía nguyên đơn là những cá nhân có nhiều tiền để trả cho các luật sư cấp cao”.
Bất kỳ thách thức nào về tính hợp hiến của dự luật đều có thể được đưa ra phân xử trước Tòa án Tối cao Mỹ, nơi các thẩm phán bảo thủ chiếm đa số ghế, với tỷ lệ 6-3. Đây rõ ràng không phải một viễn cảnh có lợi đối với những người ủng hộ việc đánh thuế giới siêu giàu tại Mỹ.
Nguồn: CNBC, Bloomberg, Washington Post, AP, CNN Business, Fortune,
New York Times, Reuters, Dailymail