Chủ Nhật, 15/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khó khăn khiến doanh nghiệp lớn tìm đến văn phòng chia sẻ

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Không còn là nơi cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ hay doanh nghiệp khởi nghiệp ít nhân viên muốn tiết kiệm chi phí, văn phòng làm việc theo kiểu chia sẻ không gian (co-working space), trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cũng đang có sức hút với cả những doanh nghiệp quy mô lớn nhiều nhân sự.

Ngay sau khi giãn cách, hàng loạt các doanh nghiệp trong và ngoài nước với đa dạng ngành nghề đã tìm đến mô hình văn phòng linh hoạt để có thể thuẩn lợi trong kinh doanh mà còn nhằm giảm chi phí.

Doanh nghiệp ngoại chuyển hướng

Dù thị trường mua bán bất động sản chưa có dấu hiệu “nóng” trở lại, nhưng các nhà môi giới, đơn vị cung cấp giải pháp văn phòng đang khá bận rộng với việc tiếp xúc hàng loạt các công ty đa dạng quy mô từ tập đoàn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tất cả các cuộc gặp đều xoay quanh những giải pháp có thể tháo gỡ cho doanh nghiệp thoát khỏi khủng hoảng tài chính, khủng hoảng tiền mặt đang và sẽ đối mặt.

Một không gian làm việc chung tại Toong ở TPHCM. Ảnh: DNCC

Đáng chú ý, văn phòng làm việc theo kiểu chia sẻ không gian trước đây là nơi dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp khởi nghiệp ít nhân viên và muốn tiết kiệm chi phí thì giờ đây các doanh nghiệp lớn với cả trăm, thậm chí cả ngàn nhân sự cũng đang hướng đến. Một số doanh nghiệp lớn có kế hoạch chuyển sang thuê văn phòng làm việc chia sẻ để tiết kiệm chi phí và tận dụng các dịch vụ chuyên nghiệp ở các tòa nhà làm việc chung này.

Cụ thể như chi nhánh tại Việt Nam của một công ty cung cấp dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ (không tiện nêu tên) đang tìm kiếm các văn phòng co-working phù hợp. Đây được xem là bước ngoặt khởi đầu của sự hết khả năng chịu đựng khi mà công ty gần như không có nguồn thu từ phí môi giới giao dịch bất động sản của cả năm nay.

Cũng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một tập đoàn tài chính và bảo hiểm đa quốc gia, từ năm ngoái đã lên kế hoạch chuyển đổi văn phòng từng phần để đáp ứng xu hướng làm việc hỗn hợp (Hybrid work). Đây là điển hình của thay đổi tư duy vận hành và sử dụng văn phòng trong tương lai.

Tương tự, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ truyền thông và quảng cáo đã đầu tư gần 5 tỉ đồng vào văn phòng đặt trong tòa nhà hạng B+ ở quận Bình Thạnh (TPHCM), hiện đang tìm đơn vị để sang nhượng mặt bằng hoặc cùng hợp tác khai thác mặt bằng.

Trên thực tế, việc duy trì một văn phòng bình thường như trước đại dịch đang là một áp lực không nhỏ ảnh hưởng “sức khỏe tài chính” doanh nghiệp trước những cuộc vượt sóng rẽ gió khi bình-thường-mới- một lần nữa trở lại.

Ông Dương Đỗ, CEO của Toong, đơn vị cung cấp dịch vụ văn phòng chia sẻ, cho biết chỉ sau 6 tuần kể từ khi TPHCM nới lỏng giãn cách, doanh thu của Toong đã đạt ngưỡng tương đương với thời điểm trước khi đại dịch trở nên nghiêm trọng vào tháng 6 vừa qua. “Nhờ tác động tích cực của việc mở rộng tiêm phủ vaccine, các doanh nghiệp đang tăng tốc quay lại văn phòng làm việc”, ông Dương Đỗ nói.

Đáng chú ý theo người sáng lập Toong, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 khó lường, Toong tiếp tục nhận được nhiều yêu cầu từ các công ty có quy mô nhân sự lớn đang có nhu cầu chuyển đổi sang những dịch vụ không gian làm việc sao cho vừa tiện nghi, lại vừa linh hoạt ứng biến với các điều chỉnh chiến lược của doanh nghiệp.

Nhà cung cấp văn phòng co-working space dẫn chứng nhiều công ty bảo hiểm, ngân hàng, logistic, tài chính, kiểm toán, quỹ đầu tư đang có chiến lược đặt văn phòng ở nhiều địa điểm để ứng biến với các lệnh giãn cách trong tương lai. Vì theo các công ty này, nếu văn phòng này “shutdown” thì vẫn còn văn phòng khác duy trì hoạt động của công ty.

Tuy nhiên, việc dịch chuyển từ loại hình văn phòng truyền thống sang loại hình văn phòng chia sẻ không phải là do khó khăn mà để thuận lợi trong kinh doanh. Cụ thể như chi nhánh công ty giày và quần áo thể thao có nguồn gốc Thụy Sĩ, chuyên thiết kế và tiếp thị quần áo thể thao và giày chạy bộ mong muốn chuyển đổi mô hình văn phòng từ truyền thống, tòa nhà văn phòng sang văn phòng linh hoạt. Lý do được doanh nghiệp này đưa ra là nhằm thuận tiện cho nhân viên di chuyển giữa nhà máy – văn phòng. Vì văn phòng linh hoạt với không gian linh hoạt, đa dạng, thuận tiện cho nhân viên tiến hành các buổi chạy thử giày (văn phòng trong tòa nhà chỉ có một mặt sàn, không đáp ứng được nhu cầu này), có giao tiếp với cộng đồng ngành nghề khác.

Trước đó, chi nhánh công ty dược Bayer của Đức tại Hà Nội khi chuyển đổi văn phòng đã đặt ra cho các nhà cung cấp văn phòng linh hoạt một tiêu chuẩn mới, cao hơn co-working space thông thường, gọi là semi-coworking (may đo giải pháp không gian cho vừa vặn nhu cầu của công ty).

Doanh nghiệp Việt cũng tăng chọn co-working space

Khó khăn do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp quy mô lớn cũng đang muốn thay đổi văn phòng theo hướng linh hoạt và tiết kiệm hơn.

Chỉ ít tuần sau giãn cách, Toong cho biết đã chứng kiến nhiều công ty thuộc các lĩnh vực, ngành hàng mới chuyển sang dùng văn phòng dịch vụ là: các tổ chức phi chính phủ (NGOs), thiết kế - kiến trúc, thực phẩm, ngành may. Trước đó, ngay trong đại dịch, các công ty chuyển sang co-working đa số thuộc cách ngành logistic, năng lượng, hospitality, fintech, quỹ đầu tư tài chính, kiểm toán, bảo hiểm, call center. Đại diện có thể kể đến: Transcosmos, Chudu 24, Decomh, AVSE Global, KKDay, BHS Group, VinHMS, VinBigData... Quy mô của mỗi doanh nghiệp ít nhất là 15, nhiều nhất là 130 nhân viên.

Có thể thấy, sự chọn lựa co-working space của các doanh nghiệp Việt đang theo xu hướng chung của toàn cầu. “Báo cáo thị trường toàn cầu của Coworking Space 2021: Tăng trưởng và thay đổi Covid-19 đến năm 2030” (Coworking Space Global Market Report 2021: Covid-19 Growth and Change to 2030) được khảo sát bởi PRNewswire kết luận: Mặc dù Covid-19 đã hạn chế sự tăng trưởng của thị trường nhưng không gian làm việc chung toàn cầu ​​sẽ tăng thị phần.

Một trong các nguyên nhân là sự xuất hiện của những phân ngành đang cung cấp hoặc đang phát triển những sản phẩm phức tạp ở các thị trường ngách, như: công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, y tế số, an ninh mạng, công nghệ nông nghiệp và thực phẩm mới, blockchain, sản xuất tiên tiến và người máy…

Tại Việt Nam, Báo cáo thị trường văn phòng quí 3 của JLL cũng tiết lộ những công ty có hoạt động kinh doanh tốt như công nghệ và thương mại điện tử sẽ tiếp tục là nguồn động lực thúc đẩy thị trường văn phòng cho thuê. CBRE cũng ghi nhận sự quan tâm nhất định của các tập đoàn cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ với xu hướng không gian làm việc chung, sức khỏe, bảo vệ môi trường…

Chuyên gia Võ Thị Khánh Trang (Công ty Savills Việt Nam) cho rằng, Covid-19 cũng là yếu tố khiến một số doanh nghiệp cân nhắc từ bỏ thuê văn phòng truyền thống dài hạn sang thuê văn phòng chia sẻ, để tiết kiệm chi phí cũng như linh động thời gian thuê.

Như vậy, việc hàng loạt các doanh nghiệp đa dạng ngành nghề tìm đến mô hình văn phòng linh hoạt ngay sau giãn cách không những cho thấy sự thích ứng năng động và hiệu quả trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung; mà còn chứng minh co-working space đang là giải pháp phản hồi nhu cầu co dãn, tái cơ cấu của doanh nghiệp trước các thách thức về quản lý rủi ro và chi phí sau giãn cách.

Diễn biến thị trường cũng cho thấy trái với các dự đoán về hoạt động cho thuê văn phòng sẽ chậm lại trong thời gian còn lại của năm 2021, có thể nói, cả 2 dự án mà Toong vừa công bố tại TPHCM trên đường Võ Thị Sáu (quận 3) và Cộng Hòa (quận Tân Bình) đều là những điểm sáng của thị trường văn phòng trong những tháng cuối trước khi khép lại một năm nhiều thử thách và biến động.

Riêng địa điểm Toong Võ Thị Sáu dù đang trong quá trình thi công nhưng theo ông Dương Đỗ đến nay một số doanh nghiệp đã đăng ký đặt thuê trước 90% diện tích. “Dịch vụ của chúng tôi được tạo nên là để giải quyết những như cầu thiết yếu như hiện nay của doanh nghiệp”, ông Dương Đỗ chia sẻ.

Chuẩn bị cho trạng thái “bình thường mới” từ tháng 10-2021, hầu hết các doanh nghiệp đã bắt đầu những cuộc họp không hồi kết về việc tái cơ cấu quản lý – vận hành. Một trong số đó là những phương án bất tận về việc tổ chức, định dạng lại hoặc chuyển đổi, di dời không gian làm việc của nhân viên sao cho phù hợp với dòng tiền và những biến động không biết trước trong tương lai.

Trên thực tế, để tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp đang "tự cứu mình" bằng nhiều cách. Cách doanh nghiệp nghĩ đến trước tiên là đàm phán với chủ nhà để đưa ra giá thuê mới rẻ hơn, hoặc có những giải pháp nhằm giảm chi phí thuê.

Tuy nhiên, những ràng buộc chặt chẽ về điều khoản thuê văn phòng giữa doanh nghiệp và chủ nhà: từ diện tích tối thiểu, đến giá thuê từng mét vuông, thời hạn hợp đồng (ít nhất 3-5 năm), sửa chữa, đền bù, trang trí, bảo trì bảo dưỡng, phí dịch vụ...

Với văn phòng truyền thống, tài sản của doanh nghiệp nằm trong văn phòng, nên chủ nhà nắm toàn quyền, doanh nghiệp không thể thay đổi bất kỳ điều khoản nào. Do đó, doanh nghiệp dù hiện chưa trả lại văn phòng nhiều nhưng họ đang ngắm ngầm tìm giải pháp văn phòng linh hoạt, sau khi hợp đồng hiện tại kết thúc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới