Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Alibaba đối mặt thách thức khi ‘thế hệ TikTok’ bắt đầu mua sắm qua video ngắn

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba tiên phong giới thiệu hình thức bán hàng qua phát sóng trực tiếp (livestream) vào năm 2016 nhưng giờ đây, các ứng dụng video ngắn có lượng người dùng khổng lồ như Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, cũng dấn sâu vào lĩnh vực này.

Sự gia nhập vào thị trường mua sắm thông qua livestream của các ứng dụng video ngắn tại Trung Quốc đang áp đặt mối đe dọa lên các mảng kinh doanh trực tuyến quan trọng của Alibaba, gồm hai nền tảng bán hàng Taobao và Tmall.


Dong Wenming bán trang sức bao gồm dây chuyền vàng và nhẫn đính kim cương cho những khách hàng trong số 18 triệu người đăng ký theo dõi anh trên ứng dụng video ngắn Douyin. Ảnh: Financial Times

Khoác lên người những bộ vest chỉn chu, mái tóc vuốt keo và với phong cách bán hàng sang chảnh, hàng ngày, Dong Wenming bán dây chuyền vàng và nhẫn đính kim cương cho những khách hàng trong số 18 triệu người đăng ký theo dõi anh trên ứng dụng video ngắn Douyin của Công ty công nghệ ByteDance.

Ngày càng có nhiều người dùng ứng dụng video ngắn ở Trung Quốc tìm thấy các chương trình livestream bán hàng từ những người nổi tiếng trên internet như Dong Wenming nằm xen lẫn các video nhảy nhót mới.

Theo các nhà phân tích tại Công ty chứng khoán PingAn Securities, tổng giá trị giao dịch hàng hóa thông qua các chương trình livestream ở Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong năm nay, lên mức 2.000 tỉ nhân dân tệ (313 tỉ đô la Mỹ), trong khi mua sắm trực tuyến truyền thống chỉ hơn tăng trưởng ở mức 15%.

Cùng với Alibaba, hai ứng dụng chia sẻ video lớn nhất và phát triển nhanh nhất của Trung Quốc, Kuaishou và Douyin, đang dẫn dắt xu hướng mua sắm qua livestream. Sự tăng trưởng của Kuaishou và Douyin trong lĩnh vực bán hàng qua livestream diễn ra khi Alibaba đối mặt với chiến dịch chống độc quyền của các cơ quan quản lý nhằm phá bỏ sự chi phối quá mức của tập đoàn này đối với 782 triệu người mua sắm trực tuyến của Trung Quốc.

Jessy Zhang, nhà phân tích thương mại điện tử tại hãng nghiên cứu thị trường Daxue Consulting, nhận định: “Người tiêu dùng thấy rằng thời gian dành cho ứng dụng Kuaishou và ứng dụng Douyin vui nhộn hơn so với nền tảng Taobao của Alibaba”.

Hai ứng dụng video ngắn Douyin và Kuaishou, lần lượt có 600 triệu và 320 triệu người xem video mỗi ngày. Vì vậy, việc chuyển đổi một số lượng nhỏ của những người xem video đó thành khách mua hàng sẽ nhanh chóng tăng lên. Tổng giá trị giao dịch hàng hóa trên ứng dụng Kuaishou trong quí 3-2021 đạt 175,8 tỉ nhân tệ, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số người bán hàng qua livestream trả phí cho Douyin và Kuaishou để tăng phạm vi tiếp cận khách hàng nhưng nếu nội dung phát sóng trực tiếp của họ đủ hấp dẫn, nó sẽ tự động được lan tỏa rộng rãi hơn nhờ thuật toán của các ứng dụng này.

Trong khi đó, những người bán hàng thông qua livestream trên Taobao phải chi trung bình 187 nhân dân tệ  để quảng cáo và trả tiền để được hiển thị hàng hóa niêm yết của họ ở những vị trí ưu tiên trong kết quả tìm kiếm, theo nghiên cứu của Founders Securities.

Alibaba vẫn là công ty thương mại điện tử lớn nhất ở Trung Quốc, nhưng thị phần của tập đoàn này đang thu hẹp khi các nền tảng đối thủ tận dụng lợi thế từ chiến dịch chống độc quyền của  các cơ quan quản lý nhằm vào Alibaba.

Giới chức trách đã áp khoản tiền phạt kỷ lục 2,8 tỉ đô la đối với Alibaba hồi tháng 4 sau khi kết luận rằng tập đoàn này cản trở sự cạnh tranh công bằng trên thị trường bán lẻ trực tuyến bằng cách buộc các bên bán hàng thứ ba của Alibaba không được bán hàng ở các nền tảng đối thủ.

Thị phần của hai nền tảng bán hàng trực tuyến của Alibaba, Taobao và Tmall, đã giảm sau khi họ buộc phải dừng các thực hành độc quyền. Trong nửa đầu năm 2021, Taobao và Tmall chiếm 48% tổng giá trị giao dịch trên thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc, giảm so với mức thị phần 62% của họ trong một năm trước đó, theo nghiên cứu của Công ty  Daxue Consulting.

Mô hình bán hàng thông qua livestream ở Trung Quốc hướng đến bán số lượng lớn. “Người mua sắm thích điều này vì họ có thể tìm thấy rất nhiều khuyến đặc biệt khi mua số lượng lớn”, một người mua sắm 20 tuổi ở tỉnh Quảng Đông, nói.

Nhưng những loại hàng hóa bán thông qua livestream trên các ứng dụng video ngắn được khách đặc biệt ưa chuộng cũng nằm trong số những mặt hàng mang lại doanh thu lớn nhất cho Alibaba, bao gồm các sản chăm sóc da, thời trang phụ nữ, mỹ phẩm và nước hoa.

Michael Norris, nhà phân tích của Công ty AgencyChina, cho biết: “Bán hàng qua phát sóng trực tiếp đặc biệt có lợi cho hàng may mặc và làm đẹp, vốn là thế mạnh của Taobao và Tmall”

Daniel Zhang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Alibaba, cho rằng cho doanh số bán quần áo trên hai nền tảng này đang tăng chậm lại là do mức tăng trưởng tổng giá trị giao dịch hàng hóa của Alibaba vào tháng trước chỉ ở mức một con số.

Để duy trì sức cạnh tranh, Zhang cho hay Alibaba đang đào tạo thêm những người có ảnh hưởng (influencers) để bổ sung cho đội ngũ các ngôi sao bán hàng trực tuyến của họ.

Một người mua sắm 41 tuổi ở Bắc Kinh bày tỏ tin tưởng: “Alibaba sẽ bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng. Một công ty khổng lồ như thế này sẽ không ngồi một chỗ và chờ chết”

Việc chuyển dịch chuyển sâu hơn vào lĩnh vực thương mại cũng có thể gây nguy hiểm cho các ứng dụng video ngắn. Nhà phân tích Michael Norris nói: “Các ứng dụng video ngắn có nguy cơ làm loãng giá trị giải trí của chúng nếu mục nội dung chính hiển thị trên toàn khoản của người dùng toàn là những buổi livestream của những người quảng cáo sản phẩm để bán hàng”.

Nếu người dùng tương tác ít hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến các quảng cáo hiển thị hình ảnh, vốn là nguồn doanh thu chính của Douyin và Kuaishou. Trong khi đó, Alibaba có lợi thế nhờ đã xây dựng một nền tảng đáng tin cậy trong nhiều năm cũng như nhờ quản lý tốt chuỗi cung ứng và hậu cần phức tạp.

Nhiều người bán hàng trên ứng Douyin, bao gồm cả Dong Wenming, đã bị khách hàng chỉ trích dữ dội vì khuyến mãi gian dối và từ chối nhận hàng trả lại. Trong những ngày đầu kinh doanh, Alibaba đã phải đối mặt với những chỉ trích tương tự nhưng sau đó, tập đoàn này đã đầu tư tiền bạc để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng chống lại những người bán hàng giả và bị lỗi.

Douyin đang cố gắng lấy lòng tin của người tiêu dùng bằng một quỹ bảo quyền lợi người tiêu dùng, hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa người bán hàng và người mua hàng và bằng cách cách gỡ bỏ các sản phẩm có vấn đề khỏi ứng dụng.

Người khách mua sắm ở Bắc Kinh cho biết: “Tôi không tin tưởng vào hoạt động mua sắm qua phát sóng trực tiếp vì các sản phẩm không đi kèm với bất kỳ đảm bảo nào. Một số người phát sóng trực tiếp trên Douyin đã bán hàng rất xuất sắc, tuy nhiên, rất khó để Douyin xô ngã Taobao và Tmaill khỏi vị trí dẫn đầu của họ”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới