Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đảo ngược toàn cầu hóa làm gia tăng rủi ro lạm phát ở Mỹ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong khi vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, thiếu lao động và các chương trình kích thích kinh tế ở phương Tây được xem là những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến đà tăng lạm phát trong ngắn hạn, thì một xu hướng khác có thể làm gia tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng trong dài hạn: đảo ngược toàn cầu hóa (deglobalization).

Nhà Trắng đang tìm cách đưa về Mỹ các chuỗi cung ứng của một số sản phẩm quan trọng như chip bán dẫn để tránh phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Ảnh: aeri.com

Các nhà kinh tế và hoạch định chính sách từ lâu đã cho rằng toàn cầu hóa đã giúp giá cả hàng hóa giảm xuống. Khi các rào cản thương mại giảm xuống, các công ty trong nước buộc phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu rẻ hơn, giúp kiểm soát đà tăng của giá cả tiêu dùng. Tự do hóa thương mại và công nghệ cũng khuyến khích các doanh nghiệp ở Mỹ và các nền kinh tế lớn ở châu Âu gia công sản xuất ở các nước có mức lương thấp.

Mô hình đó có thể đảo ngược khi đại dịch Covid-19 đẩy nhanh quá trình rút lui khỏi toàn cầu hóa vốn đã diễn ra trong vài năm qua. Trong khi tình trạng thắt nút cổ chai trong chuỗi cung ứng rốt cục sẽ dịu lại, các xu hướng khác vẫn có thể tiếp tục tồn tại, bao gồm các chính sách bảo hộ như thuế quan và quy tắc bắt buộc mua hàng Mỹ trong các chương trình mua sắm công của chính quyền liên bang và làn sóng doanh nghiệp Mỹ đưa hoạt động sản xuất trở về cố hương.

Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng của Conference Board, một tổ chức nghiên cứu độc lập, có trụ sở tại New York, nói: “Việc tổ chức lại và rút ngắn chuỗi cung ứng sẽ khiến chi phí tăng thêm và sẽ được chuyển qua các nhà cung cấp và cuối cùng là cho người tiêu dùng”.

Nhiều báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra rằng toàn cầu hóa ảnh hưởng đến giá cả tiêu dùng ở Mỹ. Kristin Forbes, nhà kinh tế học của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã phát hiện thấy rằng những thành phần của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bị ảnh hưởng bởi các yếu tố toàn cầu, chẳng hạn như giá hàng hóa nguyên liệu, biến động tiền tệ và các chuỗi giá trị toàn cầu.

Những yếu tố này chiếm một nửa trong những thay đổi của CPI của Mỹ từ năm 2015 đến năm 2017. Theo nhà kinh tế Robert Johnson của Đại học Notre Dame và nhà kinh tế Diego Comin ở Đại học Dartmouth, thương mại quốc tế có tác động làm giảm CPI của Mỹ từ 0,1 đến 0,4 điểm phần trăm mỗi năm trong giai đoạn 1997-2018.

Tỷ trọng thành phần nước ngoài trong sản xuất chế tạo toàn cầu đã tăng từ 17,3% vào năm 1995 lên 26,5% vào năm 2011, theo dữ liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Kể từ đó, tỷ trọng này đã giảm xuống còn 23,5% vào năm 2020. Đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu , một thước đo quan trọng của việc mở rộng kinh doanh xuyên biên giới, đạt đỉnh khoảng 2 ngàn tỉ đô la vào năm 2015 và giảm xuống còn 1,5 ngàn tỉ đô la vào năm 2019, theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD).

Xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa bắt đầu mạnh dần lên sau các sự kiện như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, việc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2016 và chiến dịch áp thuế của cựu Tổng thống Mỹ, Donald Trump lên hàng hóa của Trung Quốc. Xu hướng đó có thể làm gia tăng thêm rủi ro cho mức lạm phát cao hiện nay của Mỹ,

Các nhà kinh tế của Ngân hàng Citigroup lưu ý giá đồ nội thất và gia dụng ở Mỹ, vốn đã giảm gần như liên tục sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, bắt đầu tăng vào năm 2017 khi chính quyền Trump chuẩn bị đánh thuế nhằm vào các sản phẩm này của Trung Quốc và cuối cùng áp mức thuế 25% đối với chúng. Giá các sản phẩm này đã tăng 3% trong giai đoạn từ tháng 10-2017 đến tháng 3-2020 và sau đó đã tăng thêm 8,5%.

Theo nhóm nghiên cứu chính sách, có tên gọi Diễn đàn Hành động Mỹ, mức thuế mà chính quyền Donald Trump áp vào các sản phẩm thép, nhôm khẩu từ Trung Quốc, kết hợp với thuế quan trả đũa của các đối tác thương mại, đã làm tăng chi phí hàng năm của người tiêu dùng Mỹ thêm 51 tỉ đô la.

Tổng thống Joe Biden đã đàm phán chấm dứt một số thuế quan được triển khai dưới thời kỳ cầm quyền của ông Trump, chẳng hạn thuế thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu, nhưng vẫn giữ nguyên phần lớn thuế quan đối với hàng hóa mua từ Trung Quốc.

Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã tăng gấp đôi mức thuế nhập khẩu với gỗ xẻ của Canada lên mức 18% vì cho rằng  ngành gỗ xẻ được chính phủ Canada trợ cấp.  Chủ tịch Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia Mỹ, Chuck Fowke cho biết động thái tăng thuế sẽ “gây áp lực lên giá gỗ xẻ và làm cho giá nhà ở đắt hơn”.

Hồi tháng 6, chính quyền Tổng tống Joea Biden đã cấm nhập khẩu một số vật liệu của tấm pin mặt trời từ một nhà sản xuất ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc vì cho rằng công ty này sử dụng lao động cưỡng bức. Hậu quả quả là giá polysilicon, một thành phần chính của tấm pin mặt trời, đã tăng lên mức 20 đô la Mỹ /kg trong quý 2-2021, so với mức 6,20 đô la vào cùng kỳ năm qua, theo hãng nghiên cứu Wood Mackenzie.

Nhà Trắng cũng đang tìm cách đưa về Mỹ các chuỗi cung ứng của một số sản phẩm quan trọng như chip bán dẫn, dược phẩm và khoáng chất đất hiếm, đồng thời đề xuất siết chặt quy định yêu cầu các cơ quan liên bang phải mua sắm sản phẩm do doanh nghiệp Mỹ sản xuất hơn.

Gary Clyde Hufbauer, nhà kinh tế của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, cho biết: “Tổng thống Biden không chỉ tiếp tục duy trì các chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump mà còn mở rộng chúng”. Ông Hufbauer ước tính những biện pháp bảo hộ thương mại do chính quyền Donald Trump và Joe Biden thực hiện có thể đã khiến CPI của Mỹ tăng thêm 0,5 điểm phần trăm trong những năm qua.

Richard Allison, Giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng Domino’s Pizza, cho biết xu hướng dân số nhập cư giảm trong những năm gần đây đã dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động ở Mỹ, đặc biệt là tài xế xe tải trong thời kỳ dịch bệnh, góp phần đẩy tăng chi phí hàng hóa tăng lên.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã kêu gọi Nhà Trắng nới lỏng thuế quan đối với mặt hàng như giày trẻ em, thép và nhôm...để giảm chi phí của họ. Phòng Thương mại Mỹ cũng đề nghị chính phủ tăng hạn ngạch cấp thị thực nhập cư.

Nhưng các nhà kinh tế cho rằng việc đưa các chuỗi cung ứng trở về Mỹ có thể gây tác động lâu dài hơn với lạm phát so với thuế quan vào thời điểm thị trường lao động Mỹ đang thắt chặt.

Theo Wall Street Journal

1 BÌNH LUẬN

  1. Nếu lấy lý thuyết về lạm phát cổ điển để áp vào thực tế hiện tại thì sẽ không đúng. Đó là lý do các nước mạnh/ giàu không lo lắng nhiều về lạm phát. Đối với họ đó đôi khi lại là cơ hội tốt để thay đổi chính sách. Nhưng với các nước nghèo/ yếu thì phải coi chừng, áp lực chi phí/ giá cả leo thang trước hết ảnh hưởng đến cuộc sống tối thiểu của hàng triệu người. Giải pháp điều hành bây giờ không chỉ co cụm trong bản thân các nền kinh tế mà cần biết “nương theo chiều gió” của bối cảnh kinh tế toàn cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới