(KTSG Online) - Ảnh hưởng đại dịch Covid-19 khó lường, quy mô giá trị thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) ở Việt Nam vẫn đạt 8,8 tỉ đô la Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay, tăng 18% so với năm ngoái.
Kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu này được công bố trong diễn đàn M&A năm 2021 với chủ đề "Cơ hội trong thị trường bùng nổ" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 9-12 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Các diễn giả cho rằng đại dịch Covid-19 với những ảnh hưởng nặng nề tại Việt Nam và trên toàn cầu đã thúc đẩy hoạt động M&A gia tăng mạnh trong năm 2021. Tại Việt Nam, các lĩnh vực M&A nhiều liên quan đến ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản, tài chính, năng lượng tái tạo.
Cụ thể theo số liệu của KPMG Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút 8,8 tỉ đô la, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm trước dịch, năm 2019.
Có hơn 500 số thương vụ được công bố trong 10 tháng năm 2021. Thị trường tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nội hay ngoại. Trước đây, các hoạt động M&A chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị M&A mà doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên. Đã có 1,6 tỉ đô la được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước trong 10 tháng năm 2021. Trong đó, 1,13 tỉ đô la, với 11 thương vụ được thực hiện bởi 5 công ty hàng đầu của Việt Nam, như Vingroup, Masan, NovaLand, Hòa Phát, Vinamilk.
Sự thu hút M&A ngày càng tăng tại Việt Nam được thể hiện rõ nét không chỉ qua sự tăng trưởng của tổng giá trị giao dịch, mà còn qua giá trị bình quân trong mỗi giao dịch, khi ngày càng nhiều thương vụ có giá trị trên 100 triệu đô la được ghi nhận.
Tại diễn đàn, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia đưa thông tin tích cực về thị trường M&A Việt Nam khi ghi nhận sự ổn định cao, thậm chí tăng trưởng trong năm 2021. Đồng thời cho thấy xu hướng nâng cao vị thế hơn của các doanh nghiệp Việt trên thị trường M&A.
Các quỹ đầu tư, chuyên gia cho rằng hoạt động giao dịch M&A ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới mở rộng thêm lĩnh vực khách sạn, công nghệ tài chính (fintech), dịch vụ tài chính, hậu cần (logistics)…
Mặt khác, hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động giao dịch này tiếp tục tăng cao. Các diễn giả cũng cho rằng Việt Nam có nguồn lực dồi dào, đó là dân số đông, giới trung lưu tăng nhanh.
Mặt khác, theo các chuyên gia, trở ngại của việc giãn cách khiến nhiều thương vụ chưa được ký kết trong năm nay, do đó dự báo năm 2022, thị trường M&A sẽ tiếp tục bùng nổ, chứng kiến nhiều con số giao dịch cao hơn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021 vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn tăng trưởng. Đến cuối tháng 11-2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt vẫn 26,46 tỉ đô la, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỉ đô la.