(KTSG) - Mấy năm gần đây, thường thấy một kịch bản, đúng hơn là một tình hình, được lặp đi lặp lại nhiều lần, với nhiều người. Đó là một phi vụ “đầu tư” đang dưng đang lành, tưởng chắc ăn, bỗng đổ bể.
Thế là một số bị hại được lên báo với câu chuyện na ná đại loại được mời chào đầu tư bởi một ai đó, thấy hứa hẹn lợi nhuận đầu tư hấp dẫn, thậm chí cũng đi kiểm tra, xác minh người thật việc thật nên cảm thấy an tâm, tin tưởng, quyết định xuống tiền “đầu tư”.
Thời gian đầu (thậm chí kéo dài nhiều tháng), nhà đầu tư luôn được lĩnh lãi, vốn đúng như cam kết nên càng... yên tâm tăng tốc đầu tư. Thế rồi vào một ngày đẹp trời, nhà đầu tư bỗng không còn nhận được tiền cam kết, mà liên lạc với chủ đầu tư thì chỉ thấy im hơi bặt tiếng. Thế là lên mạng hỏi nhau, tập hợp lại với nhau thành hội nhà đầu tư bị hại, căng băng rôn tố cáo chủ đầu tư và kêu chính quyền can thiệp, cứu giúp.
Lúc đó mới phát hiện ra mình chỉ là một trong số hàng trăm, ngàn người “may mắn” được chủ đầu tư “ưu ái” dành cho cơ hội đầu tư béo bở. Và lúc đó nhà đầu tư mới bức xúc và đau khổ trần tình với báo chí rằng tiền đầu tư là tiền dành dụm sinh con, chữa bệnh, giấu vợ con thế chấp nhà cửa lấy vốn đầu tư, chỉ vì tin tưởng ai đó nên nay mất trắng..., tóm lại là rất… hoàn cảnh.
Cái sai chung trong những câu chuyện trên là “thả gà ra đuổi”. Như việc bán nhà, mấy bạn môi giới chèo kéo ký hợp đồng môi giới trong đó có điều khoản người bán phải trả ngay cho môi giới 50% tiền đặt cọc hoặc 50% phí môi giới, tùy theo cái nào lớn hơn. Chủ nhà mới bảo các bạn này là chi tiền ra thì rất dễ nhưng lấy lại mới khó.
Nhà thì là của chủ nhà nhưng toàn bộ rủi ro liên quan đến đặt cọc lại là do chủ nhà chịu, trong khi môi giới chẳng chịu rủi ro gì mà nghiễm nhiên được hưởng “quyền lợi” ngang bằng với chủ nhà (hưởng 50% tiền cọc). Trả cho các bạn rồi, đến lúc người mua lật kèo, ăn vạ lấy lại tiền cọc thì người bán đòi sao được 50% tiền đã trả kia?
Bảo với các bạn là muốn lấy trước 50% tiền cọc thì các bạn phải ký vào hợp đồng đặt cọc cùng ký với người mua rằng đã nhận 50% tiền cọc từ người bán và sau này có vấn đề gì xảy ra không phải do lỗi người bán thì người mua phải đòi 50% tiền cọc từ môi giới, nhưng các bạn lại giãy nảy lên nói rằng quy định nó phải thế...(?).
Vì vậy, một nguyên tắc sống còn trong việc bỏ tiền ra để đầu tư, cho ai đó, tổ chức nào đó vay là phải nắm được cái gì đó làm thế chấp để phòng ngừa rủi ro, hạn chế thiệt hại khi mọi việc đổ bể.
Thế chấp này có thể là tài sản, có thể là tín chấp. Công việc quản lý rủi ro, phê duyệt tín dụng của người viết được tiến hành với đủ loại khách hàng, tổ chức và cá nhân nhưng trước tiên khách hàng đó phải trải qua quá trình xét duyệt nhân thân bởi một bộ phận khác để biết chắc chắn ai là người có trách nhiệm ở phía khách hàng, người đó có trong sạch về tư pháp hay không, địa chỉ liên lạc như thế nào...
Sau đó là ký kết hợp đồng tín dụng với đủ loại điều kiện, điều khoản chặt chẽ đến từng câu chữ. Và rồi tùy theo thang điểm đánh giá rủi ro tín dụng, khả năng tài chính, người muốn vay tiền sẽ được xét duyệt một hạn mức tín dụng, có thể là không cần thế chấp hoặc phải thế chấp một phần, toàn bộ hoặc thậm chí là cao hơn giá trị khoản vay nếu tài sản thế chấp kém thanh khoản hoặc giá biến động mạnh... Còn có quy định là người vay có tài sản thế chấp sẽ bị margin call nếu giá trị tài sản này sụt giảm xuống dưới ngưỡng quy định, để luôn đảm bảo người cho vay nắm đằng chuôi.
Đương nhiên là quá trình và công đoạn xét duyệt trên chỉ thích hợp với người cho vay/nhà đầu tư tổ chức nhưng ít nhất thì nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tham khảo được mấy nguyên tắc sống còn tối thiểu là biết rõ người vay là ai, địa chỉ ở đâu, vay để làm gì, uy tín ra sao, có được kiểm chứng hay không (tuyệt đối không phải là do một nhân vật có tiếng tăm nào đó “bao” uy tín), khi đổ bể thì bên vay có chắc chắn phải bồi thường, chịu trách nhiệm hay không, với điều kiện nào, trong hoàn cảnh nào, tài sản nào được bên vay/chủ đầu tư mang ra thế chấp, bảo lãnh và sẽ được thanh lý như thế nào và bởi ai...
Nếu những nguyên tắc tối thiểu trên không được tuân thủ thì chắc chắn nhà đầu tư đã lâm vào tình cảnh thả gà ra đuổi, chỉ còn trông vào hên xui, hy vọng rằng người vay/chủ đầu tư không phải là kẻ lừa đảo.
Thực ra thì không phải dự án kêu gọi đầu tư nào cũng là lừa đảo hoặc đổ bể. Rất có thể người vay/chủ đầu tư ban đầu có ý định làm ăn nghiêm túc, nhưng rồi dự án không diễn biến đúng như dự tính nên buộc phải chấm dứt, hoặc tìm cách... lừa đảo để nuôi dự án. Lúc đó, từng câu, từng chữ trong hợp đồng vay vốn/đầu tư sẽ là cái phao hay không để bảo vệ (một phần) quyền lợi của người cho vay/nhà đầu tư.
Giả sử như trong hợp đồng đầu tư, tuy chủ đầu tư cam kết lợi nhuận, nhưng lại thòng thêm một số điều kiện nào đó để biến nó thành một hợp đồng theo kiểu hợp tác đầu tư lời ăn lỗ chịu thì người cho vay/nhà đầu tư lúc này chỉ còn nước... ráng chịu!
Còn nếu thấy những nguyên tắc này xem ra viển vông, khó áp dụng nhưng vẫn cứ mong làm giàu nhanh thì có lẽ nên chơi xổ số thì hơn là trở thành “nhà đầu tư”.