Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hiệu quả hoạt động và bài toán năng suất lao động

Lê Văn Bằng (*) - Lê Hoài Ân (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trước tác động của dịch Covid-19 thì các ngân hàng vẫn đang tiếp tục báo lãi lớn qua các quí. Một góc nhìn khác về kết quả này không những giúp chúng ta hiểu hơn về nguồn gốc vấn đề mà còn giúp hiểu hơn về các xu hướng thay đổi trong cấu trúc xã hội sau dịch.

Ảnh: Vietcombank.com

Rất nhiều người thắc mắc và chất vấn mức lợi nhuận ngất ngưởng của các ngân hàng thương mại trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng lại ít phân tích đánh giá được khía cạnh mà các ngân hàng đã, đang giải quyết được rất tốt trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện tại. Kết quả trên là nỗ lực của các ngân hàng trong một thời gian dài về vấn đề cải thiện năng suất của người lao động.

Biểu đồ bên dưới thể hiện năng suất lao động của một nhân viên ngân hàng Vietcombank trong 10 năm qua, dựa trên việc lấy tổng thu nhập của ngân hàng tạo ra trong năm chia cho số lượng lao động đang có mỗi năm. Kết quả cho thấy mức thu nhập mà mỗi nhân viên tạo ra tăng đều qua các năm và đỉnh điểm đạt đến hơn 3,5 tỉ đồng/nhân viên năm 2019. Nếu so với mức chi phí trung bình khoảng gần 400 triệu/nhân viên trong năm thì rõ ràng lao động của ngân hàng đã được sử dụng rất hiệu quả.

Nhìn rộng ra thì chỉ số CIR (Cost-to-income ratio), thể hiện tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập của ngân hàng, cũng đã giảm rất nhiều trong những năm qua. Việc cải thiện trong những chỉ tiêu hiệu quả này chính là động lực chính góp phần gia tăng lợi nhuận của các ngân hàng trong những năm qua.

Đằng sau sự thay đổi trong năng suất lao động

Chỉ những người đã làm trong ngân hàng mới hiểu được rằng, yêu cầu đối với một nhân viên ngân hàng đã thay đổi theo thời gian như thế nào. Hãy so sánh các chỉ tiêu KPI của nhân viên tín dụng hiện tại và nhiều năm trước để thấy rằng các ngân hàng thương mại đã và đang kỳ vọng ở một người lao động một sự đa dạng về kỹ năng nghề nghiệp hơn như thế nào.

Nếu như nhiều năm trước, các nhân viên tín dụng chỉ phải gánh các chỉ tiêu liên quan đến các nghiệp vụ cho vay của mình như về dư nợ và quản lý nợ xấu, thì giờ đây bộ chỉ tiêu trở nên cồng kềnh hơn rất nhiều với bao gồm cả các chỉ tiêu về dư nợ cho vay, tiền gửi, tài khoản, thẻ tín dụng, bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.

Từng chỉ tiêu nói trên đều cấu thành trong chi tiết trong thu nhập mà người lao động được hưởng, nên họ nhận thức rất rõ việc hoàn thành các chỉ tiêu nói trên sẽ ảnh hưởng đến thu nhập như thế nào. Nhân viên ngân hàng giờ đây được định vị không chỉ là người bán sản phẩm đơn thuần, mà phải có thể trở thành một người tư vấn sản phẩm tài chính để có thể khơi gợi các nhu cầu về dịch vụ tài chính của các khách hàng hiện hữu dựa trên danh mục các sản phẩm tài chính mà ngân hàng có thể phân phối.

Người lao động đang đứng trước yêu cầu phải thay đổi theo một tốc độ nhanh hơn rất nhiều, từ đó đặt ra những yêu cầu bức thiết về việc hoàn thiện và không ngừng nâng cao kỹ năng làm việc. Tuy nhiên, dường như hệ thống giáo dục hiện tại vẫn đang rất chông chênh trong việc hỗ trợ người học hình thành được một bộ các kỹ năng làm việc cần thiết để đáp ứng nhu cầu công việc.

Đó là lý do tại sao chuyện các nhân viên ngân hàng đi sớm về trễ đã trở thành những câu chuyện phổ biến. Để có thể thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu nói trên, áp lực công việc đối với các nhân viên cũng sẽ cao hơn, đòi hỏi một nỗ lực hoàn thiện bản thân liên tục, không chỉ để hoàn thành các chỉ tiêu được giao mà còn để có thể cân bằng cuộc sống cá nhân.

Những người hòa nhập được với xu hướng thay đổi trong yêu cầu của năng suất lao động sẽ có thể phát triển cả năng lực của bản thân và thu nhập. Trong khi đó, những lao động chậm thích ứng sẽ rất dễ bị đào thải.

Nhiều người cho rằng ngành ngân hàng nói riêng và ngành dịch vụ nói chung thường không yêu cầu trình độ cao. Thế nhưng, để làm tốt trong lĩnh vực dịch vụ thì một nhân viên cần rất nhiều kiến thức (kinh tế, văn hóa, xã hội) và kỹ năng (giao tiếp, thương lượng, phân tích...) bổ trợ để hiểu rõ nhu cầu đa dạng của khách hàng, từ đó đưa ra tư vấn sản phẩm dịch vụ phù hợp hơn.

Nhiều nhân viên ngân hàng cảm thấy khó khăn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu được giao là đồng nghĩa họ đã chưa hình dung, đáp ứng đầy đủ những gì thị trường đang cần ở một chuyên viên ngân hàng. Người lao động được kỳ vọng sẽ phải có thể thực hiện đa nhiệm hơn so với trước.

So với các ngành nghề kỹ thuật thì những lĩnh vực dịch vụ, hay cụ thể là ngành ngân hàng, gặp phải khó khăn là nhiệm vụ của họ chỉ có thể hoàn thành khi các chỉ tiêu của họ đã được hoàn thành.

Dù cho bạn làm việc nỗ lực như thế nào, nhưng nếu bạn không thể hoàn thành các chỉ tiêu do lãnh đạo đặt ra thì bạn vẫn bị xét không hoàn thành nhiệm vụ. Chính những yêu cầu công việc mang tính chất tập trung và có kết quả xác định như vậy, khiến cho người lao động tập trung hơn và phải kiểm soát kết quả công việc tốt hơn để chuyển hóa những nỗ lực của họ thành các kết quả cụ thể.

Lời gợi ý cho các ngành nghề khác và một độ chênh trong hệ thống đào tạo

Câu chuyện của ngành ngân hàng gợi mở rất nhiều các ý tưởng cho các ngành nghề khác trong xu hướng phát triển sắp tới. Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển dịch mạnh sang nền kinh tế tập trung vào tiêu dùng nội địa, lấy nền tảng tiêu dùng của các hộ gia đình làm trọng tâm tăng trưởng từ 6-8 năm qua. Xu hướng đó đã tạo ra các cơ hội cho các ngành nghề dựa vào nhu cầu chi tiêu của các hộ gia đình.

Với một nền kinh tế dịch vụ như hiện nay, việc cải thiện năng suất lao động của các ngành nghề khác rồi cũng sẽ theo xu hướng của nhóm ngành ngân hàng. Chỉ tiêu tăng trưởng và KPI sẽ trở thành một yếu tố không thể thiếu đối với các doanh nghiệp, từ ngành bán lẻ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sản phẩm giáo dục... cho đến các sản phẩm tài chính của ngân hàng như chúng ta đã phân tích ở trên.

Bối cảnh nền kinh tế sau đại dịch sẽ yêu cầu mức độ hoạt động độc lập của người lao động ngày càng cao hơn. Dần dần theo xu hướng bình thường mới, các hoạt động back-office cũng sẽ cần được thay đổi và chuẩn hóa cho phù hợp với bối cảnh mới.

Cụ thể, những bộ phận back-office như nhân sự, hành chính, kế toán... cũng phải hiểu rõ về hoạt động kinh doanh của công ty để có thể hỗ trợ tốt cho các phòng kinh doanh. Như bộ phận nhân sự không thể chỉ tuyển thêm người chỉ để đạt chỉ tiêu số lượng hàng năm, mà nhu cầu tuyển dụng phải xuất phát từ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Xu hướng đó sẽ yêu cầu một chất lượng lao động tốt hơn để hoàn thành các công việc đa nhiệm.

Rõ ràng, người lao động đang đứng trước yêu cầu phải thay đổi theo một tốc độ nhanh hơn rất nhiều, từ đó đặt ra những yêu cầu bức thiết về việc hoàn thiện và không ngừng nâng cao kỹ năng làm việc. Tuy nhiên, dường như hệ thống giáo dục hiện nay vẫn đang rất chông chênh trong việc hỗ trợ người học hình thành được một bộ các kỹ năng làm việc cần thiết để đáp ứng nhu cầu công việc.

Điều đó tạo một áp lực lớn về phía doanh nghiệp, vì phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn hóa lại chất lượng lao động để có thể khai thác được tiềm năng của họ. Hay thậm chí chính những điểm tắc trong giáo dục này cũng chính là nguồn cơn của rất nhiều mâu thuẫn giữa người lao động và chủ doanh nghiệp khi người lao động không thể đáp ứng được những kỳ vọng của chủ doanh nghiệp, vốn xuất phát từ những yêu cầu thay đổi của môi trường kinh doanh.

Bài toán sau đại dịch sẽ là một bài toán năng suất lao động, được đặt ra cho cả phía người sử dụng lao động và người lao động. Người sử dụng lao động sẽ suy nghĩ về cách để chuẩn hóa trình độ lao động trong khi người lao động sẽ phải nhận thức được những yêu cầu của xã hội để không ngừng hoàn thiện. Bên nào thực hiện được những mục tiêu trên sẽ tạo ra những lợi thế trong cả mặt trận kinh doanh và phát triển cuộc sống cá nhân.

(*) Vietcombank Gia Định
(**) CFA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới