(KTSG) - Trước năm 2018, việc xe chỉ, đánh dây thừng xơ dừa bằng tay khá vất vả nhưng năng suất không cao, chất lượng sản phẩm chưa tốt. Từ năm 2018 thảm xơ dừa của Công ty TNHH Dừa Đông Dương (Bến Tre) ngày càng được cải tiến. có chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng, kể cả các thị trường xuất khẩu. Đó là nhờ ông Lê Thanh Tiến, Giám đốc công ty Dừa Đông Dương đã chế tạo thành công máy đánh dây thừng và máy liên hợp xe chỉ xơ dừa.
Từ kinh doanh cây kiểng, ông Tiến chuyển hướng sang làm các sản phẩm xơ dừa giữa lúc nghề này đang thịnh ở quê ông (huyện Mỏ Cày Bắc). Nhận được sự thuận tình hợp tác của ông Lê Văn Tiến (xin gọi là “Tiến lớn”, để phân biệt), chủ một cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ xơ dừa, ông Tiến vào xưởng của ông Tiến lớn học nghề. Sau khi đã nắm cơ bản kỹ thuật sản xuất các sản phẩm, ông thành lập công ty Dừa Đông Dương vào năm 2017.
“Động lực khiến tôi chọn nghề này là vì nguyên liệu vỏ dừa ở Bến Tre rất nhiều. Đây cũng là sản phẩm thân thiện môi trường, mà lỡ có bán chậm cũng không dễ hỏng…”, ông Tiến nói.
Tạo ra những sản phẩm chất lượng
Vốn liếng lúc thành lập công ty, ông Tiến chỉ có hơn một trăm triệu đồng, mua được 5 máy xe chỉ xơ dừa. Nhà xưởng đầu tiên được dựng bằng cây lá. Bước đầu, ông được ông Tiến lớn hướng dẫn kỹ thuật và giúp xuất khẩu sản phẩm. Khổ nỗi, máy xe chỉ xơ dừa lúc đó có công suất chỉ 15 ki lô gam/giờ, lại hay bị lỗi nên sản phẩm thiếu chỉn chu, chưa kể phải ngưng việc để sửa chữa.
Vậy là ông Tiến lao vào nghiên cứu chế tạo máy có công suất cao hơn, cho ra sản phẩm chất lượng hơn. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng ông cũng chế tạo thành công hai loại máy: máy liên hợp xe chỉ xơ dừa tự động có công suất 60 ki lô gam/giờ, và máy đánh dây thừng từ chỉ xơ dừa, “ra lò” vào năm 2018. So với lối sản xuất thủ công trước kia, thảm xơ dừa được sản xuất từ hai loại máy mới không những có độ dày, độ chắc cao hơn mà còn mịn hơn. Hiện hai loại máy công ty tự chế chưa đủ lắp đặt cho phân xưởng chính của công ty và chi nhánh ở tỉnh Trà Vinh, do còn phải ưu tiên bán máy cho 9 đơn vị vệ tinh (ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Giồng Trôm) đang cung cấp sản phẩm cho công ty.
Không dừng lại ở chế tạo máy sản xuất các sản phẩm từ chỉ xơ dừa, Đông Dương đang nghiên cứu chế tạo máy dệt thảm xơ dừa. Việc này xuất phát nhờ vào ý tưởng của khách hàng từ các thị trường xuất khẩu. Hàn Quốc muốn nhập thảm xơ dừa cho việc phủ đồi trọc, đậy gốc cây, băng thân cây vào mùa đông; mua mụn dừa làm đất sạch trồng cây. Trung Quốc chỉ thuần nhập xơ dừa, nhưng châu Âu và Mỹ thích nhập các loại chậu trồng hoa, thảm phủ đồi trọc, thảm chắn sóng biển, thảm ngăn tiếng ồn trên đường cao tốc…
Ông Tiến cho biết thêm khách hàng còn đặt công ty làm nhiều sản phẩm thảm xơ dừa cho nhiều loại công dụng khác, như thảm trải đường chống lún, thảm làm vách hàng rào, thảm ủ ấm gốc cây, thảm phủ đất trồng… Người ta vẫn có thể trồng cây vào mắt lưới trên thảm và giữ cho đất chống bị xói mòn.
Việc chế tạo máy dệt thảm chưa thành công nhưng ông Tiến đang quyết tâm làm cho bằng được. Bởi hiện tại, khâu dệt thảm búa xơ dừa còn rất thủ công (giống như dệt chiếu), không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Chúng ta phải nỗ lực, nếu không, họ sẽ bỏ chúng ta để chuyển sang mua thảm xơ dừa ở nước khác”, ông Tiến nói và cho biết Ấn Độ và Philippines cũng đang sản xuất thảm búa xơ dừa như Việt Nam. Indonesia cũng bắt đầu sản xuất thảm xơ dừa.
Ông Tiến vui vẻ chia sẻ, chất lượng sản phẩm của Đông Dương đang ngày càng được hoàn thiện hơn, giá cả cũng ít dao động (khoảng 10 đô la Mỹ/mét vuông thảm búa), và được khách hàng nước ngoài đánh giá cao. Mỗi tháng, công ty xuất khẩu từ 40-60 container thảm xơ dừa, chỉ rối thô, mụn dừa đóng kiện, chậu hoa... Hiện công ty đã có nhiều khách hàng nhưng điều khiến ông Tiến vô cùng băn khoăn là phí vận chuyển tàu biển tăng gần bốn lần so với trước đại dịch Covid-19, trong khi giá bán sản phẩm không tăng, rất khó cho nhà sản xuất.
Ở trong nước, Đông Dương đã cung cấp 2.000 mét thảm xơ dừa cho việc kè bờ biển chống xói lở ở Hội An (Quảng Nam). So với hai đầu kè đá bị sóng biển làm sụp lún, khu vực chắn sóng bằng thảm không bị xói lở. Ông Tiến cho biết thảm xơ dừa có khá nhiều công dụng, đã được nhiều nước nhập khẩu nhưng ngay ở Việt Nam lại chưa sử dụng nhiều. “Chúng tôi sẵn sàng chịu chi phí thí điểm bờ kè chống xói lở ở bờ biển Bến Tre, nếu được cơ quan chức năng của tỉnh yêu cầu”, ông nói.
Sản phẩm thảm xơ dừa của Đông Dương đã được chương trình tuyên truyền quảng bá “Hàng Việt tốt, dịch vụ hoàn hảo năm 2021” do Viện Kinh tế và văn hóa kết hợp với Trung tâm Bảo vệ người tiêu dùng đưa vào top 20 “Hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2021”; thương hiệu Dừa Đông Dương vào top 20 “Thương hiệu nổi tiếng hàng đầu năm 2021”; và ông Lê Thanh Tiến, Giám đốc công ty, được đưa vào danh sách “Doanh nhân tiêu biểu nhận bảng vàng doanh nhân Việt Nam năm 2021”.
Ông chủ tốt
Hiện công ty Đông Dương có chi nhánh ở xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Tại công ty chính thường xuyên có từ 70-100 công nhân làm việc - có trẻ, có già. Đây vốn dĩ là những lao động nông thôn, có người trên 60 tuổi vẫn được công ty nhận vào làm, giúp họ có thêm thu nhập.
Giờ làm việc của họ khá uyển chuyển. Mỗi người được tự chọn giờ làm và hưởng tiền công theo sản phẩm. Tùy hoàn cảnh riêng, có người buổi sáng cho heo, bò ăn xong, 8 giờ mới đến công ty, chiều làm đến 17 giờ. Có người 3 giờ sáng đã đến xưởng dệt thảm, 15 giờ chiều nghỉ để về cắt cỏ cho bò hay lao động đồng áng. Có người nỗ lực làm đến 10 giờ đêm để có thêm thu nhập.
Công ty có bếp ăn miễn phí dành cho người làm việc theo giờ hành chánh. Nhân viên cứ sáng đến báo cơm cho chị nuôi là sẽ có cơm ăn trong ngày làm việc. Những người mới vào học việc tuy không có tiền công nhưng được dùng cơm “0 đồng” của công ty. Người lao động thường xuyên, có tay nghề kỹ thuật cao được công ty mua bảo hiểm xã hội theo quy định.
Ở công ty, việc nhẹ dành cho người lớn tuổi, người sức yếu. Những người trẻ làm các khâu đứng máy xe chỉ, máy đánh dây thừng, dệt thảm… và có thu nhập cao hơn. Ông Mai Văn Hiệp, 62 tuổi, cùng vợ là bà Huỳnh Thị Ửng 59 tuổi làm ở khâu chặt, cả hai thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng. Nhà ông Hiệp có vườn dừa, hôm nào bận thu hoạch, ông bà chỉ cần báo với tổ trưởng nghỉ làm một buổi. Trong khi đó, chị Võ Thị Thủy là công nhân trẻ làm ở khâu đan thảm. Chị làm theo giờ hành chánh, thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, ăn cơm của công ty và… “thức ăn rất ngon”!
Ở đây, công nhân hoặc người nhà của họ nếu đau bệnh, hoặc gia đình có cưới hỏi, tang chế… thì đều được công ty tặng quà, giúp đỡ. Ngày lễ, Tết, công ty cũng đều tặng quà cho người lao động.
Bên cạnh những nỗ lực cải tiến máy móc, chính sánh lao động mềm dẻo và ưu đãi khiến người lao động ở Đông Dương luôn dành sự tận tâm, tận tình làm ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, chỉn chu.