Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khẩn cấp mà lại phải… chờ?

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, có hai dự án cao tốc được đưa vào hoạt động là Trung Lương - Mỹ Thuận và Cao Bồ - Mai Sơn. Điểm chung của hai cao tốc này là đều không có làn dừng xe khẩn cấp - một điều nguy hiểm vì tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân khi lưu thông trên cao tốc như vậy. Tại sao tên gọi là “làn khẩn cấp” nhưng không được làm ngay mà phải chờ giai đoạn 2.

Chỉ trong thời gian thông xe tạm từ ngày 25-1 đến 9-2, thống kê từ Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết có khoảng 450.000 lượt xe lưu thông trên tuyến cao tốc này, trung bình khoảng 28.100 lượt xe/ngày đêm. Trong thời gian cho xe chạy tạm, trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã xảy ra 24 vụ va chạm giao thông, 99 vụ xe bị hư, chết máy. Có đến 249 xe bị nổ vỏ, trong đó có vụ xe tải bị lật do nổ vỏ vào chiều Mùng 3 Tết gây ra vụ kẹt xe dài 3 ki lô mét và kéo dài suốt 3 giờ đồng hồ(1).

Các số liệu này cho thấy trung bình mỗi ngày có hơn 20 sự cố các loại xảy ra với xe lưu thông trên cao tốc này. Vì vậy, việc các dự án cao tốc gần đây đưa làn dừng xe khẩn cấp vào phân kỳ đầu tư giai đoạn 2 thay vì đưa vào ngay từ đầu (giai đoạn 1) là mối nguy hiểm tiềm ẩn. Đáng ngại hơn, việc xác lập xây làn khẩn cấp trong giai đoạn 2 này ngày càng phổ biến hơn, ví dụ như hồi đầu năm nay, báo cáo tiền khả thi của dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng nêu rõ sẽ chưa có làn khẩn cấp trong giai đoạn 1(2).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, phần lớn trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang thi công cũng rộng 17 mét, 4 làn xe, chỉ bố trí các làn dừng xe khẩn cấp cách quãng để đảm bảo hiệu quả đầu tư trong giai đoạn phân kỳ. Ở giai đoạn đầu tư theo quy mô hoàn chỉnh, làn dừng xe khẩn cấp toàn tuyến sẽ được xây dựng. Lý do được Bộ này đưa ra là nguồn vốn đầu tư khó khăn(3).

Việc cắt giảm làn khẩn cấp buộc xe hư hỏng phải đậu giữa đường vì không phải xe nào cũng có thể “lết” đến điểm dừng khẩn cấp. Nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao vì khi xe đang chạy nhanh thì tài xế khó phản ứng kịp, nhất là trong đêm tối. Khi xảy ra tai nạn thì trách nhiệm quy hết về người lái xe và chủ xe, đơn vị xây dựng đường cao tốc đương nhiên vô can thì họ “làm theo thiết kế được phê duyệt”!

Không phải ngẫu nhiên mà làn dừng này được gọi là làn khẩn cấp. Theo bộ tiêu chuẩn TCVN 5729: 2012 “Đường ô tô cao tốc - yêu cầu thiết kế” do Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải biên soạn, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố thì dải an toàn phía lề đường (cũng được gọi là làn dừng xe khẩn cấp) là thành phần bắt buộc phải có trong thiết kế cao tốc.

Điều 6.3.3 của TCVN 5729: 2012 quy định làn dừng xe khẩn cấp có chiều rộng tối thiểu 2,5 mét. Trong trường hợp địa hình rất khó khăn, hoặc để rút ngắn khẩu độ công trình vượt hay công trình qua đường thì điều 6.6 có quy định chi tiết: Nếu được cấp quyết định đầu tư chấp thuận thì được phép chỉ bố trí dải dừng xe khẩn cấp từng đoạn dài 30 mét cách nhau 500 mét.

Đối chiếu với hai điều này, việc cắt bỏ hoàn toàn làn dừng xe khẩn cấp hoặc xây dựng điểm dừng khẩn cấp cách nhau 4-5 ki lô mét như ở cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đều không tuân thủ đúng theo TCVN 5729: 2012.

Thiết nghĩ, trong trường hợp không đủ kinh phí, hãy học tập kinh nghiệm của người Hàn Quốc. Năm 1968, khi nước này xây dựng đường cao tốc Gyeongbu, họ làm hoàn chỉnh từng đoạn rồi mở đường rẽ ra, đoạn nào hoàn chỉnh đoạn đó chớ không làm cho đủ chiều dài rồi sau đó mới mở rộng sau trong giai đoạn 2!(4)

Ngay cả Nhật Bản, dù rất khó khăn sau chiến tranh thì Meishin - cao tốc đầu tiên ở Nhật - khi đi vào hoạt động đầu thập niên 1960 ngoài 4 làn chính vẫn có đủ làn khẩn cấp. Cũng như người Hàn, người Nhật chọn phương án xây cao tốc đúng chuẩn, đủ chiều ngang theo từng đoạn và nối dài dần dần.

Các hình ảnh tư liệu của đường cao tốc Meishin(5) cho thấy ngày từ đầu đường này đã có đầy đủ làn khẩn cấp. Vì vậy, thông tin “Nhật Bản làm cao tốc trong thời kỳ đầu có 4 làn xe và không có làn dừng khẩn cấp liên tục” mà một số báo chí trích dẫn là không chính xác.

----------

(1)https://tuoitre.vn/can-dieu-chinh-gi-tren-cao-toc-trung-luong-my-thuan-20220210205241265.htm

(2)https://vnexpress.net/de-xuat-gan-22-000-ty-dong-dau-tu-cao-toc-khanh-hoa-buon-ma-thuot-4419409.html

(3)https://tuoitre.vn/vi-sao-mot-so-duong-cao-toc-moi-khong-co-lan-dung-xe-khan-cap-20220126101546218.htm

(4)https://thongtinhanquoc.com/duong-cao-toc-gyeongbu/

(5)https://www.nippo-c.co.jp/english/transportation&infrastructure/highway.html

2 BÌNH LUẬN

  1. Có mấy lý do chính 1. Thiếu tiền (điệp khúc này không chính đáng, tiền không thiếu, chỉ do không biết cách xài, ODA hối thúc cả năm vẫn không giải ngân được là gì?, 2. Vẽ một đường, làm một kiểu (thiết kế và giá cả theo chuẩn cao tốc, nhưng thực tế thì làm kiểu khác), 3. An toàn về lý thuyết luôn là số một, nhưng thực chất nếu làm kiểu này thì an toàn luôn là số cuối.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới