Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

13 địa phương ĐBSCL hợp tác phục hồi và phát triển du lịch

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày 28-2 đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong đó nội dung quan trọng là phục hồi và phát triển du lịch của vùng này trong trạng thái bình thường mới.

Một góc TP Cần Thơ về đêm nhìn từ khách sạn Ninh Kiều Riverside. Ảnh: Trung Chánh

Nội dung của thỏa thuận hợp tác bao gồm liên kết hợp tác thông tin về tình hình phát triển du lịch; liên kết hợp tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch; liên kết hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch; liên kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch và kết nối 13 địa phương tổ chức các hoạt động, sự kiện tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn, linh hoạt.

Ngoài ra, 13 địa phương ĐBSCL cũng thoả thuận liên kết xây dựng, giới thiệu các gói kích cầu du lịch nội địa có ưu đãi, cam kết về chất lượng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, các chương trình du lịch tới các điểm đến…

13 địa phương ĐBSCL ký kết thoả thuận hợp tác phục hồi và phát triển du lịch. Ảnh: Trung Chánh

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị “Phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới” vào chiều ngày 28-2 ở TP Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói rằng du lịch ĐBSCL thời gian qua đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội cả các địa phương trong vùng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Riêng TP Cần Thơ, năm 2021, lượng khách đến giảm 62%; khách lưu trú giảm trên 55%, trong đó, khách quốc tế lưu trú giảm 92%; tổng doanh thu du lịch cũng giảm 56,6% so với cùng kỳ”, ông Hiển dẫn chứng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, Cụm trưởng cụm du lịch phía Tây ĐBSCL (gồm 7 địa phương: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau - PV), cho biết tổng lượt khách du lịch đến vùng ĐBSCL năm 2019 đạt 47 triệu lượt. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tức khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lượng khách du lịch đến vùng chỉ còn khoảng 28,4 triệu lượt và đến năm ngoái lượng khách đến vùng chỉ còn khoảng 23,1 triệu lượt.

Về doanh thu, ngành du lịch cũng giảm mạnh từ khoảng 29.830 tỉ đồng năm 2019, xuống chỉ còn 9.591 tỉ đồng trong năm ngoái.

Theo ông Tuấn, riêng cụm du lịch phía Tây của vùng ĐBSCL, tổng lượng khách đến vào năm 2019 đạt 33,4 triệu lượt, thì đến năm 2021 chỉ còn 11,7 triệu lượt; doanh thu ngành du lịch cũng từ mức 24.300 tỉ đồng, giảm xuống chỉ còn khoảng 9.300 tỉ đồng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch vùng ĐBSCL trong hai năm qua (2020-2021), thì ngay những tháng đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, khách du lịch đến vùng đã có sự cải thiện, nhất là khách du lịch nội địa.

Bà Quảng Xuân Lụa, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết luỹ kế hai tháng đầu năm nay, tổng lượt khách đến với tỉnh Kiên Giang - địa phương du lịch trọng điểm của vùng ĐBSCL - đạt 1 triệu lượt. “Năm 2022, ngành du lịch Kiên Giang đặt mục tiêu đón 5,6 triệu khách, trong đó, có 200.000 khách quốc tế”, bà Lụa nói.

Để góp phần phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch ĐBSCL trong tình hình mới, 13 địa phương trong vùng đã “bắt tay” thông qua ký kết thoả thuận hợp tác như đã nêu ở trên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới