(KTSG Online) – Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Yêu cầu này được Thủ tướng nêu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2021 vào sáng 3-3.
Với mục tiêu tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết.
Ông cũng giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết tỷ lệ tử vong/số mắc giảm từ 2,45% xuống 1,54% từ khi thực hiện nghị quyết của Chính phủ về thích ứng an toàn đến nay, kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc.
Nhưng cơ quan này dự báo dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quốc gia cũng nhận định chưa thể kiểm soát được Covid-19 trước năm 2023, đặc biệt là biến chủng mới Omicron và các biến chủng khác tiềm ẩn nhiều nguy cơ chưa lường trước được.
Với chương trình phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện dự thảo chương trình, bảo đảm sát tình hình để sớm trình ban hành trong tuần này.
Một số mục tiêu cụ thể của chương trình gồm bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 và chủ động cung ứng vaccine; giảm tối thiểu 30% tỷ lệ tử vong do Covid-19/tổng số bệnh nhân được phát hiện, quản lý và điều trị tại cơ sở y tế và tại cộng đồng; tất cả các cấp chính quyền có kịch bản phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm sẵn sàng lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại chỗ và có kế hoạch bố trí lực lượng tăng cường khi cần thiết; bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19; 100% các biện pháp phòng, chống dịch, chiến lược tiêm vaccine phòng Covid-19 được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời tới người dân để tạo đồng thuận khi thực hiện.
Về tình hình dịch Covid-19, Việt Nam đã ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm Covid-19 tính từ tháng 4-2021 tới nay. Trong đó, có 2,5 triệu ca được công bố khỏi bệnh.
Về tiêm chủng, cả nước đã tiêm tổng số 195 triệu liều vaccine. Với nhóm dân số từ 18 tuổi tở lên, cả nước đã tiêm hơn 151 triệu liều, gồm 70 triệu liều mũi một; 67 triệu liều mũi hai; 13 triệu liều mũi bổ sung; 1,4 triệu liều mũi ba.
Với nhóm dân số trong độ đuổi 12 - 17 tuổi, cả nước đã tiêm được gần 17 triệu liều, gồm 8,6 triệu liều mũi một, 8 triệu liều mũi hai.
Từ Pandemic (đại dịch) —> Epidemic (dịch bệnh)/ Endemic (bệnh đặc hữu/ địa phương) là quy luật phổ biến. Hiện tại đã có thể ban hành quyết định xem covid như là bệnh địa phương/ vùng miền. Thế giới đã bắt đầu công bố rộng rãi rồi. Từ đó tạo đà cho việc hoạch định chính sách mở cửa/ phục hồi/ phát triển nhanh chóng và chủ động.
Đề nghị miễn luôn cách gọi F1/F0… Dừng các khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Lập bộ phận chuyên trách chăm sóc sức khỏe hậu covid ở các bệnh viện, trung tâm y tế. Bảo hiểm xã hội cũng cần công bố rõ việc chi trả đầy đủ các chi phí theo quy định khi người dân đi khám chữa bệnh covid.