Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chính sách thuế không chỉ để thu cho ngân sách

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về sửa sáu luật thuế quan trọng. Hy vọng trong lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo luật cũng như Quốc hội sẽ lưu ý hơn đến vai trò điều tiết và tạo động lực cho phát triển để sửa chữa những khuyết tật của thị trường và giải quyết những bất cập đang kìm hãm tiềm lực tăng trưởng.

Một trong những điểm đáng chú ý liên quan đến Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là vấn đề có hay không đánh thuế sở hữu nhà đất. Thật ra loại thuế này đã có ở Việt Nam từ lâu, gọi chung là thuế nhà đất, nhưng số tiền thuế mà người sở hữu nhà và đất ở phải nộp hàng năm chỉ giống như cho có, đến mức không ít người đã quên là nó đã tồn tại.

Thậm chí cơ quan thuế nhiều lúc cũng “quên” thu khoản thuế này và chỉ yêu cầu người sở hữu nộp khi có phát sinh yêu cầu chuyển nhượng. Vì mức thuế quá thấp nên mọi người chưa bao giờ phải băn khoăn hay tính toán khi mua thêm nhiều nhà, đất. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy làn sóng mua đất, mua nhà để đầu cơ, gây ra sốt đất và đẩy giá nhà đất lên rất cao, vượt quá xa tầm với của những người có nhu cầu thực về nhà ở.

Hậu quả của phong trào đầu cơ và bong bóng giá nhà đất đối với nền kinh tế và xã hội như thế nào chắc hẳn cơ quan soạn thảo luật là Bộ Tài chính và cơ quan lập pháp là Quốc hội đã biết. Tuy nhiên, cho đến nay Nhà nước vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào để giải quyết, mặc dù Nhà nước đang nắm trong tay một công cụ điều tiết rất mạnh, đó là thuế.

Trên thực tế, vấn đề đánh thuế cao đối với người sở hữu căn nhà thứ 2 hoặc thứ 3 trở đi đã được đề cập không ít trong nhiều năm qua. Thậm chí, một dự luật về loại thuế này cũng đã được trình ra Quốc hội, nhưng không được thông qua. Vì vậy, không khó để dự đoán ý tưởng đánh thuế sở hữu bất động sản lần này vẫn sẽ gặp rào cản rất lớn, đó là chưa kể ngay cả khi nó được đưa vào dự luật và được thông qua thì có khả năng là mức thuế được ấn định cũng thấp, và nếu điều đó xảy ra thì khả năng thuế phát huy được tác dụng điều tiết đối với thị trường bất động sản cũng là rất nhỏ.

Thuế Bảo vệ môi trường đánh trên xăng dầu lại hoàn toàn ngược lại. Mục tiêu chính của loại thuế này, ngoài tạo ra nguồn thu để chi trả cho những hoạt động nhằm giảm tác động do ô nhiễm môi trường gây ra, còn là tạo ra sức ép về giá cả để giảm sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm làm tổn hại môi trường.

Nhưng đối với hàng hóa như xăng dầu, doanh nghiệp và người dân không có lựa chọn và cũng không thể từ bỏ. Ngư dân không thể ngừng đổ dầu hoặc thay bằng loại nhiên liệu nào khác ngoài dầu để dong thuyền ra khơi; người dân và doanh nghiệp cũng chẳng còn chọn lựa nào khác ngoài xăng dầu cho phương tiện vận tải và lưu thông của họ. Thế nên, loại thuế này hầu như không giúp giảm mức sản xuất và tiêu thụ mà còn chồng chất gánh nặng lên người dân và doanh nghiệp.

Một nghịch lý nữa là ngay cả xăng sinh học cũng bị đánh thuế bảo vệ môi trường. Cho dù mức thuế có thấp hơn đôi chút, nhưng chênh lệch không đáng kể so với xăng khoáng khiến cho loại nhiên liệu được cho là giúp giảm ô nhiễm và được khuyến khích sử dụng này đang dần biến mất khỏi thị trường.

2 BÌNH LUẬN

  1. Thuế trước hết là công cụ phân phối lại nguồn lực tài chính xã hội. Thuế còn có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc khai thông hoặc tập trung nguồn lực kinh tế để phục vụ đầu tư phát triển theo định hướng thu ít trước mắt để thu nhiều hơn trong tương lai, thu lâu bền hơn. Nhưng thuế, suy cho cùng, phải luôn nhắm đến mục tiêu cốt lõi là nuôi và dưỡng nguồn thu. Nếu không có lực lượng sáng tạo ra của cải vật chất ngày càng nhiều, càng hiệu quả thì nguồn thu sẽ dần bị triệt tiêu. Khi đó, THUẾ sẽ bị mất tác dụng, sẽ biến thành THU-Ế mà thôi.

  2. Tôi nghĩ, thuế ngoài thu cho ngân sách, còn có tác dụng kích thích phát triển. Hiện ở VN thì thuế thu nhập cá nhân khá cao, nhưng thuế sở hữu bất động sản lại thấp chưa tương xứng. Hậu quả là người có thu nhập cao chuyển một phần thu nhập sang bất động sản để né thuế. Việc này làm thất thu ngân sách, và thiếu vốn để đầu tư sang các ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới