Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng tháo gỡ vướng mắc du lịch thủy nội địa

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Những phân tích và ghi nhận sau buổi họp về tình hình triển khai phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến du lịch thủy nội địa nhằm đón đầu cơ hội mở cửa du lịch trong thời gian đến.

Nhiều vấn đề cần giải quyết

Những ngày này, một doanh nhân đầu tư tàu ca nô chạy tuyến sông Hàn ra biển, đến các điểm như hòn Chảo, Sủng Cỏ, bãi Chuối… xung quanh bán đảo Sơn Trà liên tục đi tàu ra biển để câu cá cùng bạn. Đi câu cá là phụ, xem xét tình hình khai thác trở lại tour thủy nội địa bằng ca nộ mới là mục đích chính khi du lịch mở cửa trở lại.

Tàu du lịch tại Đà Nẵng hiện nay phải "đậu tạm" trong khu vực của biên phòng vì chưa có bến riêng. Ảnh: Nhân Tâm

“Đà Nẵng phải tạo điều kiện để khách lên bờ tại các bãi nổi để nghỉ ngơi, ăn uống và tắm biển khi tham quan tour đường thủy”, vị doanh nhân này (xin giấu tên) nói và chia sẻ thêm các điều kiện ràng buộc cần được tháo gỡ để khách trải nghiệm thêm các tour du lịch tại Đà Nẵng thay vì chỉ đi dọc sông Hàn và ngắm các cây cầu về đêm. Ngay cả quy định diễn viên múa điệu Chăm trên các con tàu du lịch sông Hàn ban đêm phải mặc áo phao khi múa cũng cần xem lại, vị doanh nhân này cho hay.

Những vấn đề mà vị doanh nhân này nêu ra cũng gần như tương tự với những vấn đề được đưa ra tại buổi họp ngày 15-3, về tình hình triển khai phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng với sự tham gia của ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và các bên liên quan.

Theo thống kê của Sở Du lịch, hiện nay tại Đà Nẵng có 10 doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy với tổng số 28 tàu đang hoạt động, sức chứa hơn 2.000 chỗ, đảm bảo tiêu chuẩn quy định, được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Lượng khách du lịch đường thủy trong giai đoạn 2016-2019 có tốc độ tăng trưởng đạt 54%, với gần 200.000 lượt khách năm 2016 và 726.472 lượt năm 2019.

Lượng khách đường thủy chủ yếu là khách đi trên tuyến Sông Hàn - Trần Thị Lý và tuyến sông Hàn - hòn Chảo. Trong đó, tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý là tuyến chủ lực được doanh nghiệp khai thác.

Các tuyến sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà và tuyến sông Hàn - hòn Chảo còn thiếu điểm dừng chân, sản phẩm dịch vụ, chưa thống nhất trong việc phối hợp khai thác bãi Sủng Cỏ, bãi Mà Đa, hòn Chảo...

Đối với các tuyến còn lại chưa có khách do chưa đủ điều kiện để khai thác khách theo quy định. Đối với các tuyến sông Hàn - Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai, hiện vẫn còn thiếu các hạng mục, dịch vụ phụ trợ, chưa đầu tư được đội tàu đủ điều kiện hoạt động. Do đó, chưa đảm bảo cơ sở tiến hành công nhận tuyến vận tải đường thủy theo quy định để doanh nghiệp đưa vào khai thác. Lượng khách du lịch chủ yếu là khách đi theo đoàn được doanh nghiệp lữ hành khai thác, chủ yếu là khách quốc tế theo đoàn do công ty lữ hành tổ chức.

Thành phố đã quy hoạch 39 vị trí đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa. Tuy nhiên, đến nay, có 1 bến hoàn thành và công bố bến (bến CT15), 4 bến hoàn thành xây dựng nhưng chưa công bố bến, 10 bến đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai xây dựng, 24 bến đang tạm dừng và chưa triển khai đầu tư xây dựng.

Bà Phạm Nhất Nữ Như Hoa, Giám đốc công ty Đồng Vĩnh Thịnh - hiện đang khởi động lại du thuyền mang tên Đà Nẵng Dragon Cruise hoạt động chủ yếu trên sông Hàn và khu vực biển ven bán đáo Sơn Trà, cho hay tuyến ven biển bán đảo Sơn Trà và giáp với tỉnh Thừa Thiên Huế chính sách chưa theo kịp sự phát triển. Chính quyền khuyến khích đóng tàu nhưng chưa cho triển khai các hoạt động cho khách chơi trên biển. Khách đến các bãi biển nhưng không được xuống nước, chỉ được ngồi trên tàu.

Từng bước tháo gỡ

Các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch cần những quy định thoáng hơn để có thể phục vụ khách du lịch trong thời gian mở cửa sắp đến. Ảnh: Nhân Tâm

Để tháo gỡ vấn đề này, tại cuộc họp, ông Sơn đề nghị các Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải phối hợp Viện Quy hoạch điều chỉnh bổ sung các vị trí xây dựng bến thủy nội địa đảm bảo công năng tiếp nhận đa dạng các loại tàu du lịch, du thuyền dưới 30 chỗ, tàu thủy lưu trú du lịch trên các tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý, khu vực quanh bán đảo Sơn Trà, theo Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng.

Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ tham mưu UBND thành phố huy động nguồn lực các doanh nghiệp để sớm đầu tư, xây dựng cảng, bến thủy nội địa và hạ tầng dịch vụ tại các vị trí đã được quy hoạch trên các tuyến đường nội địa. Việc thực hiện quy hoạch xây dựng cảng, bến chú trọng tích hợp các tổ hợp dịch vụ, mua sắm, công viên...

Ông Sơn cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND thành phố hướng dẫn các chủ bến thực hiện công bố bến thủy nội địa, công bố tuyến theo quy định đối với các bến, tuyến đường thủy đã đủ điều kiện.

Lãnh đạo thành phố cũng thừa nhận một số quy định về vận tải đường thủy nội địa chưa phù hợp với thực tế, không đảm bảo điều kiện để doanh nghiệp khai thác các loại hình tàu thủy lưu trú du lịch hoặc tàu du lịch cao cấp, du thuyền dưới 30 chỗ trên tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý, sông Hàn - hòn Chảo, sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà, tuyến CT15 đi Bãi Đa để phục vụ phân khúc khách cao cấp.

Vì vậy, Sở Du lịch được yêu cầu nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục liên quan, triển khai đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư xây dựng các cảng, bến thành cảng du lịch chuyên dụng, tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo khai thác hiệu quả các tuyến du lịch đường thủy chủ lực và khai thác các tuyến từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam, ưu tiên trước mắt khai thác tuyến đi Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới