Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

YouTube, Facebook, Netflix có muốn nộp thuế cũng không dễ!

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Anh bạn tôi đang làm việc ở một công ty truyền thông lớn, tham gia trong mạng lưới network (tạm xem như đại lý tại Việt Nam cho các trang mạng xã hội nước ngoài), sau khi xem tin “YouTube, Facebook, Netflix có thể nộp thuế trực tiếp cho Việt Nam”(*) đã điện thoại cho tôi phán một câu: “YouTube, Facebook, Netflix có muốn nộp thuế cũng không dễ!”.

Theo báo chí đăng tải ngày 21-3 thì các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như YouTube, Facebook, Netflix… có thể nộp thuế với phần doanh thu phát sinh ở Việt Nam qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài kê khai và nộp thuế tại Việt Nam (http://etaxvn.gdt.gov.vn) từ 21-3-2022.

Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới từ nhiều năm qua đã luôn tìm cách ép bằng luật pháp các ông lớn công nghệ thông tin xuyên biên giới phải nộp thuế cho phần phát sinh doanh thu ở quốc gia sở tại. Ép buộc, yêu cầu, đàm phán… là một chuyện, còn các nhà cung cấp dịch vụ mạng xuyên biên giới có nộp thuế được hay không lại là chuyện khác.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trong lần trả lời các đại biểu Quốc hội gần đây cho biết, ngành thuế đã thu gần 5.000 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, gồm 1.964 tỉ đồng từ Facebook, 1.618 tỉ đồng từ Google, 576 tỉ đồng từ Microsoft, gần 1.318 tỉ đồng từ thương mại xuyên biên giới.

Thế nhưng theo anh bạn tôi, Việt Nam chỉ mới thu thuế được từ những cá nhân hoặc tổ chức có thu nhập do Facebook, YouTube. Đó là những Youtuber hay các nhà sáng tạo nội dung trên Facebook do các ông lớn này trích tỷ lệ chuyển tiền về Việt Nam qua ngân hàng. Còn thuế đánh trên doanh thu của các ông lớn này phát sinh tại Việt Nam thì chưa thu được.

Các nhà mạng này họ không có pháp nhân chính thức tại Việt Nam, cao lắm chỉ là văn phòng đại diện mang tính chất xúc tiến, quảng bá, không trực tiếp tham gia kinh doanh. Nhưng văn phòng đại điện, nếu có, không phải là một pháp nhân kê khai quyết toán thuế, ngoại trừ thuế thu nhập cá nhân của nhân viên văn phòng.

Mặc dù Facebook thu không ít tiền từ Việt Nam, như con số thuế không thôi đã gần 2.000 tỉ đồng ở trên, nhưng đội ngũ (team) Facebook Việt Nam lại làm việc ở Singapore phụ trách thị trường Việt Nam. Chẳng hạn một người “chạy” quảng cáo cho một sự kiện của công ty thì thanh toán tiền qua Facebook ngay trên mạng, không có hóa đơn, chứng từ. Trường hợp có hóa đơn “chạy” quảng cáo qua một công ty đại lý như công ty của anh bạn tôi thì công ty này xuất hóa đơn, nộp thuế, và trả cho Facebook theo chính sách network của họ.

YouTube cũng không khác gì, nếu tôi là Youtuber thì hoặc là tôi đăng ký cá nhân, phát sinh tiền thì Youtube chuyển qua tài khoản cho tôi sau khi trừ thuế bên Mỹ. Về Việt Nam, nếu số tiền nhiều, hàng chục ngàn đô la trở lên, tôi phải kê khai nộp thuế thu nhập ở ngân hàng hoặc qua network thì công ty làm network trả cho tôi sau khi cấn trừ thuế thu nhập cá nhân.

Bản chất của khoản thu thuế tại Việt Nam hiện nay không phải dựa vào doanh thu mà là thu nhập cá nhân sau khi doanh thu đã trừ thuế của Mỹ (khi Youtuber đăng ký bật kênh trả tiền có thỏa thuận chi tiết này), trích tỷ lệ ăn chia hai bên.

Cách thanh toán, trả tiền nói trên đã diễn ra nhiều năm qua và mấu chốt vấn đề muốn thu được thuế từ doanh thu của các nhà mạng xuyên biên giới phát sinh tại Việt Nam là phải bắt buộc các nhà mạng xuyên biên giới mở công ty hoặc chi nhánh tại Việt Nam? Nhưng thời đại công nghệ thông tin, thanh toán qua mạng, cũng rất khó yêu cầu nhà mạng phải mở thêm chi nhánh hay công ty cho tốn kém nhân sự, chi phí.

Hơn nữa, các nhà mạng xuyên biên giới như YouTube hay Facebook họ sẽ thích các công ty đại lý ở địa phương sở tại hơn, như một cách thuê ngoài, vừa ít nhiều giúp họ kiểm soát phần nào nội dung, quảng bá, phát triển thêm khách hàng và lo luôn khâu thuế má nếu có.

Vậy nên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài kê khai và nộp thuế tại Việt Nam tôi đoan chắc tương lai cũng chẳng có nhà mạng nào vào đăng ký khi không ai có nhu cầu.

Và tôi cũng bất ngờ khi bạn tôi nhắc cứ vào đăng ký thử xem sao? Báo đăng cổng này hoạt động từ 21-3, hôm nay tôi vào trang web thử lúc thì báo “Service Unavailable”, lúc thì chạy xoay mòng mòng vài phút hiện ra một vài chữ tiếng Anh mà nhấp đăng ký không được.

YouTube, Facebook, Netflix có muốn nộp thuế cũng không dễ!

-----------

(*) https://thesaigontimes.vn/youtube-facebook-netflix-co-the-nop-thue-truc-tiep-cho-viet-nam

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi nhấp vô vẫn thấy ra trang này mà, chắc mạng của người viết có vấn đề. Tôi thấy ra cổng kê khai thuế này ít nhất cũng có chỗ để mấy ông đó đăng ký nộp thuế (nếu có trách nhiệm thật sự). Chứ không có sau này mấy ổng lại lý luận kiểu tôi ở nước ngoài không kê khai thuế đóng ở VN được nên không đóng. Còn chuyện ép đóng thì từ từ sẽ đến bước này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới