Chuyên gia UNDP: Cần giảm lạm phát dưới 10%
Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP, ông Jonathan Pincus - Ảnh: MỘNG BÌNH |
(TBKTSG Online) - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, ông Jonathan Pincus, bày tỏ quan ngại về tình hình giá cả tăng cao tại Việt Nam và kêu gọi Chính phủ tìm mọi biện pháp để giảm lạm phát xuống dưới 10%.
“Vấn đề cấp bách hiện nay là Việt Nam cần phải giảm lạm phát xuống dưới 10% để làm người dân và doanh nghiệp cảm thấy an tâm hơn,” ông Pincus nhận định.
Theo ông, lạm phát tăng cao không tốt cho nền kinh tế vì Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu, rất khó cho các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch kinh doanh và sản xuất, còn người nghèo sẽ bị “tổn thương”.
Lạm phát tăng sẽ kéo đồng lương và giá cả dịch vụ tăng theo, các nhà đầu tư và công ty nước ngoài sẽ không thấy Việt Nam hấp dẫn nữa. Kết quả là các nhà đầu tư sẽ chuyển nhà máy và văn phòng sang các nước khác có tính cạnh tranh hơn.
“Lạm phát ở Việt Nam hiện nay cao hơn gấp hai lần so với các nước khác trong khu vực và cao hơn cả ở Trung Quốc,” ông Pincus nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chỉ vài giờ trước cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ diễn ra ngày 28-2 tại Hà Nội mà các câu hỏi tập trung nhiều vào lạm phát và giá cả tăng cao.
Ông Pincus cảnh báo: “Lạm phát cao hơn 10% là một vấn đề lớn phải xem xét, và Việt Nam phải nhận ra rằng thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề nhưng Việt Nam cũng có những vấn đề riêng phải giải quyết.”
Ông Pincus nhấn mạnh đừng nên lấy mức tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam để so sánh và làm giảm nhẹ tình hình lạm phát vì đây là hai vấn đề khác nhau. Ông giải thích tăng trưởng là thước đo về tính hiệu quả của toàn nền kinh tế trong khi lạm phát lại liên quan đến nhiều yếu tố và chính sách, bao gồm lĩnh vực tiền tệ.
Ông Pincus cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần tập trung vào các chính sách tổng thể giúp kiềm chế lạm phát hơn là tập trung nhiều vào việc cung, cầu tiền trên thị trường để rồi yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc, buộc các ngân hàng mua tín phiếu…
Ông nói một sự cố bất chợt liên quan đến cung tiền tệ sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho các ngân hàng, người vay và cả thị trường ngoại tệ.
Ông Pincus đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải cải cách hơn nữa để hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn. “Ngân hàng cần được cải tổ vì một nền kinh tế hiện đại phải có một ngân hàng hiện đại.”
Ông góp ý Việt Nam nên thuê các chuyên gia giúp đề xuất các giải pháp trong lúc Việt Nam cần ứng phó mau lẹ với những thay đổi của thế giới: “Hiện nay, Việt Nam đã là một phần của nền kinh tế thế giới, vì thế đất nước này cũng hưởng lợi từ những cơ hội nhưng cũng gánh chịu những tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới.”
Theo ông, thách thức cho Chính phủ Việt Nam hiện nay là làm thế nào để phát triển các cơ quan có khả năng phản ứng nhanh và hiệu quả khi có những thay đổi của nền kinh tế thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam: “Chính phủ Việt Nam đang phải đối phó với những vấn đề mà trước đây chưa từng gặp phải.”
Theo ông, một trong những vấn đề lớn nhất mà Việt Nam phải giải quyết là việc thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và các bộ ngành, và giữa các cơ quan với nhau. Ông nêu ví dụ liên quan đến chính sách tài chính của Chính phủ và chính sách tiền tệ, trong khi Ngân hàng Nhà nước cố gắng kiểm soát lượng tiền lưu thông, hạn chế cho vay tín dụng thì Chính phủ lại chi tiêu nhiều hơn trước.
Ông so sánh việc thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành ở Việt Nam hiện nay như một chiếc xe hơi mà trên đó một người đạp thắng nhưng cùng lúc đó một người khác lại nhấn ga: “Kết quả là lạm phát vẫn không giảm.”
Liên quan đến việc cho phép các công ty và tập đoàn mở ngân hàng riêng, ông Pincus cảnh báo điều này rất nguy hiểm cho nền kinh tế, dẫu rằng có ý kiến đồng tình vì cho rằng khách hàng sẽ có thêm lựa chọn nếu có thêm nhiều ngân hàng và Việt Nam sẽ có được những ngân hàng tốt nhất tồn tại trong quá trình cạnh tranh.
Ông Pincus giải thích ngân hàng giống như một hệ thống tài chính phân bổ vốn tới những nơi nào mà đồng vốn được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Các ngân hàng luôn phải tuân theo một quy luật là chỉ cho vay đối với những dự án có khả năng sinh lợi tốt nhất.
Vì lý do trên, các chuyên gia đã cho rằng một ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất không phải là ngân hàng do một hay thậm chí hai công ty sở hữu. Ngân hàng tốt nhất là những ngân hàng do nhiều đối tác sở hữu cùng một lúc và họ không được phép ép ngân hàng cho vay tiền đối với các dự án của họ. Khi một công ty có ngân hàng riêng thì công ty này sẽ lấy tiền của ngân hàng mình để xài theo mục đích mình muốn, và cấp vốn cho các dự án của mình chứ không phải cho các dự án tốt. Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu các dự án này có vấn đề.
Do vậy, xu hướng các tập đoàn ở Việt Nam thành lập ngân hàng riêng với lý do là dễ xoay vốn cho các dự án trong các lĩnh vực của họ thì quá nguy hiểm. Sự cố tương tự đã xảy ra ở Indonesia trước khủng hoảng tài chính khu vực khi đất nước này có đến 260 ngân hàng thuộc sở hữu của các tập đoàn. Hậu quả là dẫn đến khủng khoảng khi tất cả các ngân hàng thất bại chỉ vì một lý do là không cho vay các dự án có khả năng sinh lợi cao mà chỉ tập trung cấp vốn cho các dự án của tập đoàn nhà.
MỘNG BÌNH