Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc gia tăng khai thác dầu khí trong nước và mua dầu giá rẻ của Nga

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ba tập đoàn dầu khí quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc đang bơm nhanh nguồn vốn cho các dự án thăm dò và khai thác dầu khí nội địa, đạt gần 85 tỉ đô la trong năm nay – mức kỷ lục kể từ năm 2014. Cùng với Ấn Độ, Trung Quốc đang tận dụng thời cơ để mua vào nguồn dầu giá rẻ từ Nga khi mức giá được giảm lên đến 35 đô la mỗi thùng.

Trung Quốc gia tăng các giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi. Cơ quan Năng lượng quốc gia (NEA) đặt mục tiêu tự sản xuất 200 triệu tấn dầu thô trong năm nay. Ảnh: Reuters

PetroChina, Sinopec và CNOOC - các hãng con niêm yết trên thị trường chứng khoán của các tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc và Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc - dự kiến ​​chi từ 530 - 540 tỉ nhân dân tệ, khoảng hơn 83,33 – 84,91 tỉ đô la cho nguồn vốn trong năm nay, tăng 6,3% so với năm 2021. Nikkei Asia bình luận rằng đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy an ninh năng lượng, ổn định nền kinh tế.

Bình ổn giá năng lượng

Trong bài phát biểu thường niên trước Quốc vụ viện Trung Quốc cuối tháng 3 vừa rồi, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh rằng: “Tăng cường khả năng sản xuất tài nguyên trong nước và xúc tiến thăm dò và sản xuất dầu, khí và khoáng sản là yếu tố chính trong chương trình nghị sự ổn định nền kinh tế của chính phủ trong năm nay”. Ông Lý hầu như không đề cập đến lĩnh vực này trong bài phát biểu năm 2021 của mình.

Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA) trong tuần rồi gửi công văn đến chính quyền địa phương và các công ty năng lượng nhà nước nhắc nhở bảo đảm khả năng tự khai thác và cung cấp năng lượng. NEA đặt mục tiêu sản xuất nội đia trong năm nay là ít nhất 200 triệu tấn dầu thô – cao hơn năm ngoái trên 1 triệu tấn và là mức cao nhất từ năm 2015.

Bộ ba dầu khí nhanh chóng nhận ra thông điệp rất rõ ràng từ Bắc Kinh.

"Sinopec sẽ thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu của chính phủ", Chủ tịch Ma Yongsheng cho biết tại cuộc họp báo cáo kết quả hàng năm của công ty vào tuần trước.

Sinopec sẽ tăng nguồn vốn thêm 18% để đạt mức kỷ lục 198 tỉ nhân dân tệ, với hơn 40% tổng con số được phân bổ cho chi phí thăm dò và phát triển thượng nguồn.

Giá nhiên liệu cao sẽ giúp bộ ba tăng nguồn vốn. Ba công ty niêm yết hàng đầu đã tạo ra tổng lợi nhuận ròng 234,70 tỉ tệ trong năm ngoái, gấp 5,5 lần so với năm 2020. Tổng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tăng 25% lên hơn 714 tỉ nhân dân tệ.

Nhà phân tích Ronald Cheng của S&P Global Ratings cho rằng: "Chúng tôi dự đoán Sinopec sẽ có đủ dòng tiền để trang trải chi phí đầu tư (capex) trong hai năm 2022-2023, mặc dù giá dầu liên tục biến động từ căng thẳng địa chính trị và gián đoạn nguồn cung”.

Có tầm vóc nhỏ hơn hai đối thu cùng ngành do thiếu mạng lưới kinh doanh hạ nguồn, CNOOC dự định chi 90-100 tỉ nhân dân tệ cho các dự án khai thác trong năm nay. "Điều này phản ánh nỗ lực của chúng tôi trong việc tăng cường thăm dò và phát triển dầu khí", Chủ tịch Wang Dongjin nói.

Trong khi đó, PetroChina sẽ tăng chi tiêu cho hoạt động thăm dò và sản xuất, vốn chiếm 3/4 ngân sách vốn của mình, thêm 2% lên 181,2 tỉ nhân dân tệ. Tuy nhiên, vốn đầu tư tổng thể của tập đoàn này sẽ giảm 4%.

Chủ tịch Dai Houliang cho biết công ty đã sẵn sàng "mở rộng các nỗ lực phát triển trong nước, để cố gắng cung cấp thêm khí đốt tự nhiên và dầu thô".

Mâu thuẫn với mục tiêu giảm phát thải?

Sản lượng cao hơn dường như mâu thuẫn với cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc giảm lượng phát thải carbon của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2030 và đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2060. Lướt qua các mục tiêu mâu thuẫn này, NEA đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ theo đuổi cả hai mục tiêu là tăng cường sản xuất nhiên liệu hóa thạch và đồng thời giảm lượng khí thải.

Trung Quốc đã chi 253 tỉ đô la để nhập khẩu dầu trong năm ngoái, nhiều hơn bất kỳ sản phẩm hay nguyên vật liệu nào sau chất bán dẫn. Trong một báo cáo gửi cho khách hàng, nhà kinh tế Trung Quốc Hui Shan của Goldman Sachs nói rằng tiền nhập khẩu dầu của Bắc Kinh "gần như có thể tăng gấp đôi" trong năm nay nếu giá tiếp tục tăng như dự báo của ngân hàng và nhu cầu nội địa vẫn ổn định.

Là một phần trong nỗ lực tăng cường an ninh năng lượng với tư cách là nước nhập khẩu dầu ròng, hai thập niên trước Bắc Kinh đã bắt đầu lập kế hoạch kho dự trữ chiến lược có thể cung cấp lượng dầu trong 90 ngày. Dù chính phủ hiếm khi công bố dữ liệu về lượng dầu dự trữ, nhưng các nhà quan sát nói Bắc Kinh đang âm thầm gia tăng tích lũy dầu thô.

Các tập đoàn năng lượng nhà nước cũng được khuyến khích đầu tư khai thác ở nước ngoài. Với giá xăng dầu tăng mạnh, các tập đoàn Trung Quốc đã “từ chối” theo chân các đồng nghiệp phương Tây rút lui khỏi Nga. Tuần trước, cả CNOOC  và Sinopec đều tuyên bố rằng các dự án của họ ở Nga là “ổn định”.

Sinopec nói rằng vẫn sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga. “Bởi điều này phù hợp với các nguyên tắc thương mại và quy định thương mại quốc tế trong tương lai, với tất cả các đối tác thương mại nhằm phát triển hợp tác kinh doanh dầu khí bình thường”, Chủ tịch Yu Baocai phát biểu.

Gia tăng mua dầu giá rẻ từ Nga

Trước các lệnh trừng phạt, Shell và các tập đoàn dầu khí phương Tây đã rút khỏi thị trường Nga hoàn toàn. Trong khi đó, các tập đoàn dầu khí Trung Quốc tuyên bố vẫn sẽ duy trì các dự án khai thác tại Nga và tiếp tục mua dầu khí từ Nga. Ảnh: Getty Images

Trung Quốc đang là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga và đã mua trung bình 1,6 triệu thùng mỗi ngày dầu thô của Nga vào năm 2021 – theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

“Trung Quốc vẫn đang nhập khẩu dầu của Nga, nhưng có khả năng sẽ tăng lượng mua nếu họ có thể thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và được chiết khấu (giảm giá). Về cơ bản, Nga bị áp lực vì họ đang gặp khó khăn trong việc bán dầu của họ”, Ellen Wald, Chủ tịch hãng tư vấn Transversal Consulting trả lời CNBC.

“Trung Quốc thực sự thích dầu rẻ hơn nhiều… Nếu họ có thể mua dầu của Nga với giá giảm và mức chiết khấu này khá đáng kể - 30 hoặc 35 đô la mỗi thùng so với giá chuẩn, thì tôi không thấy có lý do gì để ngăn Trung Quốc mua nhiều dầu của Nga hơn”, bà Wald giải thích.

Trong quá khứ, một số quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Iran, bắt đầu bằng lệnh cấm của Mỹ và EU vào năm 2011, do chương trình hạt nhân của nước này. Nhưng các lệnh cấm, theo bà Wald, cũng không ngăn được Trung Quốc mua dầu từ Iran thông qua "tất cả các loại phương tiện bí mật".

Các hãng bảo hiểm đã tăng phí bảo hiểm đối với các chuyến tàu hàng trong khu vực trong bối cảnh các tàu chở dầu và các cảng có nguy cơ bị pháo kích. “Tôi không nghĩ rằng họ thực sự bận tâm về mấy chuyện bảo hiểm và những thứ tương tự,” bà nói.

Sự gia tăng mua hàng từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến giá dầu.

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta thấy lượng dầu Nga chuyển sang Trung Quốc tăng. Sau đó là khả năng các nhà cung cấp khác như Kuwait, UAE (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) và thậm chí Arab Saudi sẽ làm theo. Thực tế là Trung Quốc có mức giá quá hời. Giá dầu trên toàn thế giới vì thế bị tác động”, bà Wald nhấn mạnh.

Lượng dầu Trung Quốc mua của Nga đã tăng nhẹ trong năm nay, nhưng các nhà phân tích không cho rằng đó là hệ quả của chiến tranh.

“Dòng chảy dầu từ Nga sang Trung Quốc có phần vững chắc hơn một chút so với tốc độ của năm ngoái. Sự gia tăng này liên quan nhiều hơn đến sự thèm muốn của Trung Quốc đối với dầu thô ESPO từ các cảng miền Đông Nga. Điều này không liên quan đến việc dầu thô của Nga bị chuyển hướng khỏi châu Âu”, nhà phân tích Matt Smith của hãng phân tích thị trường dầu khí Kpler nhận định.

Dầu thô ESPO khai thác từ vùng Viễn Đông Siberia – Thái Bình Dương của Nga và nguồn chính phổ biến với các nhà máy lọc dầu độc lập tại Trung Quốc. “Chúng tôi vẫn chưa thấy sự thay đổi trong các luồng này nhưng mong đợi điều này sẽ xuất hiện”, Smith nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới