Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Anh đặt cược lớn lớn điện hạt nhân và điện gió để bảo đảm an ninh năng lượng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ của Thủ tướng Anh, Boris Johnson vừa công bố chiến lược an ninh năng lượng với trọng tâm là kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và các trang trại gió xa bờ trong bối cảnh Anh tìm cách củng cố các nguồn cung cấp năng lượng trong nước sau khi Nga mở cuộc tấn công quân sự ở Ukraine.

Các tuốc-bin điện gió xa bờ ở ngoài khơi bờ biển vùng Teesside, Anh. Chiến lược an ninh năng lượng của chính phủ Anh đặt trọng tâm vào các kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và các trang trại gió xa bờ. Ảnh: Bloomberg

Chiến lược an ninh năng lượng của Thủ tướng Johnson, được công bố hôm 7-4, đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất điện hạt nhân vào năm 2050 và đẩy nhanh kế hoạch lắp đặt các trang trại điện gió xa bờ trong thập niên này. Chiến lược cũng đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn về nhiên liệu sạch hydrogen, điện mặt trời và các biện pháp thúc đẩy các dự án khai thác dầu khí ở Biển Bắc.

Cụ thể, các biện pháp trong chiến lược an ninh lăng lượng bao gồm phát triển 24 GW công suất điện hạt nhân vào năm 2050, tăng so với con số 8 GW trong năm 2020; hướng đến mục tiêu sản xuất 95% điện từ các nguồn carbon thấp vào năm 2030; phát triển 50 GW điện gió xa bờ vào năm 2030, tăng so với con số 14 GW hiện nay; tăng gấp đôi mục tiêu công suất của các dự án nhiên liệu hydrogen, lên mức 10 GW, với ít nhất 50% đến từ các dự án hydrongen xanh, được sản xuất bằng cách sử dụng nước và năng lượng tái tạo.

Chiến lược cũng đề xuất triển khai đợt cấp giấy phép mới cho các dự án dầu khí ở Biển Bắc vào mùa thu tới đồng thời thực hiện cuộc tham vấn về các quy định quản lý các dự án điện mặt trời để tăng công suất điện mặt trời lên gấp 5 lần vào năm 2035 từ mức công suất 14 GW hiện nay.

Chính phủ Anh muốn triển khai 8 lò phản ứng hạt nhân trong thập niên tới và kỳ vọng điện hạt nhân sẽ cung cấp 25% cơ cấu sản lượng điện của đất nước trong 30 năm nữa, so với mức 16% hiện nay.

Chính phủ Anh cho biết các biện pháp trên sẽ tạo ra thêm 30.000 việc làm ở các dự án điện gió xa bờ, 3.000 việc làm ở các dự án nhiên liệu hydrogen và 5.000 việc làm ở các dự án điện mặt trời.

Muc đích của chiến lược là loại bỏ sự phụ thuộc của Anh vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga đồng thời đưa đất nước hướng tới khả năng tự cung cấp năng lượng, giúp kéo giảm chi phí năng lượng trong dài hạn.

“Chiến lược này sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng chịu rủi ro trước các biến động giá trên thị trường quốc tế mà chúng ta không thể kiểm soát. Vậy nên, chúng ta có thể đạt được sự tự chủ năng lượng lớn hơn với chi phí rẻ hơn”, Thủ tướng Johnson nói trong một thông báo phát đi từ Bộ Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh

Chiến lược được đưa ra chỉ vài ngày sau khi người Anh chịu cú sốc lớn do Cơ quan quản lý các thị trường khí đốt và điện năng của Anh (Ofgem) thông báo giá năng lượng (khí đốt và điện) bán cho các hộ gia đình thanh toán bằng hình thức ghi nợ trực tiếp sẽ được phép tăng tối đa 54% kể từ tháng 4, tức tăng trung bình 693 bảng, lên mức 1.978 bảng (2.580 đô la Mỹ) mỗi năm.

Quyết định này, được thúc đẩy bởi giá khí đốt đang tăng vọt do chiến sự ở Ukraine, sẽ ảnh hưởng khoảng 18 triệu hộ gia đình. Dự kiến mức trần giá bán năng lượng sẽ tăng cao hơn nữa trong tháng 10 tới.

Tuy nhiên, chiến lược trên ngay lập tức hứng ý kiến chỉ trích từ các tổ chức bảo vệ khí hậu và các nhà chính trị đối lập vì họ cho rằng nó sẽ không thể giúp giảm giá năng lượng do không đưa các hành động đầy đủ để thúc đẩy các dự án điện gió xa bờ, điện mặt trời và tiết kiệm năng lượng.

Ed Miliband, người phát ngôn về vấn đề biến đổi khí hậu của phe đối lập Công đảng, cho rằng chiến lược này sẽ không giúp giảm các hóa đơn năng lượng và không tạo ra được sự độc lập năng lượng cũng như không giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu.

Chí phí năng lượng tăng vọt ở Anh khiến các tiêu chuẩn sống của người dân suy giảm mạnh nhất trong ít nhất 60 năm, đẩy hàng triệu người vào diện nghèo.

Bộ trưởng Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh, Kwasi Kwarteng thừa nhận các chính sách công bố hôm 7-4 sẽ không giúp giảm hóa hơn năng lượng trong 3-4 năm nữa và Anh vẫn phải phụ thuộc vào giá khí đốt quốc tế.

Tổ chức nghiên cứu biến đổi khí hậu E3G nhận định chiến lược năng lượng của Anh tập trung quá nhiều vào các chương trình dài hạn đối với điện hạt nhân, dầu khí xa bờ và hydrogen. Juliet Phillips, cố vấn chính sách cấp cao của E3G, nói: “Anh nên dành trọng tâm cho các biện pháp giúp nhanh chóng tăng cường an ninh năng lượng trong nước. Thay vào đó, bằng cách nhấn mạnh các công nghệ chỉ  tạo ra kết quả trong tương lai xa, chính phủ Anh đã thất bại trong việc ứng phó tình hình hiện tại và không nắm được tâm trạng của người dân”.

“Điện gió xa bờ giúp củng cố nguồn cung năng lượng sạch và các biện pháp tiết kiệm năng lượng giúp giảm nhu cầu đáng lẽ ra phải nằm ở vị trí trọng tâm trong chiến lược này. Nhưng giải pháp tiết kiệm năng lượng đã không được đề cập và các đề xuất cho các dự án điện gió xa bờ dường như còn ít ỏi”, Luke Murphy, Phó giám đốc phụ trách năng lượng và khí hậu ở Viện Nghiên cứu chính sách công (IPPR), có trụ sở ở London, nói.

Theo Bloomberg, CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới