(KTSG Online) - Cảng hàng không (CHK) Liên Khương được đề xuất nằm trong nhóm các CHK có công suất quy hoạch đến 2030 hơn 5 triệu hành khách/năm, có tiềm năng phát triển. Định hướng của Bộ GTVT là chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư mở rộng theo hình thức đối tác công- tư (PPP).
Cách đầu tư này là dùng tài sản kết cấu hạ tầng hiện hữu để tham gia dự án. Đây cũng chính là đề xuất trước đó của UBND tỉnh Lâm Đồng gửi Bộ GTVT hôm 15/3 đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, nâng cấp mở rộng CHK Liên Khương từ cấp 4D thành cấp 4E (CHK quốc tế đủ điều kiện đón những loại máy bay cỡ lớn trên thế giới) theo hình thức PPP. Hiện sân bay Liên Khương có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hóa đáp ứng công suất 3000 tấn/năm.
Theo quy hoạch trước đây, định hướng đến 2025 sân bay Liên Khương sẽ đạt công suất 2,6 triệu hành khách/năm.
Tuy nhiên, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 mà Bộ GTVT đã trình Thủ tướng phê duyệt, Liên Khương là sân bay quốc tế cấp 4E và đạt công suất 5 triệu hành khách/năm. Tầm nhìn đến 2050 đạt công suất khoảng 7 triệu hành khách/năm.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất chủ trương nâng cấp CHK Liên Khương công suất đến 2030 là 5 triệu hành khách/năm và đầu tư hệ thống đường cất - hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đồng bộ. Lâm Đồng sẽ huy động 100% nguồn vốn của nhà đầu tư theo hình thức PPP.
Hiện nay, Tổng công ty cảng hàng không (ACV) đang là doanh nghiệp quản lý khai thác sân bay Liên Khương. Theo nội dung văn bản hồi tháng 3/2022, ACV dự kiến bố trí nguồn lực đầu tư mở rộng sân bay Liên Khương bao gồm nhà ga hàng hóa và nhà ga hành khách công suất 5 triệu người/năm sau 2025.
Tuy nhiên, tại Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không”, sân bay Liên Khương thuộc nhóm các CHK có tiềm năng phát triển và khả năng thu hút đầu tư. Các CHK trong nhóm này được đề xuất định hướng chuyển giao kết cấu hạ tầng cho các địa phương để chủ động huy động nguồn lực phát triển cảng theo hình thức PPP, trong đó có sử dụng hạ tầng hiện hữu để tham gia dự án.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng nhanh chóng phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục theo hướng trên để đầu tư phát triển sân bay của vùng du lịch lớn này.