(KTSG Online) - Sau khi trở thành cổ đông lớn thứ hai của Twitter, tỉ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla, chào mua tất cả cổ phần còn lại của mạng xã hội này bằng tiền mặt với mức định giá hơn 43 tỉ đô la Mỹ.
Twitter là mạng xã hội có trung bình 217 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, bao gồm nhiều lãnh đạo thế giới, nghị sĩ, người nổi tiếng.
Chào mua sau khi bất ngờ trở thành cổ đông lớn
Hôm 14-4, trong bản công bố thông tin nộp cho Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), Elon Musk cho biết ông đã gửi lời đề nghị thâu tóm Twitter với giá 54,2 đô la/cổ phiếu, tức định giá công ty này ở mức 43,4 tỉ đô la.
Mức giá này cao hơn 54% so với mức giá đóng cửa của cổ phiếu Twitter vào 28-1, ngay trước khi ông bắt đầu quá trình mua vào hơn 70 triệu cổ phiếu Twitter để trở thành cổ đông lớn thứ hai của công ty này.
Động thái trên sẽ hứa hẹn đưa vị doanh nhân công nghệ này trở thành một ông chủ mạng xã hội, có khả năng định đoạt phương hướng phát triển trong tương lai của một nền tảng nơi ông có hàng chục triệu người theo dõi.
Elon Musk từ lâu sử dụng Twitter để phê phán những người chỉ trích ông, chế nhạo những người bán khống cổ phiếu Tesla và đề xuất những ý tưởng lớn về du lịch không gian. Nhưng ông cũng đưa ra nhiều thông tin gây tranh cãi trên nền tảng này bao gồm thông tin không chính xác về đại dịch Covid-19.
Trong một bức thư gửi cho hội đồng quản trị của Twitter, được đính kèm trong bản công bố thông tin, ông chủ của hãng xe điện giá trị nhất thế giới cho biết ông đã đầu tư vào Twitter vì ông tin rằng nó có tiềm năng trở thành “nền tảng của tự do ngôn luận khắp toàn cầu”.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng kể từ sau khi đầu tư vào Twitter, ông nhận thấy công ty này sẽ không phát triển mạnh cũng như sẽ không thể đáp ứng yêu cầu cấp bách của xã hội trong hình thái hiện tại của nó. Ông cho rằng Twitter cần phải thay đổi mạnh mẽ “với tư cách là một công ty tư nhân”.
Musk là một người dùng hoạt động năng nổ trên Twitter nhưng từ lâu ông cho rằng công ty này kiểm duyệt nội dung quá gắt gao. Ông muốn Twitter phải thay đổi theo hướng trao quyền cho người dùng nhiều hơn.
Ông cảnh báo có thể thoái vốn khỏi Twitter nếu thương vụ chào mua không thành công. Ông viết: “Đây là lời chào mua tốt nhất và cuối cùng của tôi và nếu không được chấp nhận, tôi sẽ xem xét lại vị thế của mình với tư cách là cổ đông của Twitter. Twitter có tiềm năng phát triển cực kỳ lớn. Tôi sẽ giải phóng tiềm năng đó”.
Tuần trước, Elon Musk trở thành cổ đông lớn thứ hai của Twitter sau khi công bố đã mua hơn 73,5 triệu cổ phiếu của Twitter, tương đương 9,2% của công ty này. Ngay sau đó, Twitter mời ông chủ Tesla tham gia hội đồng quản trị nhưng ông từ chối. Động thái này báo hiệu ông có kế hoạch thâu tóm Twitter vì nếu ngồi vào ghế hội đồng quản trị, ông bị hạn chế nắm giữ cổ phần của Twitter ở mức dưới 15%.
Musk hoàn tất mua cổ phiếu Twitter vào ngày 14-3 nhưng đến ngày 4-4 mới công bố, vượt quá thời hạn tối đa 10 ngày mà luật yêu cầu nhà đầu tư phải công bố thông tin với SEC sau khi trở thành cổ đông lớn (nắm 5% cổ phần của Twitter). Sự việc này khiến ông bị các cổ đông Tesla kiện vì cho rằng việc công bố thông tin chậm trễ cho phép Elon Musk mua thêm cổ phiếu Tesla với giá thấp, gây thiệt hại cho họ.
Twitter tìm cách phòng vệ
Elon Musk cho biết Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley sẽ đóng vai trò nhà tư vấn tài chính cho thương vụ chào mua Twitter. Tuy nhiên, ông không nói rõ ông huy động nguồn tiền từ đâu nếu thương vụ được hội đồng quản trị Twitter chấp thuận.
Angelo Zino, nhà phân tích của Công ty CFRA Research, nói: “Nếu thương vụ được chấp thuận, chúng tôi nghĩ Musk có thể tìm kiếm nguồn tài chính thông qua vay nợ lẫn bán bớt lượng cổ phiếu Tesla mà ông ấy đang nắm giữ”.
Cuối năm ngoái, Musk, người giàu nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes, đã bán hơn 15 tỉ đô la trị giá cổ phiếu Tesla, khoảng 10% lượng cổ phần của ông tại nhà sản xuất xe điện này, để trả các khoản nợ thuế.
Lượng người dùng mới của Twitter tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng trong những tháng gần đây. Điều này làm dấy lên các hoài nghi về triển vọng tăng trưởng của mạng xã hội này, ngay cả khi nó đang theo đuổi các dự án lớn gồm phòng chat âm thanh
“Vấn đề lớn đối với hội đồng quản trị Twitter là liệu có nên chấp nhận một lời chào mua tốt cho một doanh nghiệp tăng trưởng kém trong thời gian dài và có xu hướng đối xử khắc nghiệt với người dùng”, Michael Hewson, Giám đốc phân tích thị trường ở Công ty CMC Markets, nói.
Musk đã tích lũy được hơn 80 triệu người theo dõi kể từ khi tham gia Twitter vào năm 2009 và đã sử dụng nền tảng nay để đưa ra một số thông báo quan trọng, bao gồm thông báo nói rằng ông đã huy động đủ nguồn vốn để mua lại cổ phiếu Tesla nhằm chuyển hãng xe điện này thành công ty tư nhân.
Thông tin này khiến ông gặp rắc rối với các cơ quan quản lý vì sau đó Tesla tuyên bố vẫn duy trì tư cách công ty đại chúng. Ông bị SEC kiện với cáo buộc vi phạm luật chứng khoán và đã chấp thuận nộp phạt 20 triệu đô la và rời ghế chủ tịch hội đồng quản trị Tesla đồng thời phải được các luật sư phê duyệt trước các thông tin về Tesla mà ông muốn đăng lên Twitter.
Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết hội đồng quản trị Twitter đang xem xét các biện pháp ngăn cản thương vụ thâu tóm được xem là “thù địch” này.
Một trong những biện pháp đó là thông qua một điều khoản “thuốc độc” (poison pill), hay còn gọi là kế hoạch quyền cổ đông (shareholder rights plan), cho phép các cổ đông hiện hành mua thêm cổ phiếu với giá chiết khấu, qua đó pha loãng quyền sở hữu của bên có ý định thâu tóm cũng như khiến việc mua thêm cổ phiếu Twitter tốn kém hơn. Một kịch bản khác là hội đồng quản trị Twitter từ chối lời chào mua của Elon Musk với lý do giá mua quá thấp.
Giới phân tích nhận định một số thành viên hội đồng quản trị Twitter có thể phản đối đề nghị thâu tóm của Musk vì cổ phiếu mạng xã hội này từng thiết lập mức cao kỷ lục 77 đô la vào đầu năm 2021.
Hoàng tử Al Waleed bin Talal của Saudi Arabia, người tự mô tả mình là một trong những cổ đông lớn và trung thành nhất của Twitter, cho rằng Twitter nên bác bỏ lời chào mua của Elon Musk vì giá trị chào mua không đủ cao để phản ánh giá trị nội tại của công ty.
Theo FactSet, các cổ đông lớn khác của Twitter bao gồm The Vanguard Group (nắm giữa 10,3% cổ phần), Morgan Stanley Investment Management và BlackRock Fund Advisors.
Theo Financial Times, Reuters, Bloomberg