Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sau đầu tư lớn vào sâm ngọc linh, Nutifood hợp tác với Vườn quốc gia Núi Chúa để phát triển thảo dược

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chiều ngày 20-4, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood công bố vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Vườn quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) nhằm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên cây dược liệu, hương liệu tại đây.

Đây là dự án quy mô tiếp theo của hãng sữa trong nước này khi bước vào lĩnh vực thảo dược, sau thương vụ đầu tư hàng triệu đô la Mỹ vào Công ty cổ phần Thương mại - Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam (Quasapharco) hồi tháng 11-2021.

Núi Chúa - Khu dự trữ sinh quyển mới của thế giới. Ảnh: DNCC

Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood, cho biết trong một thông cáo báo chí: ngay khi bước chân vào lĩnh vực thảo dược, Nutifood đã đặt trọng tâm vào hoạt động bảo tồn, phát triển rừng song song với việc nghiên cứu, nhân giống, mở rộng vùng trồng. Bởi lẽ, phần lớn các thảo dược quý hiếm của Việt Nam như sâm ngọc linh, xáo tam phân… đều sống cộng sinh với rừng.

Thông qua việc ký kết này, Nutifood mong muốn được góp phần bảo vệ “nguồn tài sản quý giá” của Việt Nam, gìn giữ các loại dược liệu sắp bị tuyệt chủng đồng thời nhân rộng các thảo dược quý hiếm để phục vụ cho sức khỏe con người.

Tọa lạc tại huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, Vườn quốc gia Núi chúa vừa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 106.000 hecta.

Vườn quốc gia Núi Chúa có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới (IUCN), hơn 300 loài cây dược liệu có lợi cho sức khỏe con người. Do khí hậu khắc nghiệt, hàm lượng các chất có trong các loại cây dược liệu tại đây rất cao, trị được nhiều loại bệnh cho con người, đơn cử như xáo tam phân, mã đề, xá xị,…

Theo ông Minh, Nutifood đang làm việc với các viện nghiên cứu, các trường đại học cùng ban lãnh đạo Vườn quốc gia Núi Chúa và chính quyền địa phương để có kế hoạch phát triển phù hợp cho các loại dược liệu quý tại đây nhằm tăng số lượng, tránh để cây bị tuyệt chủng trong tự nhiên.

Bên cạnh việc sở hữu thảm thực vật và danh mục các loài động vật phong phú, Núi Chúa cũng là mái nhà bao đời của đồng bào dân tộc Raglai, nơi người dân chỉ sống dựa hoàn toàn vào tài nguyên rừng. Do đó, việc ký kết này sẽ giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp sang trồng và bảo vệ các loại cây dược liệu, hương liệu, từ đó có thu nhập ổn định, nâng cao ý thức bảo vệ núi rừng và thiên nhiên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới