Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn gạo, giành lại vị trí thứ hai từ Việt Nam

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các lô gạo xuất khẩu của Thái Lan đang tăng mạnh khi nhiều nước trên thế giới đang cật lực tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho nguồn ngũ cốc từ Nga và Ukraine trước viễn cảnh chiến tranh có thể tiếp tục kéo dài. Các nhà xuất khẩu Thái Lan đang đặt mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm nay, giành lại vị trí thứ hai mất vào tay Việt Nam trong năm 2021.

Nông dân Thái Lan “cỡi” xe thăm lúa ở phía Bắc thủ đô Bangkok. Thái Lan dự kiến có thể xuất đến 8 triệu tấn gạo trong năm nay. Ảnh: AP

Dự báo về an toàn lương thực ở Đông Nam Á trong hai thập niên tới, các nhà nghiên cứu nói rằng Việt Nam và Thái Lan vẫn sản xuất thặng dư, trong khi Indonesia và Philippines vẫn “vật lộn” với nhu cầu trong nước. Đồng nghĩa rằng Việt Nam và Thái Lan sẽ có thị trường xuất khẩu mới là Indonesia trong tương lai.

Những lo ngại về nguồn cung lương thực đã sớm lộ rõ nhiều tuần trước cuộc chiến Nga - Ukraine khi Nga huy động quân đội áp sát biên giới với Ukraine. Cuộc chiến kéo dài gần hai tháng đã khiến các nguồn cung lúa mì từ hai nhà xuất khẩu lớn này bị cắt đứt, khiến giá các loại lương thực khác tăng như hỏa tiễn.

Vụ mùa bội thu

Các lô hàng gạo của Thái Lan trong hai tháng đầu năm 2022 đạt 1,1 triệu tấn, tăng 28% so với cùng thời điểm năm ngoái - theo số liệu của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) tuần trước. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan đang xem xét nâng mục tiêu xuất khẩu năm nay lên 8 triệu tấn, công bố hôm thứ Sáu tuần trước. Tập đoàn hiện đang xem xét nâng mục tiêu xuất khẩu năm nay lên 8 triệu tấn, con số dự báo trước đó là 7 triệu tấn. Năm ngoái, Thái Lan chỉ xuất 6,2 triệu tấn, thua con số 6,4 triệu tấn của Việt Nam.

Chủ tịch TREA Charoen Laothamatas nói với Nikkei Asia: “Người mua cố gắng đảm bảo nguồn cung gạo, vì họ sợ rằng nếu cuộc chiến kéo dài hơn dự kiến sẽ đẩy giá các mặt hàng lương thực lên cao hơn”.

Các thương nhân Thái Lan nói với Nikkei Asia rằng các nhà nhập khẩu châu Âu đang gấp rút ký kết các thỏa thuận mua gạo của Thái Lan vì họ lo ngại các nhà đầu cơ khác có thể tranh mua gạo, khiến giá gạo biến động lớn. Tuy nhiên, các công ty Thái lưu ý rằng “dù không phải là sự thay thế hoàn hảo cho lúa mì, nhưng gạo có thể là mặt hàng bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh địa chính trị bất ổn”.

Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của tập đoàn gạo Thái Lan, cho biết: “Đơn đặt hàng từ một số quốc gia ở châu Âu và Trung Đông, nơi có nhiều người châu Á sinh sống, cũng đang tăng lên”.

Chẳng hạn, Iraq đã nhập khẩu 130.000 tấn gạo Thái Lan trong tháng 1 và tháng 2 này, giảm khối lượng chỉ 146 tấn vào cùng thời điểm năm 2021. Trung Quốc là một khách hàng quan trọng khác, nhập khoảng 165.000 tấn trong hai tháng đầu năm 2022, tăng so với cùng kỳ năm trước gần 72.000 tấn.

Các nhà phân tích cho biết đồng baht yếu hơn, cũng khiến giá gạo Thái Lan rẻ so với các nước khác. Điều này kích thích các nhà nhập khẩu. Đồng baht đã giảm 5% từ tháng 2 đến tháng 4, xuống còn 33,6 baht ăn 1 đô la, so với con số 32 trước đó.

Thái Lan đang giữ vị trí nhà xuất khẩu gạo thứ ba trên thế giới, sau Ấn Độ và Việt Nam. Dự kiến, Thái Lan sẽ có vụ mùa bội thu trong năm nay với khoảng 33 triệu tấn thóc, tương đương với 23 triệu tấn gạo đã xay xát, với một nửa trong số này có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu gạo trong quí 1-2022 của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn, tương đương 731 triệu đô la, tăng 26% về lượng và tăng 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021 nhờ nhu cầu của các thị trường chính tăng cao và doanh nghiệp tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do. Thị trường chính của gạo Việt Nam trong quí 1 vẫn là Philippines, Bờ Biển Ngà và Trung Quốc. Trước đó, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay dự báo đạt trên 6,4 triệu tấn, vẫn xếp sau con số 6,5 triệu tấn của Thái Lan và 15 triệu tấn của Ấn Độ. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam nói gạo Việt vẫn có thể duy trì giá cao trong năm nay do chất lượng duy trì ở mức cao và nhu cầu tốt.Đầu tháng 4-2022, Reuters dẫn lời một thương nhân buôn gạo tại TPHCM nói rằng nguồn cung trong nước đang tăng nhờ sản lượng vụ đông xuân tốt. Tuy nhiên, ông nói rằng chất lượng gạo bị ảnh hưởng do các cơn mưa đầu mùa kéo dài trong thời gian thu hoạch.

Xuất khẩu gạo Việt Nam và Thái Lan vẫn giữ vững vị thế trong 20 năm tới

Việt Nam và Thái Lan tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong khu vực và thế giới về xuất khẩu gạo trong hai thập niên tới. Tuy nhiên, Đông Nam Á khó có thể giữ vững danh hiệu vựa xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới khi hai nước đông dân nhất là Indonesia và Philippines đang phải chật vật để đáp ứng nhu cầu gạo trong nước.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Food cuối tháng 3-2022 vừa rồi, hai nước này sẽ không thể tự đáp ứng nhu cầu với xu hướng sản lượng hiện nay. Điều này có nghĩa là họ sẽ phải dựa vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước về mặt hàng thiết yếu đối với an ninh lương thực, ổn định chính trị và tiềm năng xuất khẩu.

Các nhà nghiên cứu nhận định: “Thiên niên kỷ mới đã mang lại một số thách thức cho các nền canh tác lúa ở Đông Nam Á, với nhu cầu gạo ngày càng tăng, năng suất đình trệ và khả năng mở rộng đất trồng hạn chế. Mối lo về tình trạng thiếu gạo đã quay trở lại”.

Nghiên cứu được công bố vào thời điểm mà những lo lắng về an ninh lương thực đang gia tăng trên khắp thế giới khi cuộc chiến Nga – Ukraine khiến hai vựa lúa mì chính của thế giới đình đốn sản xuất, tiếp tục đẩy giá lương thực vốn đã tăng cao ngày càng cao. Tuy nhiên, giá gạo vẫn tương đối thấp do sản lượng dồi dào và lượng dự trữ ở các vùng trồng trọt hàng đầu, giúp cuộc khủng hoảng lương thực không trở nên tồi tệ hơn.

Theo Bloomberg, triển vọng về khả năng tự cung tự cấp gạo khác nhau ở từng quốc gia. Các nhà nghiên cứu cho biết Thái Lan và Việt Nam sản xuất nhiều hơn mức tiêu thụ trong nước và dư gạo để xuất khẩu, trong khi Indonesia và Philippines “liên tục chật vật” để tự đáp ứng nhu cầu nội địa và buộc phải dựa vào nhập khẩu.

Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng điều đặc biệt quan trọng đối với các khu vực như châu Phi cận Sahara và Trung Đông là Đông Nam Á tiếp tục sản xuất lượng gạo thặng dư lớn vì ASEAN có thể giúp giảm biến động giá toàn cầu và cung cấp nguồn cung gạo ổn định và giá cả phải chăng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Không cần thiết phải lo lắng và đua về sản lượng gạo xuất khẩu nữa. Nên chuyển trọng tâm sản xuất và thương mại sang mô hình gạo NGON và LÀNH. Đó là phương thức chiếm lĩnh thị trường bền vững, có giá trị gia tăng cao nhất, phù hợp xu thế thời đại, và thích nghi với bối cảnh biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. VN phải đặt ra mục tiêu rõ ràng là độc chiếm vị trí chất lượng gạo trên bản đồ thế giới, chứ không phải là số lượng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới