Ông Uông Đông Hưng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) - cho biết doanh nghiệp sẽ nỗ lực vượt qua các doanh nghiệp cùng ngành để gia nhập nhóm 3 doanh ngiệp dẫn đầu về thị phần bảo hiểm phi nhân thọ giai đoạn 2022-2026.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022 sáng 21-4, ông Hưng cho biết MIC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2022 tối thiểu 40% so với mức thực hiện năm 2021, lợi nhuận tăng trưởng tối thiểu 35%, tỷ lệ bồi thường 32%.
Ban lãnh đạo công ty cũng xác định mục tiêu gia nhập nhóm 3 doanh nghiệp bảo hiểm sở hữu thị phần bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất thị trường trong giai đoạn 2022-2026.
“Với những cơ sở hiện tại, chắc chắn MIC sẽ vượt qua một doanh nghiệp bảo hiểm cùng ngành để gia nhập nhóm 4 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2022”, ông Hưng nói.
Để thực hiện mục tiêu này, HĐQT MIC đã trình và được các cổ đông tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 1.430 tỉ đồng lên 1.930,5 tỉ đồng qua chi trả cổ tức năm 2022, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (ESOP)
Theo đó, doanh nghiệp dự kiến chi trả cổ tức 15% bằng cổ phiếu, phát hành 25.740.000 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng một cổ phiếu, phát hành 2.860.000 cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (ESOP) với giá chào bán 10.000 đồng một cổ phiếu.
Việc tăng vốn điều lệ hơn, theo HĐQT MIC, sẽ được đầu tư vào các dự án công nghệ thông tin trọng điểm, bảo hiểm số và gia tăng năng lực tài chính giúp MIC thực hiện khát vọng gia nhập nhóm 3 doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu về thị phần trong năm 2026 và dẫn đầu về chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.
Ngoài ra, MIC đang cùng Ngân hàng TMCP Quân đội - ngân hàng mẹ (hiện nắm hơn 62% vốn của MIC) tìm kiếm các đối tác có uy tín, thương hiệu và kinh nghiệm phát triển bán lẻ, có khả năng hỗ trợ công ty về mặt quản trị, chiến lược, phát triển công nghệ thông tin để đáp ứng mục tiêu Top 3 thị phần.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn các đối tác đáp ứng được 4 tiêu chí gồm: Nhà đầu tư tổ chức/cá nhân trong và ngoài nước cần có uy tín, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường tài chính, có kinh nghiệm phát triển bán lẻ, kênh bán; Cam kết và chứng minh năng lực tài chính đảm bảo việc thanh toán số lượng cổ phần được chào bán; Cam kết hợp tác ít nhất 3 năm, có khả năng hỗ trợ công ty về quản trị, hoạch định chiến lược và kế hoạch tài chính; Có năng lực xây dựng và triển khai sản phẩm đa dạng, hệ thống CNTT hiện đại đáp ứng sự phát triển cuả MIC với mục tiêu top 3 thị phần.
Với sự thông qua của đại hội đồng cổ đông, MIC sẽ tìm kiếm và sẽ chuyển nhượng từ 25% cổ phiều có quyền biểu quyết trở lên và không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Ban lãnh đạo MIC nhận định việc tìm kiếm đối tác chiến lược là một xu thế phát triển tất yếu trong nền kinh tế mở nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng. Trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam trong thời gian qua cũng đã ghi nhận loạt thương vụ chuyển nhượng, M&A.
Nếu có nhà đầu tư chiến lược, MIC sẽ được hưởng lợi giá trị cộng hưởng, nâng cao hiệu quả nhờ tăng quy mô, thu hút vốn nâng cao năng lực tài chính, gia tăng thị phần, danh tiếng.
Ông Uông Đông Hưng cho biết MIC sẽ chốt cổ đông chiến lược dựa trên các yếu tố phù hợp, đặc biệt là về giá.
Còn Thượng tướng Lê Hữu Đức - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội - cho biết có một vài đối tác nước ngoài muốn trở thành đối tác chiến lược của MIC trong năm 2021, nhưng do các điều kiện đối tác đề xuất chưa phù hợp với yêu cầu phát triển và tiêu chuẩn tìm kiếm đối tác chiến lược của MIC nên doanh nghiệp sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tìm kiếm đối tác phù hợp.